Đại diện nhiều trường đại học tốp đầu đã có những ý kiến khác nhau xung quanh việc không tuyển đủ thí sinh vào học sau đợt xét tuyển đầu tiên.
Đại diện nhiều trường đại học tốp đầu đã có những ý kiến khác nhau xung quanh việc không tuyển đủ thí sinh vào học sau đợt xét tuyển đầu tiên.
Sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), nhiều trường ĐH tốp đầu (có uy tín, chất lượng đào tạo) thông báo thiếu chỉ tiêu tuyển sinh và cần bổ sung ở đợt tuyển sinh tiếp theo.
Là trường đào tạo Y khoa hàng đầu cả nước nhưng khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, ĐH Y Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung cho một số ngành.
Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.100 thì kết thúc đợt 1, trường mới nhận được 758 thí sinh xác nhận sẽ học ở trường.
Đặc biệt đây là năm đầu tiên, ngành Y đa khoa - một ngành rất “hot”, thường đủ chỉ tiêu ngay đợt xét tuyển đầu tiên, thậm chí có nhiều năm thí sinh trên 27 điểm vẫn trượt, thì năm nay còn thiếu chỉ tiêu.
Tương tự, lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, ĐH Bách khoa Hà Nội không tuyển đủ thí sinh ngay từ đợt 1 nên trường vừa thông báo tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo.
Không chỉ thiếu hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều trường ĐH tốp đầu còn thiếu hàng nghìn thí sinh vào học như: ĐH Mỏ địa chất thiếu 2.055 chỉ tiêu; ĐH Thương mại thông báo xét tuyển bổ sung 1.450 chỉ tiêu cho 12 ngành. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 17, giảm từ 3 đến 6 điểm so với điểm chuẩn đợt 1 của trường (trên 21 điểm ở tất cả các ngành)…
Thí sinh xác nhận học tập sau khi đăng ký xét tuyển đại học |
Đâu là nguyên nhân?
Có thể nói, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tổ chức tuyển sinh, nhiều trường ĐH tốp đầu đứng trước nguy cơ không tuyển đủ thí sinh vào học với số lượng lớn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, trong đợt 1 xét tuyển ĐH năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường ĐH, mỗi trường 2 nguyện vọng nên số lượng thí sinh ảo tương đối lớn.
Nếu như năm 2015, khi chốt đợt xét tuyển, mỗi thí sinh chỉ được xác định 1 trường, còn năm nay, khi hết hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh vẫn còn đăng ký tại 2 trường khác nhau. Chính vì thế các trường ĐH khó dự đoán được số lượng thí sinh sẽ nhập học vào trường là bao nhiêu.
Ngoài ra, năm nay đề thi có tính phân loại cao nên phổ điểm thấp hơn đáng kể, vì thế điểm chuẩn năm nay lẽ ra phải thấp hơn nhiều so với dự kiến của các trường nhưng lại không như vậy.
Cùng chung quan điểm với việc lượng thí sinh ảo nhiều khiến các trường ĐH khó xác định được chính xác số lượng thí sinh nhập học, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội còn nhận định, trong đợt đầu tiên, thí sinh được đăng ký vào 2 trường ĐH, mỗi trường 2 nguyện vọng nên có nhiều em đạt điểm thi cao đăng ký vào ĐH Bách Khoa chỉ là nguyện vọng 2, còn nguyện vọng 1, đa phần các em đăng ký vào những trường ĐH công an, quân đội.
Vì đây là những trường mà khi vào học, thí sinh không phải đóng học phí và được đảm bảo sau khi tốt nghiệp ĐH là có việc làm luôn.
Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Mỏ Địa chất là 4.470 nhưng vừa kết thúc đợt 1, nhà trường thống kê còn thiếu 2.055 chỉ tiêu.
Không cho rằng, lượng thí sinh ảo đông là nguyên nhân chính khiến các trường không tuyển đủ thí sinh ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên, TS Nguyễn Thi Phương, trưởng phòng Công tác Chính trị - Truyền thông (ĐH Mỏ Địa chất) cho rằng, các trường ĐH có thể dự đoán được lượng thí sinh ảo nếu nghiêm túc khảo sát nhu cầu thực sự của xã hội đối với các ngành đào tạo của mình.
Năm nay, ngay từ đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường ĐH đã không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra mà phải thông báo tuyển bổ sung.
Số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành truyền thống ở nhiều trường ĐH có xu hướng giảm xuống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng thí sinh ít đăng ký là do nhận thức của các em chưa đầy đủ về các ngành này.
Ngoài ra, định hướng nghề nghiệp của các em khi đang ở cấp THPT chưa đầy đủ. Các em chưa hiểu rõ được vào học một ngành nghề nào đó thì tính chất công việc sẽ ra sao, khi tốt nghiệp sẽ làm việc liên quan đến những lĩnh vực gì, mức thu nhập như thế nào.
Một số ngành “hot” như: Tự động hóa, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kinh tế được thí sinh quan tâm và đăng ký đông đều được gia đình các em tư vấn trước khi đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, khi chọn ngành nghề, thí sinh và gia đình cần nhìn nhận về các ngành nghề đã chọn trong tương lai. Cần có cách nhìn dài hạn khi chọn nghề, bởi không ngành nào “hot” mãi và tất cả các ngành nghề đều cao quý và cần thiết đối với sự phát triển của xã hội.
Việc thí sinh dồn dập đăng ký vào một số ngành đang được coi là “hot” hiện nay đã cho thấy, các em chưa hiểu đúng và còn thiếu thông tin từ phía nhà trường, xã hội về các ngành nghề.
Điều này khiến cho thí sinh hiểu lệch lạc khi đăng ký xét tuyển ĐH và sẽ dẫn đến một số ngành có đội ngũ cử nhân giỏi nhưng cũng nhiều ngành khác lại rất ít hoặc không có.
Thí sinh xem danh sách các ngành học tại ĐH Giao thông Vận tải |
Giải bài toán chỉ tiêu-chất lượng đào tạo
Theo các chuyên gia giáo dục, để đánh giá chính xác về việc tuyển sinh của các trường ĐH, chúng ta phải đợi đến khi kết thúc xét tuyển đợt 2 mà các trường vẫn thiếu hàng nghìn chỉ tiêu thì mới là sự cảnh báo thực sự.
Nếu hết các đợt xét tuyển ĐH mà nhiều trường vẫn thiếu hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh, đặc biệt là những ngành truyền thống không tuyển được thí sinh thì các khoa đào tạo những ngành này cần phải xem xét lại khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ông Nguyễn Thi Phương khẳng định, các trường ĐH, khoa, ngành đều muốn thu hút thí sinh. Tuy nhiên, áp lực của các trường là phải tự chủ về tài chính.
Nếu tăng học phí thì họ sẽ gặp phải sự phản ứng tiêu cực từ xã hội, còn nếu tăng chỉ tiêu đào tạo thì chất lượng khó đảm bảo.
Vì vậy, tự chủ tài chính phải là khâu cuối cùng trong quy trình tự chủ của một trường ĐH. Việc cần làm của các trường ĐH khi muốn thu hút thí sinh là phải được tự chủ về học thuật, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phản biện xã hội.
Qua việc thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH đợt 1 cho thấy, sự phân luồng nghề nghiệp đã được thí sinh xác định rõ.
Các em đang ngày càng biết chọn lựa trường học, ngành nghề phù hợp và có khả năng xin việc làm chứ không nhất thiết là phải vào ĐH bằng mọi giá như những năm trước. Đó là nhận định của ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Không nằm trong những trường ĐH tốp đầu phải thông báo tuyển sinh bổ sung nhưng đại diện trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Bùi Đức Triệu cho rằng, điều quan trọng nhất đối với sự tồn tại của các trường ĐH hiện nay là phải xác định cơ cấu các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy chứ không phải là chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh. Đây cũng là yếu tố quyết định đến việc thu hút thí sinh và đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường./.
Theo Bích Lan/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin