Không bao giờ quên những người thầy

07:11, 25/11/2015

Lòng biết ơn thầy cô nhân dịp 20/11 vẫn là truyền thống quý báo của các thế hệ học sinh.

Lòng biết ơn thầy cô nhân dịp 20/11 vẫn là truyền thống quý báo của các thế hệ học sinh.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày mà nhiều cô cậu học trò muốn dành những lời nói, hành động để tỏ lòng biết ơn thầy cô. Đó không chỉ là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn là những học sinh đã xa trường…

Những người con không quên

Rời Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm gần 10 năm, nhưng hình ảnh những thầy, cô đã cùng sát cánh trong suốt 3 năm học vẫn không thể nào quên trong lòng của Tấn Phước (Phường 2- TP Vĩnh Long).

Phước cho biết, ngày mới bước chân vào trường, gia cảnh rất khó khăn nên Phước luôn được các thầy cô quan tâm, động viên.

Cũng chính từ những lời động viên đó, Phước đã nỗ lực trong cuộc sống lẫn trong học tập: “Công ơn của thầy cô mình không thể nào quên được.

Tuy đã gần 10 năm xa trường, nhưng những thầy cô giáo từng gắn bó, từng sát cánh bên mình vẫn luôn ghi nhớ. Nửa chữ cũng là thầy, một chữ cũng là thầy, biết ơn vô cùng khi nhờ thầy mà mình mới thành công trong hiện tại…”

Biết ơn thầy cô giáo không chỉ là khi đang ngồi trên ghế nhà trường, mà sau khi rời khỏi trường, nhiều học sinh vẫn về thăm thầy cô giáo mỗi khi đến ngày 20/11. Sự gắn bó của từng người thầy, người cô ở từng giai đoạn, ở những thời điểm khó khăn như một động lực để học sinh vượt qua, cố gắng học giỏi.

Bạn Nguyễn Thị Kiều Duyên (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) mặc dù đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhưng mỗi dịp 20/11, Duyên đều về trường cũ chúc mừng thầy cô. Duyên cho biết, mình rời trường THPT cũng đã lâu, nhưng hình ảnh của nhiều thầy cô giáo với dáng đi, cách giảng bài… đến bây giờ vẫn còn như nguyên vẹn.

Hỏi Duyên còn nhớ thầy cô nào nhất, bạn kể hàng loạt những tên thầy cô, rồi những kỷ niệm như ùa về. Kỷ niệm đó như phần nào gửi lời cảm ơn sâu sắc của đứa học trò đến người thầy, người cô từng dìu dắt... “Những thầy cô đã hết lòng vì sự nghiệp trồng người, từng uốn nắn trong suốt các năm học làm sao mình quên cho được. Ngày 20/11, mình sắp xếp công việc để về trường cũ…”

Đã hơn 8 năm từ ngày rời xa mái trường phổ thông, nhưng mỗi khi đến ngày 20/11, anh Huỳnh Minh Thuận- cựu học sinh Trường THPT Vũng Liêm (nay là Trường THPT Võ Văn Kiệt)- lại dâng trào cảm xúc về thời đi học, về thầy cô.

Anh Thuận cho biết: “Đối với tôi, mỗi thầy cô là một người gieo hạt giống trí tuệ vào tâm hồn trong sáng của lớp lớp thế hệ học sinh. Và đến hôm nay, những tình cảm, kỷ niệm về tình thầy trò là món quà có ý nghĩa, là động lực để chúng tôi xua tan áp lực của công việc, của những lo toan trong cuộc sống hàng ngày”.

Anh Thuận tin tưởng thầy cô tiếp tục là những người lái đò cần mẫn, miệt mài chở “con thuyền” trí tuệ qua sông, đưa học trò đến bến đỗ bình an, trở thành người công dân có ích cho xã hội…

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Ngày Tết Nhà giáo, như một truyền thống, các em học sinh làm nhiều bài văn, bài thơ, những tấm thiệp xinh xắn để gửi đến các thầy cô giáo. Các em đã dành nhiều tâm huyết, đem tấm lòng biết ơn sâu sắc của mình với mong muốn thầy cô luôn vui tươi, hạnh phúc, để gửi vào “tác phẩm” của mình.

Năm nay, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm không tổ chức làm báo tường, mà cho các em làm những tấm thiệp, gửi gắm vào đó những tình cảm của các em đối với thầy cô giáo.

Tập thể lớp 11 Hóa ký tên với lời chúc: “Yêu thầy cô nhiều lắm. Chúng em mong thầy cô có được một mùa lễ thật hạnh phúc, vui vẻ để bù đắp lại những khó nhọc để đem đến những hành trang kiến thức cho đám học trò nhỏ bước vào đời…”

Không chỉ biết ơn thầy cô, những cô cậu học trò nhỏ có lúc làm thầy cô khó chịu, hay “bực mình”.

Tập thể học sinh lớp 12 Hóa chia sẻ: Đôi lần, chỉ vì tính ương bướng của đám học trò đã làm thầy cô buồn, thậm chí rơi nước mắt. “Chúng con xin lỗi thầy, hãy bỏ qua những ngỗ nghịch và bồng bột. Hãy luôn là người cha, người mẹ luôn đi bên con trên con đường chông gai…”

Trong khi đó, tỏ lòng biết ơn thầy cô bằng những hành động cụ thể, Đặng Quốc Hưng- học sinh lớp 11B, Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt cho biết: Thầy cô như là người cha, người mẹ thứ 2 của mình. Do đó, việc cố gắng học tập sẽ như một món quà gửi đến thầy cô.

“Em sẽ cố gắng học tập, tìm những bông hoa điểm 10 để tặng thầy cô. Ngoài ra, em sẽ tích cực tham gia các phong trào của trường, của lớp để xem đó là lời tri ân gửi đến quý thầy cô, những người đã quan tâm, dìu dắt chúng em trong hành trình đi tìm kiến thức…”

 

Bạn Nguyễn Thị Ngoan- cựu học sinh chuyên Văn, niên khóa 2003- 2006 (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã gửi tặng thầy cô của mình nhân dịp 33 năm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2015) những vần thơ. Ngoan hy vọng, quý thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, mãi là những người đưa đò tận tụy để chở bao ước mơ của học trò thân yêu cập đến bờ bến vinh vang…

“Ai đó nói một lần đi là hết/ Từ biệt rồi sẽ đến lúc lãng quên/ Trường lớp cũ sẽ vào trang sách cũ/ Bụi phấn xưa sẽ nằm lại cuối đường/ Ai đó nói một lần đi là hết/ Đời bộn bề biết bạn cũ nơi đâu/ Lời thầy cũ chôn vùi trong sách cũ/ Mộng tương lai vùi dập những gót hài/ Ai đó nói bước chân về là khóc/ Sao nghẹn lòng nước mắt chảy vào trong/ Con đò cũ thầy đứng cười rất cũ/ Mà niềm tin rất mới ở trên môi!”

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh