Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, nhưng cho đến giờ chỉ mới đạt 2,7 triệu lượt khách. Như vậy, mục tiêu năm 2023 tới đến 8 triệu lượt khách là rất khó.
Du lịch Vĩnh Long cần sớm đẩy nhanh tốc độ cho những dự án, đề án tương lai. Trong đó, có “Di sản đương đại Mang Thít” là kỳ vọng lớn. |
(VLO) Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, nhưng cho đến giờ chỉ mới đạt 2,7 triệu lượt khách. Như vậy, mục tiêu năm 2023 tới đến 8 triệu lượt khách là rất khó.
Tỉnh Vĩnh Long cũng tăng về lượng khách và doanh thu, nhưng là so với thời kỳ dịch bệnh và lượt khách quốc tế còn khá thấp. Đà tăng trưởng của ngành du lịch chưa thực sự bật tăng trở lại như kỳ vọng.
Sau thành công lớn về công tác phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam hy vọng là điểm đến mạnh mẽ khi du lịch mở cửa trở lại, nhưng mục tiêu 5 triệu lượt khách chắc chắn đã không đạt được.
Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc, có nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là yếu tố chủ quan đã kìm hãm đà tăng trưởng trở lại. Bức tranh du lịch chưa thật sự sáng sủa. Chúng ta mở cửa sớm từ 15/3, nhưng đã đi sau các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan chào đón lượng khách rất lớn.
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh, tiềm lực các hãng lữ hành, lưu trú suy yếu, không ít cơ sở kinh doanh “bỏ cuộc”. Do đó, việc tái đầu tư cùng với những chiến dịch quảng bá không được mạnh mẽ; trong đó, xây dựng những dòng sản phẩm mới chưa thể triển khai, giảm sức hút cho giai
đoạn mới.
Đối với Vĩnh Long, chỉ đón khoảng 5.500 lượt khách quốc tế là khá thấp, cho thấy các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng bắt nhịp đà tăng trưởng trở lại.
Thực tế, cũng chưa có những sản phẩm mới, công tác tái đầu tư còn chậm, thiếu nguồn lực, nhân lực là những nguyên nhân chưa thu hút nguồn khách như mong đợi. Thời gian chưa đủ để các doanh nghiệp bắt nhịp lại từ đầu.
Nhưng về mặt tổng quan, theo các chuyên gia đánh giá, chính sách visa của Việt Nam là một trong những rào cản làm giảm tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Theo ông Chris Farwell - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), phản hồi ý kiến khách hàng không hài lòng khi thủ tục xin visa Việt Nam phải qua công ty bảo lãnh, đại lý cấp visa với mức phí quá cao, thường trong khoảng 200 - 500 USD, trong khi phí chính thức chỉ khoảng vài chục USD.
Đây là gánh nặng chi phí vào gói tour, làm nản lòng nhiều du khách khi chọn vào Việt Nam. Ngoài ra, nhiều quốc gia không trong diện xin visa điện tử, thời gian chờ đợi lên đến 30 ngày và chịu phí đến 800 USD, không thể cạnh tranh với chi phí quá cao chỉ dành riêng cho visa.
Nếu so sánh với Thái Lan, thì số lượng quốc gia được miễn visa vào Việt Nam là còn quá ít và thời gian quá ngắn chỉ có 15 ngày là chưa hợp lý trong tình hình hiện nay.
Còn vấn đề phát sinh chi phí trường hợp những tour tạm nhập, tái xuất qua Campuchia, khi quay trở lại Việt Nam phải gánh thêm một lần phí visa nữa.
Đây là những thủ tục chúng ta hoàn toàn có thể giản lược để tăng tính cạnh tranh, nắm bắt thời cơ đẩy mạnh đà phục hồi của du lịch sau thời gian dài ngưng trệ hoàn toàn vì dịch bệnh toàn cầu.
Hiện Việt Nam chỉ mới miễn thị thực visa với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ với thời gian 15 ngày, các nước Đông Nam Á là 30 ngày; trong khi Thái Lan miễn visa tới 65 quốc gia và thời gian lưu trú lên đến 90 ngày.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có những thắng cảnh đẹp không thua kém so với các nước trong khu vực, nhưng chính sách xin thị thực visa đã trở thành điểm nghẽn, thay vì điểm đến lựa chọn ưu tiên của du khách.
Thay đổi những bất cập cũng chưa được thực hiện một cách linh động, nhanh chóng, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm mục tiêu đón 5 triệu lượt khách của chúng ta không đạt. Nếu vẫn giữ cách làm này thì nhìn tới năm 2023 với kế hoạch 8 triệu lượt khách là rất khó thực hiện.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - TT - DL, mục tiêu khách nội địa là 60 triệu lượt, nhưng chúng ta đã đạt ước 110 triệu lượt trong năm 2022.
Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa lẽ ra là đòn bẫy tốt để các doanh nghiệp sẵn sàng cho nguồn khách quốc tế, nhưng thực tế không được như vậy.
Nguyên nhân là nguồn khách nội địa không vướng phải những rào cản và không chịu áp lực cạnh tranh như nguồn khách quốc tế. Du lịch Việt Nam cần năng động và chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, để vực dậy sự phục hồi cho các doanh nghiệp.
Với du lịch Vĩnh Long, tham chiếu nguồn khách và doanh thu năm 2022, nhưng đặt chỉ tiêu của năm 2023 còn khá khiêm tốn: tổng lượt khách năm tới dự kiến chỉ 800.000 lượt; trong đó, khách quốc tế 8.000 lượt. Tổng doanh thu dự kiến 400 tỷ đồng.
Trong khi năm 2022, Vĩnh Long đã đón khoảng 1 triệu lượt khách và tổng doanh thu khoảng 480 tỷ đồng. Cần cú hích mạnh mẽ và chỉ tiêu tăng tương đối làm mục đích phấn đấu, nỗ lực của toàn ngành.
Nhìn lại du lịch qua 1 năm chưa được như kỳ vọng, rất cần những mục tiêu và những hy vọng lớn hơn cho năm mới tăng tốc hơn, vực dậy đà phục hồi mạnh mẽ hơn cho du lịch Việt Nam.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin