Tình cảm thầy trò mãi đẹp

Cập nhật, 07:10, Thứ Tư, 25/11/2015 (GMT+7)

Năm tháng trôi đi, tình cảm thầy trò thời hiện đại có thể đã khác xưa nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển. Những học trò đã và đang ngồi trên ghế nhà trường vẫn nhớ về thầy cô với niềm kính yêu vô hạn.

Hoa tặng thầy ngày 20/11.
Hoa tặng thầy ngày 20/11.

 

Chuyện xưa, chuyện nay

Có những chuyện nhỏ đến mức thầy không nhớ nỗi vì lứa học trò nào thầy cũng thương như nhau. Nhưng đối với trò thì tình cảm mà thầy dành cho là nguồn động lực lớn lao. Có khi đó là niềm tin giúp họ vươn lên học tốt, thành người có ích cho xã hội.

Bạn Tiêu Minh Sơn (TP Vĩnh Long)- cựu học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt còn nhớ như in “má Mai” của mình dù Sơn đã xa trường hơn 4 năm. Đó là cô Lê Kim Mai, dạy môn Lịch sử: “Nhớ cái giọng hào sảng của cô, nhớ cô lúc nào cũng cười thật tươi. Cô nhớ đến từng chi tiết và luôn sôi nổi để những thế hệ học trò yêu thích môn Sử”.

Đối với nhiều lớp học trò Trường TH Cấp II- III Hòa Bình thì hình ảnh nhà giáo ưu tú Lý Thị Lệ Kiều đã khắc sâu đến mức “khó lòng quên được”. Bạn Lê Thị Tuyết Nhi (Trà Ôn) vui vẻ nói về cô giáo của mình: “Mặc dù Hóa học là môn khô khan nhưng cô luôn tìm cách mềm hóa môn học để học sinh không chán”.

Cô cũng là người luôn quan tâm đến cuộc sống của từng học sinh, kịp thời động viên các bạn có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục trên con đường học vấn. “Có lần cô lặn lội sang tận Đồng Tháp để động viên học sinh đi học lại”.

Khi thầy cô giáo dạy học trò bằng cái tâm thì sẽ nhận lại tình thương yêu thực sự. Bạn Nguyễn Phong Phú (Tam Bình) không thể quên hình ảnh thầy Lê Thanh Tuyết- giáo viên Trường THPT Phan Văn Hòa- người đã gắn liền với bạn trong những năm học cuối cấp.

“Thầy vào lớp thì nghiêm lắm, các bạn trong lớp hay nói thầy lạnh như băng tuyết nhưng mà thầy dạy rất hay và tận tình”. Học ra học, chơi ra chơi, những giờ sinh hoạt lớp, giờ chơi của thầy Tuyết thật là vui. “Ngày 8/3, thầy bày cho bọn con trai chúng tôi tổ chức 8/3 để đời cho bạn nữ: một cái bánh kem chung và mỗi bạn nữ một nhành hồng. Một 8/3 thật vui và gắn kết các bạn với nhau”- Phú cười tươi.

“Xin đem tất cả loài hoa dâng thầy”

Thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Trái ngọt của thầy là tình cảm học trò dành cho mình là sự thành công của các em trong cuộc sống.

Phong Phú nhớ những giọt nước mắt chia tay ngày cuối năm, buổi sinh hoạt lớp cuối cùng. “Hôm đó, ai cũng man mác buồn khi phải chia tay nhau. Mỗi người trong lớp nói về những suy nghĩ của mình, cứ có người nói lại có người khóc, cứ thế mà gần như khóc hết cả lớp, chỉ có tụi con trai thì cứng rắn hơn, có khóc cũng ít hà.

ồi thầy nói về từng bạn trong lớp có gì được, gì chưa được và dặn dò từng bạn theo cái cách vui tươi nhất để khỏa tiếng khóc của đám chúng tôi”- Phú chia sẻ. Phong Phú nói: “Muốn được cảm giác sợ khi trả bài, muốn một lần nữa ngồi vào lớp học nghe thầy giảng”.

Bông hoa dâng thầy có khi không chỉ là tình cảm của trò mà còn là sự tín nhiệm, tin yêu của phụ huynh. Cô Nguyễn Thúy Vân (TP Vĩnh Long) tâm sự trên facebook về cô giáo của con mình: “Con tôi đi học về đã luôn miệng líu lo hát những bài cô giáo dạy và khoe: “Cô con hát hay lắm đó mẹ!” Dường như “cô” luôn ở trong lòng bé. Làm gì bé cũng nhắc “cô”.

Khi chuẩn bị vào bàn ăn thì: “Cô bảo con rửa tay sạch mới được ăn cơm”; tối trước khi ngủ bé vừa chạy đến la bô vừa nói: “Cô bảo phải đánh răng trước khi ngủ, kẻo sâu ăn răng hết!” Tôi luôn thầm nhủ: “Tôi cảm ơn cô, vì nhờ cô dẫn dắt, dạy dỗ cháu mới dạn dĩ và phát huy được năng khiếu. Từng bước trưởng thành của cháu có công sức của cô, cô thực sự là người mẹ ở trường của cháu”.

 

Thầy Bùi Chí Hiếu- nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Với tôi, tình cảm học trò dành cho mình là niềm vui lớn lao nhất. Cái gật đầu chào thầy, nụ cười,… hay đơn giản là học trò nào đó còn nhớ đến mình, với tôi đã là một niềm vui”. 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN