Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng động lực sinh lời của ngành du lịch hiện không đi vào số lượng mà là chất lượng; làm sao để du khách được an toàn, an tâm, không phải vừa đi vừa lo dịch bệnh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng động lực sinh lời của ngành du lịch hiện không đi vào số lượng mà là chất lượng; làm sao để du khách được an toàn, an tâm, không phải vừa đi vừa lo dịch bệnh
.Phóng viên: Tất cả các mắt xích, chuỗi cung ứng trong ngành du lịch đã bị tổn thương thì khi nối lại cần một quá trình, lộ trình công phu, đồng bộ. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch gì để phục hồi du lịch, thưa ông?
- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch HÀ VĂN SIÊU: Các địa phương, doanh nghiệp (DN) đã sẵn sàng cho việc tái khởi động hoạt động du lịch nhưng vẫn còn lúng túng.
Bộ VH-TT-DL đã có kế hoạch phục hồi, kích cầu hoạt động du lịch với 6 nhóm nhiệm vụ trọng yếu cần triển khai từ trung ương đến địa phương.
Theo đó, phải bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá; Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ DN đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và cuối cùng là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với các bộ - ngành liên quan thực hiện, đồng thời định hướng, hướng dẫn cho các địa phương, DN triển khai kế hoạch này.
.Tổng cục Du lịch đã định hướng cho các địa phương và DN bảo đảm an toàn điểm đến và an toàn cho khách du lịch như thế nào?
- Điều quan trọng đầu tiên là phải triển khai đồng bộ các biện pháp an toàn phòng dịch theo quy định cùng với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách theo hướng dẫn chung của ngành du lịch, hướng dẫn về quy trình phục vụ đón tiếp và phục vụ thuận tiện, an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Bộ VH-TT-DL khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh.
Các địa phương cần làm mới sản phẩm du lịch theo tinh thần mỗi tỉnh có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn .Ảnh: LÊ HỒNG |
Khi có hướng dẫn này, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với trung ương phổ biến quy trình bảo đảm an toàn để các DN thực hiện, làm sao để điểm đến của mình thật sự "xanh". Chúng ta vẫn nói đến du lịch xanh và cụ thể xanh như thế nào chính là ở chỗ này. Đó là du khách được đón tiếp thân thiện, thoải mái nhưng an toàn.
Ngành du lịch đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để khách an tâm, người dân tự tin, DN tự tin. Đây là 3 đối tượng chính quyền địa phương phải hướng tới tuyên truyền để họ hiểu đúng sống chung với Covid-19.
Các địa phương phải sớm công bố chỗ nào là an toàn hay thông báo công nhận "hộ chiếu vắc-xin" lẫn nhau giữa các địa phương, các quốc gia an toàn, đề phòng trường hợp công ty du lịch đưa khách đến điểm đến nhưng không được chấp nhận.
.Đại dịch đã thay đổi tâm lý người đi du lịch, không đổi mới là không thể tồn tại phải không?
- Đúng vậy. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi khá nhiều. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình, đến những điểm an toàn, không phải di chuyển quá nhiều.
Bộ VH-TT-DL đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới sản phẩm du lịch theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn.
Đại dịch đã đẩy các DN vào thế cực kỳ khó khăn nhưng dù vậy thì vẫn phải tìm nguồn lực để đầu tư cho sản phẩm mới theo hướng gần gũi với thiên nhiên, coi trọng sức khỏe con người, đặc biệt là điểm đến ấm áp tình người.
Ảnh: MAI NGUYÊN |
Một trong những cách tìm ra động lực chính là bổ sung cho nhau của những điểm đến. Đây là câu chuyện liên kết giữa các địa phương để tạo ra động lực cũng như nguồn lực. Sự liên kết của du lịch với các ngành khác, như giao thông, nông nghiệp, tại điểm đến là rất quan trọng để du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch an toàn sau Covid-19.
Sau Covid-19, động lực sinh lời không đi vào số lượng, mà đi vào chất lượng. Du khách cần được trải nghiệm để làm sao đi một chuyến đi có ích lợi, chứ không phải vừa đi vừa lo dịch bệnh.
Dùng công nghệ để kiểm soát Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư, các DN phải quan tâm, không thể làm ngơ trước du lịch số. Dù có khó khăn vẫn phải đầu tư vào đây, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, có thêm các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch. Các địa phương cần hỗ trợ DN du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng. Ngoài ra, phải dùng công nghệ để kiểm soát an toàn. Sau Covid-19, chúng ta đang lo ngại về an toàn nên cần ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch. |
Theo Lan Anh (Báo Người Lao Động- nld.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin