Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung đang rất khó trong công tác phân luồng. Sau nhiều năm thực hiện, việc phân luồng vẫn nhỏ giọt với số học sinh (HS) sau THCS chọn trường nghề chưa đến 10%.
Phân luồng sau THCS là việc buộc phải làm để nâng cao chất lượng đào tạo và cân đối nguồn nhân lực.
Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung đang rất khó trong công tác phân luồng. Sau nhiều năm thực hiện, việc phân luồng vẫn nhỏ giọt với số học sinh (HS) sau THCS chọn trường nghề chưa đến 10%. Giải bài toán này, không chỉ có Bộ GD- ĐT mà còn cần lắm những bộ ngành liên quan vào cuộc.
Kỳ 1: “Con đường nhỏ ngoằn ngoèo...”
Nếu như con đường vào giảng đường ĐH, CĐ ngày càng rộng mở thì con đường trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên lại trở nên ngoằn ngoèo “khó đi”. Chuyện phân luồng sau gần chục năm nhắc đến vẫn còn rất xa vời vì thực tế, hiện nay HS sau THCS vào THPT vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao…
Công tác tuyên truyền về phân luồng học sinh vẫn còn lắm khó khăn. Ảnh minh họa |
Phân luồng nhỏ giọt
Phân luồng là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nếu thực hiện được điều này chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phân hóa nguồn lao động sẽ phù hợp với nền kinh tế thị trường, ngày càng hội nhập sâu rộng.
Bên cạnh đó, cảnh “thừa thầy thiếu thợ” cũng sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, chuyện phân luồng sau gần chục năm nhắc đến vẫn như một giấc mộng xa vời vì chưa thực hiện được.
Theo báo cáo tổng kết năm học 2015- 2016 của Bộ GD- ĐT, thí sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp là 30.907 HS, chiếm gần 22% (so với 143.135 HS nhập học vào các cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp), đã có tăng hơn 10.000 HS so với năm 2014.
Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 11% so với tổng chỉ tiêu vào các cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp (280.640 chỉ tiêu).
Bộ GD- ĐT cho rằng công tác phân luồng HS sau THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được chú trọng đến mức.
Các chính sách, cơ chế và sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thật hiệu quả, dẫn đến việc phân luồng còn hạn chế. Năm học 2015- 2016, cả nước có 20 cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp “không tuyển được thí sinh”, cụ thể là chỉ tuyển được 143.135/280.640 chỉ tiêu.
Tại Vĩnh Long, năm học 2015- 2016, có hơn 80,5% HS sau THCS vào lớp 10 THPT. Các năm học trước, tỷ lệ này cũng liên tục chiếm hơn 80% và chỉ có khoảng 2- 3% học sinh chọn học nghề.
Mục tiêu chung của đề án phân luồng là nâng cao số lượng lao động qua đào tạo (luồng vào trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp), giảm lao động không qua đào tạo (luồng khác).
Tuy nhiên, thay đổi thể hiện qua những con số rất nhỏ giọt và khó khăn, trong khi mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ HS chọn giáo dục nghề nghiệp phải là 18%. Trong khi đó, mục tiêu cuối năm 2015 là 13% vào giáo dục nghề nghiệp còn chưa đạt được.
Con số học sinh sau THCS đi luồng khác năm học 2015- 2016 ở Vĩnh Long là 9,8% cũng làm cho nhiều người băn khoăn.
Ở lứa tuổi 15, các em có thể đi đâu, làm gì, liệu có đi đúng “luồng” hay trở thành gánh nặng cho xã hội? 19.000 thí sinh bị điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia cũng là con số đáng suy ngẫm về việc phân luồng, một khi các em đã không có khả năng học kiến thức mà cứ cố gắng chạy đua trên con đường không thuộc về mình. Số học sinh vào THPT là có thể kiểm soát, tại sao tỷ lệ học sinh vào hệ này vẫn luôn ở mức trên 80%?
Ngay cả lối đi vào học trung tâm giáo dục thường xuyên, HS cũng không mặn mà. Theo thầy Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Thường xuyên (Sở GD- ĐT), nguyên nhân chính hiện nay là tâm lý của HS, phụ huynh vẫn còn xem trọng bằng cấp.
Mặc dù, nhu cầu lao động hiện nay phân hóa rất rõ rệt, chuyện cử nhân ĐH tốt nghiệp ra trường thất nghiệp không còn là chuyện hiếm.
Thêm nữa, phân luồng chưa thực sự hiệu quả và học nghề chưa là giải pháp lựa chọn để “lập thân, lập nghiệp” của các HS, là do tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ.
Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm là một số trường nghề vẫn trong tình trạng thiếu trang thiết bị, năng lực giáo viên còn bất cập nên chất lượng đào tạo chưa cao; các trường chưa đào tạo những nghề mà xã hội cần, các em sau khi theo học chưa hành nghề được… nên không thu hút được HS.
Điều này dẫn đến công tác tuyển sinh ở các trường gặp khó. Đồng thời năm học qua vướng mắc Thông tư 55 của Bộ GD- ĐT về quy định liên thông nên công tác phân luồng gặp rất nhiều khó khăn.
Con đường khó đi
Một vấn đề của phụ huynh và HS quan tâm, chính là bằng cấp của học nghề có được xem như bằng tốt nghiệp lớp 12? Chính điều này cộng với tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ đã dẫn đến thực trạng ít HS chọn giáo dục nghề nghiệp.
Ngay tại lễ khai giảng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long vừa qua, phụ huynh Nguyễn Thị Nga (Long Hồ) không giấu băn khoăn: “Học xong trung cấp nghề, con tui muốn thi ĐH có được không?”
Thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long từng nhận định, HS vẫn thích học ĐH hơn là trung cấp hoặc nghề do độ “sang” của bằng cấp.
Thực tế, nhiều HS có khả năng tiếp thu kiến thức rất kém nhưng vẫn thích đi học THPT và thi ĐH hơn. Hơn thế, các trường ĐH tuyển sinh hiện giờ rất thoáng, điểm sàn thấp còn có thể xét học bạ,… là nguyên nhân thu hút các em. Dẫn đến việc phân luồng vào trường nghề càng khó khăn hơn.
Phụ huynh vẫn có tâm lý hướng con em mình thi vào các trường ĐH, CĐ mà chưa nhìn nhận đúng với năng lực, khả năng của các em. Điều này không chỉ gây áp lực lớn cho bản thân các em mà còn “làm khó” cho đề án phân luồng.
Em Ngô Trọng Luân (xã Chánh Hội- Mang Thít) nhìn nhận sức học của em yếu nhưng cha mẹ cứ mong em vào cho được ĐH, CĐ. Trọng Luân cho biết: “Bây giờ đã ra trường hơn 1 năm nhưng công việc cứ chưa đâu vào đâu, cứ nay chỗ này, mai chỗ nọ…”
Theo thầy Nguyễn Ngọc Khương, hiện nay đề án phân luồng ngoài những vấn đề khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, như chưa thống nhất để có kế hoạch đào tạo.
Đặc biệt, không riêng gì Vĩnh Long, mà hầu hết các tỉnh- thành trong cả nước vẫn chưa thành lập được một cơ quan dự báo nguồn nhân lực:
“Người học trung cấp nghề chưa thật sự biết được sau khi ra trường làm gì, ở đâu, nhu cầu ra sao. Điều này thể hiện sự thiếu dự báo nguồn nhân lực từ các cơ quan, nhất là vẫn chưa thành lập được một trung tâm chuyên biệt. Hiện chỉ có TP Hồ Chí Minh là có trung tâm có chức năng này. Đối với các em thì rất cần có sự dự báo công khai, chính xác, là cơ sở xác thực để các em vào học các trường nghề…”
|
Theo Phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Thường xuyên (Sở GD- ĐT), năm học 2014- 2015, có 84,7% số HS sau THCS vào THPT; 7,2% vào THPT hệ giáo dục thường xuyên; 2% vào trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp và 6% vào luồng khác. Các con số này ở năm học 2015- 2016 lần lượt là 80,5%; 6,5%; 3,1% và 9,8%.
Trong khi đó, theo đề án phân luồng học sinh sau THCS tỉnh Vĩnh Long, năm 2015, HS sau THCS vào THPT là 70%, vào giáo dục thường xuyên là 12%, giáo dục nghề nghiệp là 13% luồng khác là 5%. Năm 2020, các con số tương ứng là 65%, 14%, 18% và 3%. Đối với HS tốt nghiệp THPT vào luồng ĐH 45%, giáo dục nghề nghiệp là 40% và luồng khác là 15%. |
>> Kỳ cuối: “Mở đường” để phân luồng
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin