Thầy và tết thầy

10:02, 03/02/2015

Thầy ra thầy là là một vế trong cái mệnh đề phức hợp của tư duy giáo dục, chẳng bao giờ cũ. Với các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khi suy nghĩ, ứng xử với mình và cùng nhau, giữa các bạn đồng nghiệp; ứng xử với cha mẹ học sinh về sự học của con cái họ và về sự học của chính mình- không chỉ một thời cắp sách đến trường.

Thầy ra thầy là là một vế trong cái mệnh đề phức hợp của tư duy giáo dục, chẳng bao giờ cũ. Với các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khi suy nghĩ, ứng xử với mình và cùng nhau, giữa các bạn đồng nghiệp; ứng xử với cha mẹ học sinh về sự học của con cái họ và về sự học của chính mình- không chỉ một thời cắp sách đến trường.

Nhưng đó cũng là ứng xử của xã hội và của các nhà lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ nhà giáo. Tết Nguyên đán sắp tới, âu cái chuyện "tết thầy” cũng cần được nói tới.

Tri ân thầy cô.

Nhưng, trước tiên hãy nói về việc "thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp, dạy ra dạy, học ra học”. Hãy đặt vấn đề: Thế nào là "thầy ra thầy” và thầy có vai trò, giữ vị trí ra sao trong các mối quan hệ thầy trò, thầy trò - trường lớp, thầy dạy trò học?

Phải chăng là mỗi ngày mỗi mới trong cái đạo lý muôn đời là "tôn sư trọng đạo”. Và ngay trong cái đạo lý này thì đâu là cái bất tiến và đâu là cái đang thay đổi…

Cũng bởi thường ngày vẫn nghe thấy câu nói, lời bàn "nhất tự vi sư, bán tự vi sư”- trong cả ý nghĩa xét từ suy nghĩ của trò và xét từ tự ý thức của thầy. Lại nữa, giờ đây luôn nhấn mạnh vào dạy làm người, nếu thế thì đâu là sự khác biệt so với cha mẹ dạy con, người lớn dạy trẻ, cán bộ tuyên truyền giáo dục quần chúng. Từ đó, nếu dẫn đến việc xem nhẹ việc dạy chữ thì rất đáng lo.

Vẫn biết rằng trong chữ có nghĩa, có lý, có lẽ, có cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Nhưng nếu coi nhẹ dạy kiến thức mà chỉ chăm chăm dạy làm người một cách công thức thì rất có khả năng sẽ biến giờ học thành sự thuyết giáo kinh sách đủ loại và trở nên vô hồn, mất đi sức thuyết phục, cảm hóa.

Những nhà giáo giàu trải nghiệm nghề nghiệp không ai làm như thế.

Còn "tôn sư trọng đạo” từ một câu nói "chữ”, trở thành lời cửa miệng thường ngày, nhiều khi cũng được hiểu một cách giản đơn, một chiều. Đâu chỉ làm cho học trò và các bậc cha mẹ có con đang theo học thầy này, cô này mới "tôn sư” chính thầy cô giáo đó.

Nói đúng, để thực sự tôn sư thì phải thực sự trọng đạo, không chỉ là ơn nghĩa với thầy cô giáo, "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, mà phải là trọng đạo làm người cao quý, thiêng liêng, để từ đó mà ứng xử với thầy cô cho phải đạo, thay vì thực dụng "ăn cây nào rào cây ấy”, "qua sông lụy đò”, một lời cảm ơn, một sự trả công sòng phẳng.

Nhưng, ở khía cạnh khác, cái sự "tôn sư trọng đạo” ấy còn là và trước hết là của thầy, đối với tự mình có lòng tự trọng nhân phẩm nhà giáo, không chỉ là không được phép làm điều này điều nọ mà còn là "không nỡ” làm. Cái sự "không nỡ” này thật là vô cùng, theo sự mách bảo, sự trừng phạt của lương tâm, luôn cần được thức tỉnh một cách thầm lặng, không gì thay thế được.

Trở lại với việc "thầy ra thầy” là thế nào? Đây không phải là một sự "xưng danh” trên sân khấu của cuộc đời, song lại rất cần "chính danh” bằng sự biểu hiện cho thấy thật đúng với tính chất và ý nghĩa hàm chứa bên trong một chữ "thầy”- không chỉ ở trường, lớp, với học sinh mà còn trong muôn mặt đời thường, ở giữa cõi nhân gian, trong vai trò là một con người, một thường dân.

Không tự xưng để rồi nhiều người nhận ra đó là một nhà giáo, không chỉ là người lắm chữ cao giọng mà là sự khiêm nhường, chừng mực, tự trọng- từ đó mới được nể trọng- thay vì là một sự chê trách "thế mà cũng là thầy”.

Biết làm sao được, đã mang cái nghiệp vào thân, thầy thì phải ra thầy. Thầy, cô hôm nay đa số đã có bằng cao đẳng, đại học, không ít giáo viên tiểu học, trung học là thạc sĩ, tiến sĩ.

Họ được hành nghề trong những ngôi trường khang trang, cao tầng với bao tiện nghi hiện đại, thay vì chỉ bằng lời nói để giảng giải mà còn được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin với một loạt những máy móc luôn "lên đời”.

Vậy mà đã có giáo viên tự biến mình thành người "nhích chuột” thay vì sự thuyết phục bằng kiến thức, nêu gương bằng niềm tin vào đạo lý, lẽ phải sắt son, đinh ninh qua mỗi bài giảng, qua sự tiếp xúc ân cần, bao dung với học trò. Những cũng cần biết, còn có bao nhiêu em học trò nguyên vẹn sự thơ ngây, khao khát hiểu biết mà đến trường "cơm không có thịt”, vẫn đang còn học trong những lớp học tranh tre nứa lá…

Thầy nào thì cũng là thầy, trò nào thì cũng là trò, đang rất cần một sự bình đẳng và cả sự công bằng trong điều kiện và cơ hội để dạy tốt, học tốt.

Cùng với đẩy mạnh xã hội giáo dục là dân chủ hóa các quan hệ giáo dục giữa nhà trường với gia đình và xã hội, theo đó nêu cao vai trò của nhà giáo một cách thiết thực.

Thay vì chỉ là những lời động viên, chúc mừng thì cũng cần thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của thầy này, cô nọ trong đội ngũ cả triệu nhà giáo hôm nay. Đó cũng chính là sự bảo vệ nhà giáo, hỗ trợ và đồng hành cùng nhà giáo, để "thầy ra thầy” với phẩm giá vị tha, ân tình, chẳng của riêng ai.

...Ngày xưa thì "mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, còn ngày nay thì đã có riêng một ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng ngày Tết đến, học trò cũng thường tới thăm, chúc Tết thầy cô.

Đâu chỉ là một "phong bì” trao kín đáo, càng không phải là một bộ quần áo mới may tặng thầy cô; mà có thể chỉ là một bó hoa với tất cả lòng thành của trò, của cha mẹ, của xã hội. Nói chung là phải cả từ hai phía, nhưng quan trọng nhất vẫn là phía người làm thầy, nếu cứ "ngóng” người ta đến nhà "chúc Tết” thì thử hỏi làm sao mà hay cho được.

Không mấy nữa là đến Tết. Nói ra câu chuyện này cũng không hẳn là thừa.

Theo Đại Đoàn Kết

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh