Đừng "khai tử" môn sử dưới danh nghĩa "tích hợp"

04:11, 16/11/2015

Một cuộc hội thảo đầy sự đồng lòng, quyết tâm do Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức đã diễn ra vào sáng 15/11, thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia sử học đầu ngành, các nghiên cứu, giáo viên dạy sử và đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT. 

Một cuộc hội thảo đầy sự đồng lòng, quyết tâm do Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức đã diễn ra vào sáng 15/11, thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia sử học đầu ngành, các nghiên cứu, giáo viên dạy sử và đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT.

Với nhiều lập luận sắc bén, quan điểm rõ ràng, thậm chí có phần gay gắt, thông điệp “trước sau như một” mà các diễn giả gửi đến Bộ GDĐT là: Hãy để lịch sử là môn học bắt buộc và độc lập trong chương trình GD phổ thông.

GS Phan Huy Lê chủ trì hội thảo ngày 15.11. Ảnh: D.H 

Lịch sử phải là môn học bắt buộc

GS - NGND Vũ Dương Ninh (ĐHQG HN) đã cay đắng nói về “số phận” của môn lịch sử (LS) như vậy, khi bàn về chủ trương tích hợp môn học này vào một số môn học khác theo đề án đổi mới chương trình GD phổ thông của Bộ GDĐT đang được dư luận quan tâm.

Theo ông, ngành GD đang đối xử không đúng đắn, thiếu công bằng và có phần tùy tiện với môn học này. Lấy lý do “giảm tải” cho HS, môn sử không còn được coi là môn thi chính thức, số phận long đong của nó bắt đầu từ chỗ quy định sử và địa luân phiên nhau thành môn thi tự chọn mà không có một cơ sở khoa học nào cho chủ trương này.

Chưa hết, nó trở thành môn thi “thay thế”, nghĩa là nơi nào HS không thi ngoại ngữ thì có thể thi môn sử. “Và hôm nay, dưới danh nghĩa “tích hợp”, môn sử đã biến mất khỏi chương trình và được giải thích rằng nó vận dụng vào môn “Công dân với tổ quốc”.

Quả thật, tôi không biết trên thế giới có nước nào dạy môn học mang tên này không? - ông đặt vấn đề khiến cả hội trường vỗ tay rất to tán thưởng!

Đồng quan điểm, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học LSVN tỏ ý bất bình khi cho rằng, khi một ít kiến thức LS bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn học khác, LS đã không còn vị thế của môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó.

Với chủ trương này, ông chắc chắn nhiều diễn giả và dư luận sẽ kinh ngạc và lo lắng. Sự lo lắng rất chính đáng là lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí biết sai về LS dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên và thành tự dựng nước, giữ nước hào hùng của ông cha.

Gay gắt hơn, PGS -TS Vũ Quang Hiển (khoa LS, ĐH KHXH&NV) cho biết, cắt ghép, xuyên tạc LS vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ LS dân tộc và nhân loại. Ông bức xúc: “Liệu thế hệ trẻ VN mai sau có biết và tin rằng “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng?”, có còn phân biệt được đúng - sai, chính nghĩa - gian tà?”.

Cần hiểu đúng khái niệm “tích hợp”

Ở góc độ là nhà sư phạm, PGS -TS Vũ Quang Hiển còn lo ngại, hiểu không đúng khái niệm “tích hợp” sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong tư duy xây dựng chương trình, phủ nhận vai trò của môn LS.

Theo ông, nhiều môn học dựa trên cơ sở tri thức LS để đạt được mục tiêu dạy học. Nhưng dựa vào kiến thức LS hoàn toàn khác với GD LS, bởi một số môn có thể góp phần GD tinh thần của LS, nhưng không thể trang bị tri thức LS bằng cách cung cấp tư liệu LS gốc có hệ thống và toàn diện.

“Và nếu như các môn khác đảm nhiệm được vai trò của môn LS, thì các nước tiên tiến duy trì dạy học bắt buộc và riêng biệt môn LS để làm gì? Bản thân LS là một môn tích hợp rất rộng (khảo cổ học, dân tộc học, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa …), vì thế, để bớt thời lượng, cần trả những đơn vị kiến thức thuộc về khoa học LS đang nằm trong các môn học khác cho môn LS” - ông gợi ý.

PGS -TS Nghiêm Đình Vỳ (ĐHSP HN) thì tỏ ra… bó tay khi được giao nghiên cứu nhiệm vụ liên quan đến LS, địa lý và môn học mới có tên gọi “Công dân với tổ quốc” - môn học tích hợp với LS theo đề án mới của bộ.

Ông kêu trời: “Riêng môn học công dân với tổ quốc thì tôi không có khả năng làm được, không tài nào tích hợp được vì đây là ba môn học hoàn toàn khác nhau! Nhóm nghiên cứu của chúng tôi chưa thấy trên thế giới có nước nào có kiểu “tích hợp” như thế này!”.

PGS - TS Hà Thị Thuy Thủy (ĐHSP Thái Nguyên) cũng thẳng thắn: “Giáo dục LS trong môn học công dân với tổ quốc sẽ được nhìn từ đâu nếu chỉ đơn thuần đề cập truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, trong khi ai cũng biết đây chỉ là một phần rất nhỏ trong LS dân tộc. Môn LS đứng độc lập đã làm tốt chức năng này mà không cần phải chờ đợi đến môn công dân với tổ quốc!”.

Có mặt từ rất sớm và lắng nghe mọi ý kiến, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, việc để môn LS bắt buộc hay độc lập là hai chuyện khác nhau, không phải cứ bắt buộc thì phải độc lập.

Theo ông, môn LS là giáo dục công dân, là hình thành niềm tin, đạo đức, trách nhiệm của công dân với tổ quốc. Việc tích hợp các môn học lại để giảm bớt số môn không phải là mục tiêu mà là giải pháp, qua đó hỗ trợ kiến thức lẫn nhau, liên hệ sử dụng nhiều mảng kiến thức một cách hài hòa...!

Nguồn: http://laodong.com.vn/giao-duc/dung-khai-tu-mon-su-duoi-danh-nghia-tich-hop-397242.bld

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh