Trung tâm giáo dục thường xuyên : Thường xuyên vắng học sinh

06:12, 03/12/2014

Thực hiện đề án phân luồng sẽ giúp nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tăng lượng học sinh (HS) nhưng thực tế vẫn còn nhiều trung tâm vắng trò. Việc đa dạng ngành học cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến việc các giáo viên ở trung tâm phải đến từng nhà, vận động từng em đến trường.


Các hoạt động vui chơi, giải trí ở Trung tâm GDTX huyện Tam Bình.

Thực hiện đề án phân luồng sẽ giúp nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tăng lượng học sinh (HS) nhưng thực tế vẫn còn nhiều trung tâm vắng trò. Việc đa dạng ngành học cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến việc các giáo viên ở trung tâm phải đến từng nhà, vận động từng em đến trường.

Vắng trò

Giáo viên được đào tạo đúng chuẩn, trường lớp khang trang hiện đại nhưng HS không tha thiết với trung tâm GDTX. Có nhiều nguyên nhân: phân luồng chưa như mong đợi, tâm lý phụ huynh và HS không muốn học GDTX,…

Theo ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng GDTX và Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD- ĐT Vĩnh Long: Một số trung tâm GDTX huyện còn gặp nhiều khó khăn do đề án phân luồng chưa được thực hiện tốt. Chỉ có khoảng 8% HS sau khi hoàn thành chương trình THCS vào học GDTX.

Trung tâm GDTX huyện Tam Bình được xây dựng mới khang trang với 6 phòng học, có phòng chức năng,... Trong năm học 2014- 2015, chỉ có 68 HS theo học ở 3 khối 10, 11 và 12. Ông Huỳnh Thành Nghiệp- Giám đốc trung tâm cho biết: “Năm học rồi, trung tâm chúng tôi có hơn 20% HS bỏ học”. Khó khăn lớn của Trung tâm GDTX Tam Bình là chưa mở rộng được các loại hình hoạt động.

Ông Huỳnh Thành Nghiệp nói thêm: “Việc dạy nghề kết hợp dạy chữ chưa được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí, HS trong trường với mức học phí vài trăm ngàn/tháng để học nghề thì các em sẽ không tham gia. Các lớp chứng chỉ A, B không mở được do lực lượng người dân cần học đã bảo hòa. Còn lớp trung cấp chuyên nghiệp thì thông báo chiêu sinh 2 khóa liền vẫn không mở lớp được”.

Trong khi đó, Trung tâm GDTX huyện Trà Ôn năm học qua có 55 HS. Đến cuối năm, có đến 12 HS bỏ học, tỷ lệ HS bỏ học lên đến gần 22%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phong- Phó Trưởng Phòng GDTX và Giáo dục chuyên nghiệp: Hiện nay, các trung tâm GDTX đã được xây dựng mới nhưng lượng HS vào học ít, có trung tâm chỉ có vài chục HS. Chỉ có Trung tâm GDTX TP Vĩnh Long là có nhiều HS theo học và đa dạng loại hình hoạt động.

Thực tế trên là do ý thức của phụ huynh và HS khi vào học ở trung tâm GDTX còn rất kém. Nhiều em không chịu vào học GDTX, có em học nhưng không chịu đeo phù hiệu của trung tâm.

Vận động 20, hứa 12 và đi học 3

Cái khó của trung tâm đã vậy mà đối với cán bộ, giáo viên GDTX thì còn nhọc nhằn hơn, bởi HS không tự đến đăng ký mà giáo viên phải vào tận nhà vận động.

Cô Huỳnh Ngọc Chi có 6 năm giảng dạy ở Trung tâm GDTX huyện Tam Bình là ngần ấy năm cô đi vận động từng học trò. Cô nói: Trước mỗi năm học mới, giáo viên trong trung tâm được chia đi vận động HS vào lớp ở tất cả các xã trong huyện. Việc này được làm từ đầu năm đến gần hết tháng 11.

Việc vận động HS cũng có lắm nhiêu khê “có phụ huynh thấy mình tới không thèm mời vô nhà luôn”- cô Đặng Thị Tuyết Hừng- Trung tâm GDTX Bình Tân nói.

Năm học này, cô chủ nhiệm lớp 10, có 2 HS bỏ học “Mỗi em tôi đều vô tận nhà vận động 2, 3 lần rồi. Ban đầu, gia đình còn hứa cho con đi học. Sau này, thấy tôi tới thì phụ huynh không muốn tiếp nữa”.

Mỗi đầu năm học, sau khi rà lại danh sách cô cùng những giáo viên khác đến tận nhà vận động các em “đường xa khó đi cỡ nào cũng đi, nhưng đâu phải em nào cũng vận động đến trường được đâu”- cô Đặng Thị Tuyết Hừng nói.

Mới tháng rồi, cô Huỳnh Ngọc Chi còn đi khắp các ấp của xã Mỹ Thạnh Trung để vận động trò đến lớp. Cô cười buồn: “Ban đầu liên hệ với xã nhờ dẫn đi, xem danh sách có đến 90 em, hoảng hồn… Nhưng sau khi nhờ địa phương xem xét thì còn 20 em trong đối tượng”. Cô nhẩm tính: “Đợt rồi, tôi đi vận động khoảng 20 gia đình, có 12 gia đình hứa với tôi sẽ cho con đi học, kết quả… chỉ có 3 HS đến trung tâm”. HS ở trung tâm GDTX thường có học lực yếu nên các em lười học và dễ chán. Giáo viên muốn dạy ở trung tâm không chỉ cần có cái tâm mà còn có lòng kiên nhẫn để giảng dạy các em từ từ từng bước một.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khương, trong năm 2015, nếu thực hiện đề án phân luồng theo hướng mới sẽ có khoảng 70% HS sau THCS vào học THPT. 30% còn lại sẽ có khoảng 12% học GDTX, 13% học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp và 5% vào các luồng khác.

Như vậy, các trung tâm GDTX sẽ có nguồn tuyển nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc mở rộng nhiều chức năng, dạy chữ kết hợp dạy nghề, nếu thực hiện được sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn và gắn kết HS với trung tâm GDTX hơn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh