Chuyện dạy những thiếu nhi khác biệt

03:09, 11/09/2019

Sau nhiều năm phụ trách lớp Mỹ thuật thiếu nhi tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy ngày càng có rất nhiều cháu thiếu nhi có những biểu hiện bất thường về tâm lý được phụ huynh đưa đến học tại lớp của chúng tôi!

 

 Lớp Mỹ thuật tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên.
Lớp Mỹ thuật tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên.

Sau nhiều năm phụ trách lớp Mỹ thuật thiếu nhi tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy ngày càng có rất nhiều cháu thiếu nhi có những biểu hiện bất thường về tâm lý được phụ huynh đưa đến học tại lớp của chúng tôi!

Số học viên này gồm có các cháu có những biểu hiện tâm lý không ổn định, tăng động, tự kỷ và ngay cả thiểu năng! Đặc biệt, cũng có trẻ khiếm thính xin theo học!

Đối với trẻ khiếm thính thì không có gì phải bàn đến, vì tâm lý các cháu rất bình thường, chỉ có điều là các cháu không thể nghe, nói được. Với kinh nghiệm có 10 năm (1998- 2008) dạy vẽ tình nguyện tại Trường Khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, nên chúng tôi không hề gặp khó khăn nào!

Còn đối với các cháu thiểu năng, mặc dù đầu óc của các cháu này không thể phát triển như người bình thường, tiếp thu rất chậm nhưng các cháu rất ngoan, rất dễ dạy!

Riêng đối với các cháu có những biểu hiện tâm lý không ổn định, tăng động hay tự kỷ, lúc đầu, khi biết rõ tình trạng bất thường của các cháu, chúng tôi thường từ chối nhận.

Chúng tôi thường viện dẫn lý do với các phụ huynh ấy rằng: mình chưa có kinh nghiệm giảng dạy cũng như phòng ốc chật chội, không có chỗ ngồi riêng biệt cho các cháu này! Nhưng khi thấy nỗi thất vọng của các phụ huynh, nhìn những bà mẹ đau khổ rơi những giọt nước mắt vì con mình có các dấu hiệu khác thường về tâm lý, chúng tôi rất đồng cảm và nhìn những gương mặt non trẻ tội nghiệp của các cháu, chúng tôi đã không thể đành lòng từ chối!

Dần dà, qua nhiều năm tiếp xúc với các cháu, chúng tôi nhận thấy các cháu bệnh về tâm lý không ổn định bao gồm những thay đổi trong tâm trạng, tính cách, thói quen cá nhân hoặc thu mình lại!

Còn các cháu được chẩn đoán là hiếu động kém chú ý thì ngoài biểu hiện luôn động đậy chân tay, không ngồi yên một chỗ thường kèm theo một số biểu hiện như rối loạn phát triển ngôn ngữ, rối loạn phát triển vận động (chẳng hạn như rất vụng về) hoặc kém tập trung chú ý!

Riêng các cháu tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ được thể hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại! Tất cả ba loại bệnh này có thể xảy ra không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội!

Các cháu này, khi đến lớp học của chúng tôi có cháu nói chưa sõi, có cháu chỉ ú ớ và không chịu hợp tác. Đối với các cháu ở thể nhẹ thì rất mau tiến bộ và gần như đã khỏi hẳn!

Thế nhưng, đối với những cháu ở thể nặng hơn thì chúng tôi đã rất khó khăn trong việc giúp cho các cháu tập trung vào việc học! Hầu hết các cháu này đều không làm theo lời chỉ dạy. Bản thân các cháu không thể ngồi học lâu như một đứa trẻ bình thường được, trong khi chỉ cần các cháu ngồi yên một chỗ thì đã là một kỳ tích rồi!

Có cháu còn gây thương tích cho các bạn cùng lớp và ngay cả chính bản thân mình! Có cháu có lúc nghe lời, nhưng cũng có lúc lại giả vờ như không nghe thấy lời hướng dẫn của chúng tôi.

Có cháu trong giờ đang học vẽ, bất ngờ quăng ném hết giấy bút rồi chạy vòng vòng quanh lớp, chân tay khua khoắng lung tung. Có cháu chịu hợp tác, nhưng cũng có cháu khi phụ huynh vừa đưa đến lớp là đã ném bút, ném màu, xé giấy tung tóe, thậm chí còn hò hét ầm ĩ!

Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi phát hiện phần lớn các cháu có các dấu hiệu khác thường về tâm lý được phụ huynh đưa đến lớp của chúng tôi đa phần đều có năng khiếu bẩm sinh về hội họa. Nhiều khi khả năng hội họa của các cháu này còn tốt hơn những cháu thiếu nhi có tính cách bình thường! Tuy nhiên, cũng có một số cháu không hề có năng khiếu!

Vấn đề nan giải nhất cho chúng tôi là phải tìm ra từng phương pháp dạy phù hợp theo bệnh trạng của từng cháu, phải tìm cách làm sao mở lòng với các cháu, giúp cho các cháu có thể hòa nhập với xã hội!

Khi các cháu đến học, chúng tôi thường làm một số kiểm tra nhỏ để trắc nghiệm xem các cháu có thích học vẽ hay không? Nếu như các cháu thích thì sẽ tốt cho bản thân các cháu hơn là ép các cháu học!

Việc trước tiên là khi dạy các cháu, chúng tôi phải luôn cố gắng kiên trì sự dịu dàng, nhẫn nại. Đối với một đứa trẻ bình thường, khi để vẽ một đường thẳng hay đường tròn là một việc hết sức đơn giản, nhưng đối với một đứa trẻ có các dấu hiệu khác thường về tâm lý, đó không phải là chuyện dễ dàng!

Tiếp xúc với các cháu, chúng tôi không bao giờ xem đó là những đứa trẻ bất bình thường, chỉ xem đấy là những đứa trẻ khác biệt, luôn mở lòng để được chạm vào tâm hồn chúng! Chúng tôi nhận thấy những đứa trẻ này rất nhạy cảm. Mặc dù các cháu không thể giao tiếp như người bình thường, nhưng hầu hết đều hiểu điều mọi người nói!

Chúng tôi thấy: nếu như ai đó yêu mến các cháu thì các cháu cũng sẽ thể hiện lại tình cảm y như thế. Còn ngược lại, nếu như ta quát mắng hay có những hành động không tôn trọng, các cháu sẽ sợ hãi và chúng ta sẽ khó có cơ hội để gần gũi các cháu được!

Tóm lại, đối với các cháu thiếu nhi có dấu hiệu khác thường về tâm lý, hội họa thực sự có tác dụng rất tốt! Nếu như các cháu chịu kiên nhẫn ngồi vẽ, rèn luyện thì dần dần tính cách của các cháu sẽ được cải thiện, thông qua đó tình trạng của các cháu sẽ có tiến triển khả quan hơn, hạn chế được những hành vi xấu, giúp tăng cường kỹ năng sống cho các cháu!

Chúng tôi ước mong sao, cùng với các phương pháp trị liệu đúng cách, việc học vẽ sẽ góp phần giúp cho những đứa trẻ không may mắn này sẽ có cơ hội nhanh chóng tái hòa nhập với cuộc sống.

Bài, ảnh: TÍN ĐỨC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh