Nâng chất lượng đào tạo Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia

05:03, 15/03/2018

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia năm 2020, ngành giáo dục Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần tiếp tục tập trung nâng chuẩn giáo viên dạy tiếng Anh và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế trong việc thực hiện chương trình…

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia năm 2020, ngành giáo dục Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần tiếp tục tập trung nâng chuẩn giáo viên dạy tiếng Anh và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế trong việc thực hiện chương trình…

Việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt nhiều kết quả trong công tác dạy và học.
Việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt nhiều kết quả trong công tác dạy và học.

Nâng chuẩn dạy và học

Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD- ĐT về việc triển khai dạy môn Tiếng Anh cấp THCS và THPT theo đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 từ năm học 2014- 2015, đến nay, Vĩnh Long đã tham gia chương trình được 3 năm và bắt đầu qua năm thứ 4.

Nếu khi triển khai, chỉ có 4 lớp 10 với 149 học sinh và 18 lớp 6 với 806 học sinh, thì đến năm học 2017- 2018, cấp THCS đã có 216 lớp với 7.244 học sinh và cấp THPT có 146 lớp/5.045 học sinh.

Theo đánh giá của Sở GD- ĐT, hiệu quả có thể nhận thấy nhất là qua kỳ thi THPT quốc gia 2017, tỷ lệ học sinh đạt từ điểm 5 trở lên đạt 88,89%, trong đó đạt loại khá giỏi là 54%.

Các học sinh theo học chương trình thì kỹ năng nghe, nói, đọc, viết (đặc biệt là nghe, nói) trội hơn so với học sinh học chương trình bình thường vốn nặng về đọc hiểu, ngữ pháp.

Theo thầy Huỳnh Công Toàn- giáo viên Trường THPT Mang Thít, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia của các lớp đề án cao hơn những lớp bình thường.

Cụ thể, tỷ lệ giỏi trội hơn 31%; khá trội hơn gần 6%, đậu tốt nghiệp trội hơn 43%. “Học sinh học tiếng Anh theo đề án thì các kỹ năng đều tốt hơn.

Đồng thời khả năng tự học, làm việc nhóm cũng tốt hơn, do các em phải đi thực tế để thu thập thông tin, làm bài tập…”- thầy chia sẻ.

Báo cáo sơ kết học kỳ 1 năm học 2017- 2018 từ Sở GD- ĐT, thời gian qua, ngành đã tổ chức rà soát, đánh giá năng lực giáo viên môn Tiếng Anh, bồi dưỡng theo chuẩn quy định của Bộ GD- ĐT để đáp ứng nhu cầu triển khai đề án. Việc bồi dưỡng giáo viên cũng gắn liền với việc bố trí, sử dụng.

Trong công tác bồi dưỡng giáo viên, Sở GD- ĐT đã phối hợp với Trung tâm SEAMEO, ĐH Cần Thơ… nhằm đánh giá mức độ chuẩn cho các giáo viên tham gia bồi dưỡng.

Tính đến hết tháng 12/2017, tổng số giáo viên môn Tiếng Anh cấp tiểu học đạt trình độ B2 trở lên là 303/323 (đạt 93,85%), giáo viên THCS đạt trình độ B2 là 297/343 (đạt 86,5%), giáo viên THPT đạt trình độ C1 trở lên đạt 89/222 (đạt 40,1%).

Qua đó, học kỳ I năm học 2017- 2018, ngành giáo dục cũng đã triển khai đề án tại 56/197 trường tiểu học với 378 lớp và 10.242 học sinh…

Cần thay đổi phù hợp thực tế

Tuy đã triển khai có hiệu quả cả trong việc dạy và học, không ngừng nâng chuẩn giáo viên để việc thực hiện đề án được tốt hơn. Song, nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần nghiên cứu một số vấn đề để đề án đi sát với thực tế.

Theo cô Phạm Thị Anh Thư, mặc dù có những ưu điểm nhưng sách giáo khoa mới cũng có những hạn chế nhất định: “So với sách giáo khoa cũ thì sách giáo khoa mới có sự thay đổi khá đột ngột về lượng và chất. Nội dung này cần tính đến việc quy hoạch cả lớp học.

Mỗi lớp dạy học chỉ từ 20 học sinh trở xuống và sơ đồ chỗ ngồi không thể theo quy cách truyền thống. Muốn làm được điều này, cần có diện tích phòng học thích ứng”- cô cho biết.

Một giáo viên môn Tiếng Anh ở TP Vĩnh Long cho rằng, việc học theo đề án hiện nay chưa thật sự hấp dẫn học sinh, bởi: Các em học theo đề án nhưng khi tham gia thi THPT thì không có đề thi riêng để đánh giá năng lực theo những nội dung đã học. Vì vậy cần có sự nghiên cứu, cấu trúc lại đề thi Tiếng Anh THPT quốc gia.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT cho rằng, hiện nay cần nghiên cứu việc kiểm tra, đánh giá năng lực thống nhất trên cả nước để khi các em hoàn thành chương trình Tiếng Anh theo đề án sẽ được kiểm tra, đánh giá năng lực và được cấp chứng chỉ tương đương các bậc khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc.

Qua đó, các em có thể sử dụng được tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng lãng phí hoặc xảy ra tiêu cực…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh