Kỳ 2: 1001... lý do thất nghiệp

05:11, 28/11/2015

Tổng Cục thống kê, năm 2014 cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng triệu lao động mất việc làm.

Tổng Cục thống kê, năm 2014 cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng triệu lao động mất việc làm.

Đó là chưa kể con số tân cử nhân, kỹ sư mới ra trường bắt đầu đi xin việc, trong số này không loại trừ những người có học vị cao hơn. Tìm việc như một cuộc đua mà chắc chắn sẽ có một lượng lớn người dôi ra thành thất nghiệp. Có nhiều dạng thất nghiệp: có việc làm ảo, tự mình làm mình thất nghiệp, tìm mãi cũng không có việc làm,…

Ra trường có việc làm là ước mơ của tân cử nhân.
Ra trường có việc làm là ước mơ của tân cử nhân.

Cử nhân làm... công nhân

Những cuộc tranh luận xung quanh việc cử nhân ra trường làm công nhân gần đây gây xôn xao dư luận. Người thì cho rằng, làm công nhân cũng là có việc làm, không thể gọi là thất nghiệp được. Người thì bảo cử nhân mà làm công nhân thì lãng phí và không thể xem là có việc làm.

Các cử nhân đi làm công nhân thường có hoàn cảnh khó khăn và đi “làm đại” việc gì đó để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Bạn Nguyễn Thị Lam Linh (Tam Bình), tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đã hơn 2 năm nay. Sau thời gian tìm việc khó khăn, Linh quyết định đi làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh.

Ban đầu, Linh định làm tạm để xin việc nhưng khi đã quen dần với công việc và mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng thì Linh không còn muốn xin việc khác nữa. Linh chia sẻ: “Chưa chắc đi làm đúng ngành kế toán thì lương tôi sẽ cao hơn. Trong khi hiện tại tôi còn được bao ăn và có phụ cấp đàng hoàng”. Linh nhớ đến khoảng thời gian xin việc trước đây: “Nhiều nơi không qua khỏi vòng loại vì tôi thiếu chiều cao và kinh nghiệm. Nói chung là bị loại từ vòng... gửi xe”- Linh cười nói thêm: “Không có chỗ nào nhận làm thì làm sao tôi có kinh nghiệm được”.

Trong khi đó, nhiều cử nhân làm công nhân như một công việc tạm thời để chờ thời cơ xin việc ở những nơi khác. Bạn Nguyễn Thị Kim Xuyến (Tam Bình) tốt nghiệp ngành tài chính- ngân hàng hơn 1 năm nay và vẫn chưa có việc làm.

Trong khi đó, Xuyến có bằng tốt nghiệp loại giỏi và có nhiều bằng khen, giấy khen tham gia tích cực các phong trào. Hiện tại, Xuyến làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh. Xuyến cho biết: “Mỗi ngày, em đều xem thông tin tuyển dụng để có thể xin việc phù hợp hơn. Công việc hiện tại của em khá ổn định, lương hơn 6 triệu/tháng nhưng em vẫn thích đi làm đúng chuyên môn mình hơn”.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Phong- Giám đốc Techcombank Vùng 16 (ĐBSCL) cho rằng: “Không nên nhìn nhận cử nhân làm những việc trái ngành, hoặc làm công nhân giống như là “thảm họa”. Bởi thực tế sinh viên (SV) mới ra trường còn rất yếu ngay cả chuyên môn chính; trong khi đó mỗi công việc có đặc thù riêng đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống...

Sinh viên cần rèn luyện có kỹ năng để có cơ hội việc làm cao.
Sinh viên cần rèn luyện có kỹ năng để có cơ hội việc làm cao.

Những kỹ năng mềm là rất cần thiết mà hiện nay đa số SV mới ra trường còn rất yếu”. Tuy nhiên, cần ý thức những việc làm trái ngành hoặc làm công nhân là một bước đệm, để SV tiếp tục trau dồi những kỹ năng bổ sung trong quá trình tìm việc của mình.

“Kén cá, chọn canh”... thành thất nghiệp

Song song đó, nhiều bạn vì “kén việc” nên thất nghiệp. Bạn Nguyễn Thị Hải Bình (TX Bình Minh) tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ ngành quản trị kinh doanh, loại giỏi nhưng gần 2 năm ra trường vẫn... ở không. Trước đây, Bình có làm quản trị du lịch ở một công ty nhưng vì lương thấp nên mới làm 2 tháng Bình đã xin nghỉ việc.

Sau đó, bạn vào một công ty khác nhưng làm việc tận Phú Quốc nên ngại xa nhà và không đi làm. Hải Bình cho biết: “Tôi muốn tìm công việc gần nhà và đúng chuyên môn”. Trong khi, nhân lực ngành kinh tế đang thừa và việc làm đúng chuyên ngành là vấn đề khó khăn, ước muốn về công việc phù hợp của Bình thật khó thực hiện.

Ông Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, kể về một SV học ngành du lịch của trường: “SV này xin được việc trong một khách sạn. Trong quá trình thử việc, công ty có yêu cầu em đi sớm quét phòng, rửa ly. Em không chịu và nghỉ việc. Sau đó, em SV này lại tiếp tục xin làm bán hàng cho một công ty, đến đây thì em chê lương thấp nên nghỉ làm và... thất nghiệp”.

Thất nghiệp đã khổ mà còn thiếu nợ vay vốn SV thì lại càng khổ hơn. Bạn Lê Thị Thu Cẩm (Long Hồ) tốt nghiệp ngành kế toán đã 3 năm nay vẫn chưa có việc làm. Cẩm đã không còn đủ tự tin để nói chuyện với mọi người xung quanh và rất ngại khi ai hỏi về việc làm của mình. Gia đình Cẩm thuộc hộ cận nghèo, không đất sản xuất. Cha làm nghề chạy xe ôm, mẹ thì làm thuê quanh xóm. 3 năm không tìm được việc, số nợ ngân hàng 27 triệu đồng vẫn còn đó, gia đình Cẩm vẫn chưa biết tính sao.

Khi chúng tôi tìm đến nhà thì bạn Nguyễn Xuân Truyền (xã Thanh Đức- Long Hồ) đi làm thêm chưa về. Cô Lương Thị Chính- mẹ Truyền vồn vã: “Nó đi làm thêm để kiếm tiền học lên cao học rồi”.

Xuân Truyền đang có 2 bằng ĐH ngành du lịch và ngành kinh tế đối ngoại của 2 trường ĐH lớn ở TP Hồ Chí Minh. Mẹ Truyền còn khoe: “Ngành du lịch là con tôi học giỏi suốt, toàn lãnh học bổng đó”. Sau gần 1 năm tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại không xin được việc làm, Truyền thi ĐH và học ngành du lịch.

Điệp khúc ra trường không có việc tiếp diễn và lần này Truyền học cao học ngành kinh tế. Trong khi đó, lãi ngân hàng 160.000 đ/tháng trên tổng số tiền vay 16 triệu của Truyền vẫn còn đó. Cô Chính nói: “Con tôi vẫn còn đang học và đợi việc, phần tôi bán bánh mì cũng tạm đủ đóng tiền lãi ngân hàng và ăn uống thôi”.

Trong khi đó, xuất khẩu lao động là đầu ra cho lao động có việc làm và thu nhập cao. Tuy vậy, khi có chương trình đi Nhật lao động, du học sinh miễn phí thì không nhiều SV tham gia. Ông Cao Hùng Phi chỉ vào danh sách các SV chuẩn bị ra Hà Nội học tiếng Nhật đi du học cho biết: Trong khi điều kiện đi làm rất tốt và chỉ tốn phí đi học tiếng Nhật 3 tháng, mỗi tháng khoảng 3- 4 triệu đồng mà chỉ có hơn 20 em đi trong năm nay.

Trung tâm Giới thiệu việc làm Vĩnh Long cũng có 200 suất đi Nhật vừa học, vừa làm nhưng vẫn chưa tuyển được 100 người. Ông Huỳnh Kim Hoàng- Trưởng Phòng Trung tâm Giới thiệu việc làm Vĩnh Long chỉ về hướng văn phòng có một SV đang làm hồ sơ nói: “Đó là một em mới xin rút khỏi danh sách đi Nhật với lý do… đơn giản là chỉ muốn học trường gần nhà chị bà con gì đó ở Nhật”. Rõ ràng, tính tự lập của SV mình còn quá kém. Tâm lý “dựa dẫm” này cũng góp phần vào những con số thất nghiệp hiện nay.

Kỳ cuối: “Mở ra những cánh cửa tương lai

Ông Nguyễn Cao Đạt cho rằng, tâm lý chung của nhiều SV hiện nay khi ra trường là phải làm “ông này bà nọ”, là phải “làm việc nhẹ nhàng”. Ông nói thêm: “Doanh nghiệp nói với tôi, nên giáo dục ngay trong đầu óc SV để các em không phải là những người ngại khó, ngại khổ và các em phải hiểu rằng không có việc gì mới làm mà đã thành công ngay được”. Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, trong 15 năm qua, Trường ĐH Cửu Long đã soạn lại giáo trình 5 lần và dạy thêm nhiều kỹ năng cho sinh viên.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh