Gian nan "cử nhân" tìm việc

Cập nhật, 05:58, Thứ Sáu, 27/11/2015 (GMT+7)

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong cả nước hơn 1,1 triệu người. Trong đó, số lao động có trình độ CĐ, ĐH, sau ĐH thất nghiệp lên đến 278.000 người.

ĐBSCL cũng nằm trong “vòng xoáy” thất nghiệp này. Cơ cấu lao động chưa hợp lý; kinh tế khó khăn; người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, khiến số thất nghiệp ngày càng cao. Không có việc làm, cử nhân không chỉ là gánh nặng cho gia đình còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Kỳ 1: Tốt nghiệp bằng thất nghiệp?

Thất nghiệp là nỗi ám ảnh của rất nhiều bạn trẻ chuẩn bị, đã và đang bước vào giảng đường ĐH, CĐ. Đối với sinh viên (SV) đang học và mới ra trường, nỗi lo thất nghiệp càng nặng nề hơn. Đó là chưa kể đến những người đang có việc làm “bỗng dưng” trở thành... thất nghiệp.

Chọn ngành gì để ra trường có việc làm?
Chọn ngành gì để ra trường có việc làm?

Nỗi lo mang tên thất nghiệp

Tại mỗi cuộc tư vấn tuyển sinh cho các học sinh lớp 12 trong và ngoài tỉnh, câu hỏi “Học ngành gì dễ tìm việc làm?” hoặc thẳng thắn hơn là “Học ngành gì không sợ thất nghiệp?” luôn được đặt ra. Có thể nói, thất nghiệp là nỗi lo của đại đa số các thí sinh ngay khi mới bắt đầu chọn ngành.

Trong buổi tư vấn ở Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm) do Sở GD- ĐT Vĩnh Long tổ chức hồi cuối tháng 3/2015, có rất nhiều học sinh muốn thi vào khối ngành công an, quân đội. Biết điểm chuẩn ngành này cao và phải qua sơ tuyển nhưng nhiều em vẫn chọn vì “học ngành này ra là được phân công đi làm, em khỏi lo thất nghiệp”.

Ông Chín Méo (ở An Bình- Long Hồ) than thở: “Thằng cháu tui nó nằng nặc đòi thi vào ngành công an, nhưng ngặt nỗi không đủ chuẩn nên rớt từ vòng sơ tuyển, mà nó cứ cãi”. Cái lý do mà cháu của ông Chín Méo đòi vào ngành công an cũng là vì ra trường không sợ thất nghiệp.

Ngay cả các thí sinh chuẩn bị bước vào phòng thi ĐH cũng nơm nớp vấn đề việc làm. Chúng tôi gặp em Phan Kiều Trang (ở Mỹ Xuyên- Sóc Trăng) khi em đang chuẩn bị bước vào phòng thi ĐH. Sau khi hỏi em vài câu về chuẩn bị bài vở, Trang cũng tranh thủ hỏi “nhà báo” 1 câu: “Chị ơi, ngành Ngữ văn em chọn có dễ tìm việc làm không?” “Ngành này học giỏi lo gì việc làm em ơi!”- câu nói mang tính trấn an cho cô bạn trẻ trước khi bước vào phòng thi hơn là trách nhiệm của “nhà tư vấn”, còn thật lòng chúng tôi cũng băn khoăn lắm đây.

Phụ huynh cũng chỉ quan tâm nhiều nhất “học ngành đó có dễ tìm việc không”. Bởi, việc đầu tư tiền bạc cho con đi học không phải là dễ, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Trường ĐH Cần Thơ là một trong số ít trường có gửi mail và thư để khảo sát SV sau khi tốt nghiệp. Trong đó, số SV phản hồi rất ít.

Em Nguyễn Thị Hoàng Trang- SV ngành công nghệ thực phẩm- ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Chị bà con của em học tài chính- ngân hàng ra trường hơn năm nay chưa có việc làm nên mẹ em rất lo lắng, không muốn cho em đi học”. Trang cũng tham gia nhiều đợt tư vấn và băn khoăn không biết nên chọn ngành học nào “Em cũng chưa xác định được mình thích ngành nào, mà chỉ muốn học ngành nào xã hội cần nhiều để dễ tìm việc thôi”.

Tư vấn về ngành dễ tìm việc làm, các chuyên gia thường nói chung chung về các ngành phù hợp với xu thế phát triển của vùng nông nghiệp. Tư vấn kiểu... huề vốn: ngành nghề nào cũng cần nhân lực và ngành nghề nào cũng cần có việc làm.

Ám ảnh nguy cơ thất nghiệp

Thi ĐH mới chỉ là bước đầu vào đời.
Thi ĐH mới chỉ là bước đầu vào đời.

Trong nhiều buổi lễ trao bằng, các bạn SV thường nói đùa nhau là “lễ thất nghiệp” vì khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, là chính thức bắt đầu thời gian... thất nghiệp- chưa có việc làm. Câu nói đùa dễ làm “thắt lòng” các bậc phụ huynh, nhưng đó lại là thực tế.

SV Lê Minh vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm ĐH Cửu Long, loại giỏi. Ôm bó hoa trên tay chờ con trai nhận bằng tốt nghiệp, mẹ Minh vừa mừng, vừa lo: “Mừng cho nó ra trường nhưng mà lo lắm. Tôi thấy nhiều anh chị của nó ra trường cả năm trời, mà vẫn nằm dài ở nhà nên rầu thúi ruột!”

SV Lê Phương Thảo học CĐ công nghệ thông tin- ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, đã ra trường gần 2 năm nay, hiện đang làm công nhân ở Tiền Giang. Thảo cho biết: “Em ra trường mấy tháng mà không xin được việc làm, cho nên em đi làm công nhân luôn. Không thể chịu nổi cảnh ăn không, ở không được. Mấy năm trời ăn học tốn kém tiền bạc cha mẹ”- Thảo nói.

Tốt nghiệp loại khá ngành tài chính- ngân hàng CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ năm 2014, đến nay, Nguyễn Phương Vinh (ở Tam Bình) vẫn chưa tìm được việc làm. Vinh cho biết: “Các ngân hàng hiện nay dường như bão hòa rồi, ít khi tuyển nhân viên mà có tuyển cũng tuyển ĐH và rất khắt khe”.

Phương Vinh chỉ nộp hồ sơ vào những nơi chỉ yêu cầu trình độ trung cấp. Vinh cười buồn so: “Vừa rồi, tôi đi phỏng vấn vị trí giao dịch viên ở Viettel Vĩnh Long, nghe nói tuyển có 2 người mà phỏng vấn đến gần 20 lận”.

Trong khi đó, những người có kinh nghiệm làm việc cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Bạn Nguyễn Thị Cẩm Giang- SV ĐH Nha Trang, hệ vừa làm vừa học đã mất việc hơn 8 tháng nay. Giang cho biết: “Công ty cũ của tôi làm ăn khó khăn, hơn 1 năm rồi không trả lương, không đóng bảo hiểm cho nhân viên. Không có thực sao vực được đạo, nhiều người cũng nghỉ việc như tôi”. Dù có hơn 3 năm kinh nghiệm làm kế toán ở TP Cần Thơ, Giang vẫn không tìm nổi một việc làm. “Tôi đang ở TP Hồ Chí Minh phụ quán cà phê cho nhỏ bạn để chờ việc”- Giang nói.

Niềm vui được vào ĐH, niềm vui tốt nghiệp luôn ẩn chứa bên trong nỗi buồn, nỗi lo “ôm bằng” thất nghiệp. Giảm tỷ lệ cử nhân thất nghiệp thật sự là bài toán khó cho mỗi gia đình và cả xã hội.

Ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long- cho biết, xu hướng hiện nay học sinh tốt nghiệp THPT xong là thi vô ĐH và khi tốt nghiệp rồi thì cơ hội việc làm rất khó. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 12.500 người chưa có việc làm. Trong đó, số người tốt nghiệp ĐH là 4.800; CĐ là 2.000 người; trung cấp chuyên nghiệp là 1.500 người. Riêng số người tốt nghiệp các trường nghề chưa có việc làm khoảng 900. Ông nêu lên thực trạng, hiện có nhiều SV tốt nghiệp ĐH xong ra làm trái nghề hoặc quay trở lại học trung cấp để có cơ hội tìm việc làm.

Kỳ 2: “1001… lý do thất nghiệp”

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN