Hướng tới tiếng Anh cho cả cộng đồng

05:12, 23/12/2015

Vừa qua tại Cần Thơ, hội thảo quốc tế "Đánh giá tác động của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020" đã nêu lên những thành tựu cũng như khó khăn khi thực hiện đề án ở các vùng miền trên cả nước.

Vừa qua tại Cần Thơ, hội thảo quốc tế “Đánh giá tác động của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020” đã nêu lên những thành tựu cũng như khó khăn khi thực hiện đề án ở các vùng miền trên cả nước. Ngoại ngữ- mà cụ thể là tiếng Anh không chỉ dùng trong trường học, học sinh, sinh viên mà mục tiêu hướng đến là tiếng Anh cho cả cộng đồng.

Đề án ngoại ngữ quốc gia được triển khai năm 2011, theo đề án học sinh lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh.
Đề án ngoại ngữ quốc gia được triển khai năm 2011, theo đề án học sinh lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh.

Những thành tựu bước đầu

Nhiệm vụ mà Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra trong giai đoạn 2008- 2010 là hoàn thành các điều kiện đảm bảo cho việc xây dựng, thí điểm các chương trình ngoại ngữ mới và chuẩn bị để triển khai đại trà ở các cấp học phổ thông. Giai đoạn 2011- 2015, triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông (học từ lớp 3); triển khai chương trình ngoại ngữ tăng cường cho các bậc, trình độ đào tạo.

PGS.TS. Nguyễn Sỹ Thư- Trưởng ban Quản lý đề án cho biết: Kết quả đạt được trong thời gian qua là ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc, môn học này đứng ở vị trí thứ nhất hoặc thứ hai, căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Năm học 2010- 2011, triển khai thí điểm chương trình và sách giáo khoa môn Tiếng Anh mới ở các cấp học. Tỷ lệ học sinh tham gia là 23,6%.

Năm 2014, ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho Việt Nam (A1, A2, B1, B2, C1, C2). Tiến hành rà soát năng lực tiếng Anh của giáo viên. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong đào tạo ngoại ngữ.

TS. Phạm Thị Thanh Thùy- Bộ phận chuyên môn- Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết: “Nhìn chung, đội ngũ giáo viên nhiệt tình, ham học hỏi và yêu nghề. Duy trì được các hoạt động sau khóa bồi dưỡng”. Trong năm 2015, 8 đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng ngoại ngữ theo Đề án 2020 đã bồi dưỡng cho 575 giảng viên huấn luyện. Hình thức bồi dưỡng kết hợp giữa việc học trực tuyến và lên lớp trực tiếp có giáo viên hướng dẫn. Ngoài ra, chương trình đề án còn bồi dưỡng năng lực tiếng Anh cho giảng viên CĐ, ĐH.

Đối với Sở GD- ĐT Vĩnh Long, việc thực hiện đề án thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho biết: “Nhằm xây dựng mô hình trường điển hình về thực hiện đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, 5 nhiệm vụ quan trọng đã được triển khai đồng bộ: nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên; nâng cao năng lực, phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh; đa dạng hóa các hoạt động từng bước tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ bền vững cho học sinh; tăng cường cơ sở vật chất; tổ chức triển khai thí điểm theo chương trình thí điểm 10 năm”.

Để ngoại ngữ lan tỏa cộng đồng

Để ngoại ngữ mà cụ thể là tiếng Anh được lan tỏa ra cộng đồng, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Đồng thời, việc nâng cao ý thức của mọi người về việc dạy và học ngoại ngữ cũng không kém phần quan trọng.

Không ít giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ theo khung 6 bậc than thở rằng họ thấy chương trình nặng và việc bồi dưỡng không có lợi ích gì cho việc dạy học- nghiên cứu của các nhóm tác giả các vùng miền đều có nhắc đến.

Nhất là đối với các giáo viên dạy tiểu học thì không ít giáo viên cho rằng “học trên trời mà… dạy ở dưới đất”. Xem ra, việc nâng cao nhận thức của giáo viên, của mọi người về vấn đề nâng cao năng lực ngoại ngữ vẫn rất đáng quan tâm.

Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên, bà Thái Thị Phương Thủy- Sở GD-ĐT Trà Vinh nói: “Khi có người nước ngoài trực tiếp tham gia giảng dạy đã cải thiện kỹ năng nghe, nói cho cả giáo viên và học sinh”. Tự học là yếu tố cực kỳ quan trọng, giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp Bùi Thị Cao Nguyên chia sẻ: “Sau khi ra trường và nhận nhiệm vụ giảng dạy. Tôi tự thấy mình cần học hỏi nhiều hơn và chủ động đăng ký học để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của mình”.

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ về việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 ở ĐBSCL cho biết: Nhìn chung, giáo viên đánh giá tác động tích cực của đề án, bởi lẽ, họ được nâng cao kiến thức và năng lực tiếng Anh, họ tin rằng chất lượng giáo dục tiếng Anh sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, đề án vẫn còn một số tồn tại, thách thức để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đưa ra kiến nghị: Thời gian tổ chức bồi dưỡng nên trong thời gian hè để giáo viên toàn tâm lo cho việc học; các sở GD-ĐT cũng đề xuất thêm kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên và đầu tư trang thiết bị; bồi dưỡng tại tỉnh và nhiều giáo viên hơn để kịp tiến độ đến năm 2020; Phải chú trọng vào chất lượng, đảm bảo sự gắn kết giữa nội dung bồi dưỡng và khảo thí.

Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020”. Mục tiêu chung là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh