Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đang đến gần, quy chế thi và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) có gì mới? Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh những trục trặc, bất cập, hạn chế của kỳ thi năm ngoái như thế nào?...
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đang đến gần, quy chế thi và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) có gì mới? Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh những trục trặc, bất cập, hạn chế của kỳ thi năm ngoái như thế nào?... Đó là những vấn đề nóng được đặt ra tại hội thảo góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 được tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của 5 thành phố lớn.
Thí sinh trao đổi sau giớ thi môn Toán tại hội đồng thi trường ĐH Bách Khoa TPHCM kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: MAI HẢI
Nên giảm cụm thi địa phương
Dù có chung đánh giá, nhận định là kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 lần đầu tiên tổ chức theo hướng đổi mới đã đạt được thành công nhất định như nghiêm túc, giảm áp lực thi cử, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, nhưng đại diện của TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng nêu ra những mặt hạn chế, bất cập cần điều chỉnh.
Về việc có tiếp tục duy trì hai loại cụm thi, một do địa phương chủ trì, một do trường ĐH, CĐ chủ trì nữa hay không, ông Thái Quang Bình, Phó hiệu Trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm, Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đặt vấn đề cần xem xét. Đó là hai cụm thi đều sử dụng một đề thi của bộ, cùng chấm theo một thang điểm, cùng theo một bộ quy chế về thi cử như nhau, nhưng kết quả thì lại có giá trị khác nhau.
Thí sinh thi tại cụm do các trường ĐH chủ trì mới có giá trị xét tuyển ĐH, CĐ, còn thi tại cụm địa phương chỉ có giá trị xét tốt nghiệp THPT (!?). Đó là chưa kể việc chấm thi do các các cụm thi khác nhau chủ trì, nhưng kết quả chấm lại sử dụng trên toàn quốc nên không tránh khỏi có sự chênh lệch điểm giữa các cụm thi?
Chính vì thế, ông Bình và một số ý kiến khác đề xuất nên giảm số lượng cụm thi ở địa phương. Còn ông Nguyễn Văn Từ, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp - đại học Sở GD-ĐT Cần Thơ, góp ý: “Nếu có thay đổi điều chỉnh quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT phải ban hành văn bản chỉ đạo sớm, đừng để cập rập, “đánh úp”, khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh trở bộ không kịp”.
Cũng theo ông Từ, chậm nhất đầu tháng 2 năm 2016, phải có các văn bản hướng dẫn thi để tránh bị động, “nước đến chân mới nhảy” như kỳ thi vừa rồi. Việc đổi mới phương án thi phải tính cho lứa học sinh vào lớp 10 để đến năm 2017 thực hiện việc triển khai phương án thi mới. Nếu để tới học kỳ 2 của năm lớp 12 mới triển khai thì quá gấp gáp, gây tâm lý bất an.
Về thời gian, đại diện các Sở GD-ĐT cùng kiến nghị dời thời gian tổ chức kỳ thi vào đầu tháng 6 phù hợp hơn thay vì tháng 7 như đã làm. Theo ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD-ĐT TPHCM, Bộ GD-ĐT có thể xem xét tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sớm hơn, có thể là vào đầu tháng 6 để địa phương tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngay sau đó.
Về khâu tổ chức, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng việc lựa chọn điểm thi cũng lộn xộn do Bộ GD-ĐT không chỉ đạo nhất quán từ đầu, giao cho Sở GD-ĐT địa phương làm đầu mối nên các trường ĐH tự chọn điểm thi dẫn đến trùng lắp, nhiều trường cùng chọn một điểm. Đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại việc phân địa giới đối với cụm thi một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long để thí sinh thuận tiện di chuyển.
Nguyện vọng 1 chỉ nên cho di chuyển một lần
Góp ý về cách thức tuyển sinh, một số ý kiến đề nghị các nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nên điều chỉnh thời gian ngắn hơn. NV1 chỉ nên cho thí sinh điều chỉnh 1 lần, vào một thời điểm nhất định.
Cần rút ngắn thời gian xét tuyển của các NV để tránh tình trạng lộn xộn, bát nháo, thay đổi NV nhiều lần như kỳ thi vừa qua. Đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng kiến nghị cho thí sinh đăng ký trước môn thi xét tuyển ĐH. Vì có nhiều trường hợp học sinh đăng ký quá nhiều môn thi, thậm chí đến 7 môn, trong khi đó lúc nộp hồ sơ xét tuyển ĐH chỉ được nộp một, hai tổ hợp môn, dẫn đến thừa các môn còn lại.
Đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ đề xuất: “Chỉ cho di chuyển ở các NV còn lại, để các bậc học khác có nguồn tuyển đạt chất lượng và các trường tốp dưới có người đăng ký học. Đó cũng là biện pháp thực hành việc phân luồng tốt. Còn cứ “lùa” hết vào ĐH thì hệ quả mà xã hội đang phải gánh là mỗi năm lại có thêm nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm”.
Bên cạnh ý kiến về bố cục đề thi cần phân hóa mạnh hơn để phân loại rõ trình độ khá - giỏi - xuất sắc, đại diện Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú TPHCM còn đề nghị đề thi nên chia làm hai phần rõ ràng - dành cho xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Như thế học sinh không có nhu cầu vào ĐH, CĐ không bị áp lực phải làm bài thi quá nhiều.
Hơn nữa, bằng tốt nghiệp THPT cũng nên phân loại trung bình - khá - giỏi, chứ không nên cào bằng. Một vấn đề được đại biểu xới lên nhiều nhất là Bộ GD-ĐT phải sớm cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, đồng bộ hóa phần mềm để các Sở GD-ĐT theo dõi, quản lý học sinh và tránh tình trạng tắc nghẽn thông tin truy cập dữ liệu, xem kết quả thi như năm ngoái.
Kết thúc hội thảo, chủ tọa - ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội, ghi nhận những ý kiến đóng góp, chia sẻ những ưu điểm, những mặt tồn tại cần khắc phục, điều chỉnh cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Thời gian không còn nhiều, để học sinh lớp 12 yên tâm bước vào kỳ thi vượt vũ môn quan trọng, rất cần Bộ GD-ĐT cầu thị lắng nghe ý kiến sâu rộng của xã hội, nhất là của các chuyên gia giáo dục để tổ chức kỳ thi sắp tới tốt hơn, đảm bảo chất lượng và tạo sự công bằng trong tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Theo http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2015/11/404126
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin