Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 được giao hoàn toàn cho các địa phương chủ trì với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 được giao hoàn toàn cho các địa phương chủ trì với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Kỳ thi năm nay đổi mới với 5 bài thi gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (Địa lý, Sử, Giáo dục công dân), trong đó chỉ có môn Văn thi tự luận, còn lại đều thi trắc nghiệm. Do đó, vấn đề dự báo các tình huống về sai sót trong in sao, vận chuyển đề thi, công bằng trong chấm thi, an toàn cho thí sinh… được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm.
Lo sự cố đề thi
Với nhiều năm kinh nghiệm in sao đề thi, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, thành viên Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2017, cho biết: “Với tính chất kỳ thi năm nay, đồng thời số bài thi có sự thay đổi nên việc bố trí thí sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) với học sinh chính quy sẽ khó khăn trong việc phân phối bài thi nên cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng.
Do đó, việc in sao đề thi sẽ rất phức tạp và nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ rất dễ xảy ra sự cố. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan. Đơn giản như vấn đề phiếu trả lời trắc nghiệm mà sử dụng giấy quá mỏng thì khi chấm sẽ xảy ra sai sót”. Qua kiểm tra, TS Nguyễn Đức Nghĩa lo lắng khi nhiều địa phương đã không trả lời được việc thí sinh GDTX thi chung phòng với thí sinh lớp 12 sẽ bố trí như thế nào.
Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2017 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chủ trì, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại tỉnh Đồng Tháp. |
TS Hà Hữu Phúc, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, cho rằng với tính chất kỳ thi năm nay thì lo nhất là công tác in sao đề thi. Các địa phương phải đưa ra mọi tình huống, chẳng hạn như đề thi mờ, đọc không rõ, in sao thiếu… sẽ xử lý ra sao. Bên cạnh đó, cán bộ coi thi cũng phải được tập huấn kỹ càng trước khi coi thi. Những năm qua, nhiều sự cố đã xảy ra chỉ vì cán bộ coi thi tự ý xử lý các tình huống làm ảnh hưởng đến thí sinh và cả kỳ thi.
Trao đổi về công tác kiểm tra tình hình chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017 ở các địa phương, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Nhìn chung nhiều địa phương đã chuẩn bị khá chu đáo cho công tác thi THPT Quốc gia 2017. Tuy nhiên, với mức độ và tầm quan trọng của kỳ thi, Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các địa phương phải chuẩn bị kỹ phương án dự phòng các tình huống đột xuất xảy ra.
Các địa phương có điểm thi không thuận lợi về giao thông (như qua phà, đò) phải đặc biệt lưu ý tính toán trong khâu vận chuyển đề thi, bài thi, thí sinh đi thi. Do đó, quan điểm của Bộ GD-ĐT là các địa phương phải nỗ lực chuẩn bị dự phòng các nguồn lực cho kỳ thi chứ không để tình trạng thiếu hụt, phòng khi có sự cố mới ứng phó. Vấn đề Bộ GD-ĐT luôn lo lắng đó là nhiều tỉnh, thành có thí sinh đi thi phải qua phà. Nếu chuẩn bị không kỹ và xảy ra sự cố thì thiệt thòi cho thí sinh.
Hạn chế những tiêu cực
Với kỳ thi năm nay, nhiều trường ĐH tỏ ra không an tâm với công tác coi thi, chấm thi. Không phải vì các trường không tin vào kỳ thi mà chưa an tâm ở “bệnh thành tích” của nhiều địa phương. Những năm trước đây rất nhiều sự cố xảy ra trong phòng thi lẫn công tác chấm thi như vụ thỏa thuận “nâng” điểm thi tốt nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Để đảm bảo công tác coi thi, Bộ GD-ĐT quy định mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh và 50% cán bộ coi thi là của các trường ĐH. Nhiều địa phương có trường ĐH cũng mời thêm cán bộ coi thi của các trường ĐH ở tỉnh khác. Điển hình như tỉnh Vĩnh Long có 832 cán bộ coi thi thì có 416 cán bộ đến từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Trường ĐH Luật TPHCM. Tuy nhiên, trong 140 cán bộ chấm thi lại không có cán bộ của trường ĐH tham gia. Tại Đồng Tháp có 1.072 cán bộ coi thi, trong đó cán bộ của Trường ĐH Đồng Tháp và Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai là 536 người…
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thành viên Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2017, cho rằng: Ở khâu chấm thi, các địa phương cần tính phương án cho giáo viên các trường ĐH tham gia chấm thi để đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, để tránh và hạn chế tối đa tiêu cực, khu vực chấm thi hoặc phòng chấm thi cần lắp đặt camera quan sát 24/24 giờ. Lý giải cho đề xuất này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nêu thực tế bài thi trắc nghiệm (đánh dấu bằng bút chì) dễ chỉnh sửa nhất nên lắp đặt camera là có thể giám sát được.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Những băn khoăn trên của các trường về tính công bằng cũng như kỷ luật của phòng thi là có cơ sở. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng đã chuẩn bị công tác tổ chức rất chặt chẽ.
Qua kiểm tra, có nhiều địa phương đã mời nhiều cán bộ của các trường ĐH giám sát chấm thi, tham gia công tác thanh tra thi, chấm thi. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ thành lập nhiều đoàn thanh tra đột xuất trong lúc thi cũng như công tác chấm thi nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan. Hơn nữa, kỳ thi năm nay lãnh đạo các địa phương là người trực tiếp chủ trì và chịu trách nhiệm nên nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực, lộn xộn họ sẽ bị kỷ luật theo đúng quy chế.
Theo THANH HÙNG (SGGP)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin