Những bữa cơm trưa ấy, dù có món gì, tự nấu tại trường hay đặt quán nấu cho thì vẫn đong đầy tình thương của gia đình, nhà trường và xã hội đối với học sinh.
Tiết ôn tập Hóa học của HS Trường THPT Phan Văn Hòa diễn ra sôi nổi
sau khi nhiều em đã ăn trưa, nghỉ ngơi tại trường.
Những bữa cơm trưa ấy, dù có món gì, tự nấu tại trường hay đặt quán nấu cho thì vẫn đong đầy tình thương của gia đình, nhà trường và xã hội đối với học sinh.
Đó là bữa cơm trưa cho trẻ mẫu giáo mà phụ huynh mang đến trường nhờ cô giáo cho ăn và bữa cơm trưa miễn phí từ vận động xã hội hóa cho các học sinh (HS) lớp 12 đang trong mùa ôn thi tốt nghiệp.
Cơm cho ra lớp...
Khoảng 9 giờ 45, chị Sơn Thị Sinh Na Vy khệ nệ bưng nồi cơm và dĩa đồ ăn gồm thịt chiên lát mỏng, trứng chiên mang sang trường. Xong, chị quày quả về nhà bê tiếp canh bí rợ và chén bát, muỗng đũa. Bữa cơm trưa hôm nay của trẻ ở lại trường khá tươm tất.
“Trưa nay có 14 trẻ ở lại lớp ăn cơm trong tổng số 43 trẻ học điểm này. Có cháu gần nhà, cha mẹ, ông bà đến rước về ăn cùng, có cháu tự chạy về nhà mình ăn. Những cháu ở lại ăn tại trường thường là những cháu nhà xa hoặc cha mẹ đi làm hết nên nhờ cô cho ăn”– cô Sơn Thị Bạch Luyến, dạy lớp chồi ở điểm trường này cho hay.
Bữa ăn trưa của các cháu mẫu giáo Trường Mẫu giáo Hoa Sen tại điểm Phù Ly 2. |
Khi đã đủ mọi thứ dành cho bữa ăn, cô giáo dạy lớp lá Chi Thị Út Hằng lúi húi kê bàn ghế lại, lau chén muỗng. Cơm được xúc đều cho từng cháu. “Vũ điệu” lanh canh của chén muỗng bắt đầu... Nghe những câu vừa răn dạy vừa “ỏ ê” của cô giáo dành cho cháu... chúng tôi thấy sự tận tâm chăm sóc trong từng muỗng cơm bới thêm, dặm thêm đồ ăn vào chén các trò nhỏ của các cô... chúng tôi thật sự xúc động.
“Nhà mình cũng có cháu học trường này. Mình nhận nấu ở nhà khoảng 16- 17 suất cơm trưa cho các cháu có nhu cầu ăn tại lớp. Cứ đến hết giờ học thì mình đem cơm, đồ ăn sang. Mỗi bữa, món ăn được thay đổi để cháu ăn uống ngon hơn”- chị Na Vy cho biết.
Vợ chồng anh Nam và chị Hoa (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình- Bình Minh) hàng ngày đi làm ở Cái Vồn và TP Cần Thơ. Sáng anh chị đưa cháu Thạch Phương Hồng Huệ đến điểm Phù Ly 2, Trường Mẫu giáo Hoa Sen học. Bữa trưa của cháu, anh chị nhờ người quen gần trường nấu mang sang trường, cô giáo cho ăn. Thế là anh chị vừa có thời gian làm ăn, mà con vẫn được học ngày 2 buổi. Ở điểm trường này, không ít gia đình đầu tắt mặt tối như anh Nam- chị Hoa mà gửi con bán trú và giao việc ăn uống của con cho trường như trên. Lanh canh chén muỗng một lát thì bữa cơm trưa cũng xong. Mấy cô giáo cho trẻ đi rửa tay, đánh răng trước khi ngủ. Cùng lúc đó, ngoài cổng mấy đứa trẻ lúc nãy về nhà ăn cơm lục tục kéo vào. Có đứa được mẹ tắm thơm phức. “Ca” ngủ trưa mời gọi, trước khi giờ học chiều lại đến...
Nhu cầu trẻ 5 tuổi (lớp lá), 4 tuổi (lớp chồi) ra lớp ở nhiều địa phương luôn được đặt lên hàng đầu. Hầu hết các trường mầm non, mẫu giáo đều huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Tuy nhiên, tỷ lệ cháu được học 2 buổi/ngày vẫn còn thấp vì nhiều cái khó... Cho nên, việc có ăn trưa như cách mà điểm lẻ Phù Ly 2 và Mẫu giáo Hoa Sen tổ chức cũng rất đáng lưu tâm học hỏi.
Trong bữa cơm trưa ấy, tôi “thấy” mong muốn của từng bậc cha mẹ cho con mình tiếp cận với môi trường giáo dục đầy đủ, thấy tấm lòng của chị thợ nấu để bữa ăn thêm ngon. Vùng quê nghèo, đời sống người dân còn thiếu thốn nên dù bữa ăn chỉ 7.000đ nhưng đong đầy tình cha tình mẹ và nghĩa “thầy trò”, đong đầy tấm lòng và ý chí dành cho sự học...
... Cơm vào mùa thi
Đó là bữa cơm trưa miễn phí đã có 6 năm nay dành cho các HS nghèo, cận nghèo, nhà xa và có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách,... đang học tại 5 trường THPT trong huyện Tam Bình. Bằng nhiều cách, tùy điều kiện mà các xã, các trường vận động kinh phí, công sức mình để góp vào lo cho bữa ăn trưa của HS.
“Chúng tôi còn quỹ xã hội hóa 66 triệu đồng dành để cho các em ăn cơm trưa đến hết đợt ôn tập này. Với 72 HS lớp 12 khó khăn của trường, nếu mỗi suất ăn 15.000đ thì chỉ mới dùng phân nửa số tiền đó”- thầy Trần Công Danh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa phấn khởi nói.
Trường này vốn là nơi khởi nguồn bữa cơm trưa miễn phí cho HS “hoàn cảnh” trong toàn thời gian ôn tập thi tốt nghiệp. Từ đó, 3 năm sau, UBND huyện Tam Bình chỉ đạo nhân rộng ra tất cả 5 trường THPT trong huyện mỗi khi đến mùa thi. Hàng trăm HS nghèo đã được “tiếp sức” bằng cả vật chất (bữa cơm trưa) lẫn tinh thần (tình thương, sự quan tâm động viên) từ nhà trường, gia đình và xã hội. Cái tình đong đầy, trải rộng là thế.
Điều này, đối với các thầy cô giáo và HS Trường THPT Phan Văn Hòa cũng không xa lạ gì. Có mặt tại trường hôm 2/5, khi thời gian ôn tập 6 tuần đã đi gần nửa, Bí thư Đoàn trường là thầy Nguyễn Bá Khương cho biết: “Năm học này trường có 58 HS được ăn cơm trưa miễn phí. Do điều kiện không cho phép nên chúng tôi thuê quán bên ngoài nấu, mỗi suất 15.000đ”.
Cái tình còn lan rộng ra ở những đơn vị giáo dục khác. “Chúng tôi cũng vận động được khoảng 16 triệu đồng, bao nhiêu đó để lo bữa cơm trưa cho hơn 40 HS lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn... Các em sẽ ăn cơm từ 2/5 đến kết thúc thi tốt nghiệp 4/6”- thầy Đặng Hoàng Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long nói.
“Chúng tôi chẳng những xã hội hóa về kinh phí mà còn xã hội hóa cả công sức, tinh thần để chăm lo cho các em. Cụ thể mỗi ngày ăn (thứ 3, 5, 7), có khoảng 10 thầy cô giáo lo mọi thứ từ khi bắt đầu đến khi bữa ăn kết thúc”, với kinh nghiệm của một trường 6 năm tổ chức nấu ăn cho HS ôn tập, thầy Trần Công Danh cho biết.
Tại THPT Phan Văn Hòa, cô giáo Ngọc Trinh hỗ trợ một suất ăn trong 6 tuần ôn tập cho một HS lớp mình. Thầy Thanh Long cũng dành một suất tương tự để góp vào quỹ hỗ trợ các em ăn trưa. “Có bao nhiêu đâu, còn nhiều em hoàn cảnh thương lắm, mình dạy các em nên hiểu rõ các em hơn ai hết. Cùng góp một chút nho nhỏ hòa vào cái chung, cho các em yên tâm hơn trước và trong mỗi mùa thi...” – cô giáo Ngọc Trinh bày tỏ.
Học xong tiết Hóa sáng nay và ở lại ăn cơm với bạn bè, em Hồ Như Thủy nói “được ăn cơm trưa thế này, tụi em thấy xúc động lắm”. Tương tự, trưa nay. 2 chị em Võ Ngọc Huyền, Võ Ngọc Trang cũng hồ hởi: “Ăn cơm xong, tụi em nghỉ ngơi tại trường, khỏi về nhà xa, dành sức ôn tập đạt hiệu quả tốt...”
Bài, ảnh: AN DĨ HIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin