Chăm lo việc học cho học sinh Khmer

04:01, 27/01/2020

Những năm qua, ngành giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ để chăm lo cho các cơ sở giáo dục cũng như những học sinh đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, chất lượng giáo dục- đào tạo ngày càng được nâng cao…

Những năm qua, ngành giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ để chăm lo cho các cơ sở giáo dục cũng như những học sinh đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, chất lượng giáo dục- đào tạo ngày càng được nâng cao…

 

Cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo nhu cầu dạy và học của thầy trò vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo nhu cầu dạy và học của thầy trò vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đầu tư giáo dục vùng dân tộc

Theo Sở GD- ĐT, đối với giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong thời gian qua, ngành đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ góp phần nâng chất lượng GD- ĐT. Ngành đã tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường học.

Qua đó, hầu hết các trường mầm non, phổ thông thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, bổ sung thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy học theo quy định.

Song song đó, thực hiện việc dạy tiếng dân tộc Khmer cũng đảm bảo cho học sinh. Hàng năm đều rà soát, nắm thông tin về tình hình học sinh sử dụng sách giáo khoa để vận động xã hội hóa, đảm bảo học sinh vùng dân tộc thiểu số có đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học.

Ngành giáo dục cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, học sinh người dân tộc, giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, giao lưu văn hóa dân tộc để duy trì và phát huy truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: “Thời gian qua, ngành đã quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên người dân tộc phát triển cả số lượng và chất lượng ở các cấp học: Đối với giáo viên đang dạy tiếng Khmer, các phòng GD- ĐT tuyển dụng các em được Sở GD- ĐT cử tuyển học tại Trường ĐH Trà Vinh đã ra trường về dạy.

Cử cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Bộ GD- ĐT, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy phù hợp với đối tượng học sinh, đổi mới trong kiểm tra đánh giá học sinh, quan tâm, khích lệ, tăng cường phát triển năng lực tư duy, kích thích khả năng thể hiện chính kiến của học sinh, rèn luyện học sinh biết phân tích nhận định tình hình theo hướng hiểu biết của bản thân.

Trong khi đó, ngành giáo dục cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tại vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục ở các vùng này.

“UBND tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho GD-ĐT nhằm chuẩn hóa các điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp GD- ĐT, trong đó có giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.

Nâng chất giáo dục học sinh Khmer

Theo Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh, hiện nay, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc có nhiều thuận lợi. Trước hết là thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên địa bàn tỉnh, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý công tác tại vùng có học sinh dân tộc thiểu số phần lớn gắn bó và có trách nhiệm với nghề, có tinh thần học hỏi để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Bà nói: “Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, tạo thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp với người dân tộc và học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho con em người dân tộc thiểu số học tập để vươn xa hơn, thực hiện tốt mục tiêu phát triển bình đẳng giữa các dân tộc anh em”.

Tại Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ- Tam Bình), điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư khang trang đã đáp ứng được nhu cầu học tập của các em học sinh, nơi có trên 76% học sinh là người dân tộc Khmer.

Thầy Võ Văn Trung- Phó Hiệu trưởng nhà trường- cho biết: Hiện cơ sở vật chất đã đảm bảo học 2 buổi/ngày, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng như hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh người dân tộc. “Những năm qua, các chế độ chính sách đã góp phần lớn trong công tác vận động học sinh người dân tộc Khmer đến trường để học và học tốt”- thầy Trung chia sẻ.

Thầy Trần Ngọc Bảy- giáo viên phụ trách công tác giáo dục phổ cập ở xã Loan Mỹ- thì nhận xét: Trước đây, công tác vận động học sinh người dân tộc Khmer tương đối khó khăn nhưng hiện nay đã có nhiều bước phát triển tích cực nhờ sự đặc biệt quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể cũng như giáo viên phụ trách từng tổ vận động.

Thầy chứng minh: “Qua đó, huy động học sinh đến trường đúng độ tuổi luôn đạt tỷ lệ cao, tỷ lệ xóa mù chữ từng bước được nâng cao. Hiện, xã cũng hoàn thành phổ cập giáo dục xóa mù chữ cấp tiểu học đạt mức độ 3, huy động 100% trẻ 5 tuổi vào mầm non. Học sinh hoàn thành chương trình THCS cũng chiếm trên 96%”.

Trong khi đó, thầy Thạch Sơn- giáo viên Trường Tiểu học Phù Ly (TX Bình Minh) cho biết: Những năm qua, không còn tình trạng học sinh dân tộc Khmer bỏ học. Ngoài ra, học lực, hạnh kiểm của học sinh dân tộc ngày càng nâng cao. Cơ sở rộng rãi cũng giúp nhà trường triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, giúp các em học sinh dân tộc Khmer mạnh dạn trong học tập, nghiên cứu.

Một trong những điểm đổi mới tích cực những năm gần đây là đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên. Qua đó, góp phần kéo giảm tình trạng nghỉ học của con em người dân tộc.

Trường được đầu tư giúp cho các hoạt động của học sinh Trường Tiểu học Phù Ly thêm thuận lợi.
Trường được đầu tư giúp cho các hoạt động của học sinh Trường Tiểu học Phù Ly thêm thuận lợi.

Ông Lê Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ- cho biết: Toàn xã có khoảng 42% là người đồng bào dân tộc Khmer.

Nếu các năm trước, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 17- 18% thì nay chỉ còn dưới 4%. Trong đó, có rất nhiều hộ gia đình Khmer thoát nghèo, vươn lên khá giả. Đây là một trong những yếu tố đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội cũng như kéo giảm tình trạng học sinh người dân tộc bỏ học”.

Cũng theo ông Lê Trí Dũng, hiện xã được xếp là địa phương đặc biệt khó khăn nên những chính sách dành cho địa phương cũng như cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được đảm bảo, đặc biệt quan tâm. “Hiện, trình độ dân trí của người dân trong xã tương đối đồng đều. Bây giờ người đồng bào dân tộc Khmer cũng như con em của họ đều được quan tâm, học tập tốt…”- ông cho biết.

Để góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc Khmer, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp lãnh đạo về việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, huy động sự hỗ trợ từ các ban ngành, đoàn thể, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục.

“Ngành giáo dục sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức. Trước mắt là chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các trường học trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Đồng thời, quan tâm giáo dục học sinh về ý thức trách nhiệm thông qua các hoạt động giáo dục, giảng dạy và hành động cụ thể, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục ý thức tự quản, tự tin, tự lực, tự cường, tự thân…”- Giám đốc Sở GD-ĐT nói.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 25.896 người Khmer sinh sống, chiếm gần 2,1% dân số. Đồng bào dân tộc Khmer chủ yếu tập trung ở huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh. Thời gian qua, cùng với những chính sách chung của cả nước, tỉnh còn thực hiện các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Hiện tổng số học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường đạt 98%.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh