Du lịch Buôn Đôn gắn liền với khá nhiều "đặc sản", huyền thoại cùng địa thế lý tưởng, tạo nên những chiếc cầu treo độc đáo bên dòng Sêrêpốk "chảy ngược" từng làm nên những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Du lịch Buôn Đôn gắn liền với khá nhiều “đặc sản”, huyền thoại cùng địa thế lý tưởng, tạo nên những chiếc cầu treo độc đáo bên dòng Sêrêpốk “chảy ngược” từng làm nên những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Tuy nhiên, nhiều lần đến đây với nhiều mục đích khác nhau, với nhiều thời điểm trong năm, đã để lại trong chúng tôi nhiều suy nghĩ, cảm xúc buồn vui lẫn lộn.
Tiếng cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc bỗng trở nên “lạc lõng” giữa âm nhạc “hát với nhau” phát ra từ nhà hàng gần đó. |
Còn nhớ lần đầu chúng tôi đến Buôn Đôn cách đây trên chục năm, chúng tôi được đi theo tour chuẩn “3 sao” của chương trình kết thúc khóa học lớp hướng dẫn viên du lịch.
Có lẽ đó là lần ấn tượng nhất, khi đoàn được book tour (đặt tour) khá kỹ và được hướng dẫn, thuyết minh, ghi chép cẩn thận. Tiếp sau đó, có nhiều dịp trở lại Buôn Đôn với nhiều mục đích khác nhau, nhưng ấn tượng đẹp về khu du lịch độc đáo này vẫn không phai nhạt.
Tuy nhiên, gần đây trong những ngày lưu lại ở TP Buôn Ma Thuột, có dịp một mình “phượt” về Buôn Đôn mùa nắng hạn, cộng thêm một số đổi thay, đã làm cho tuyến du lịch quyến rũ này “mất điểm” rất nhiều với du khách.
Từ TP Buôn Ma Thuột, thuê xe gắn máy 150.000 đ/ngày, tôi háo hức lên đường từ sáng sớm. Đường sá rất dễ đi, chỉ khoảng 32km là tới Buôn Đôn, nhân dịp lễ hội cà phê nên lượng khách đổ về rất đông.
Song, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi đó là dòng Sêrêpốk hùng vĩ đang cạn khô đáy, nước không còn ầm ào như thác đổ mà chảy len lỏi qua những phiến đá trơ ra dưới đáy sông.
Đây cũng là điều được cảnh báo từ mấy năm trước rồi, khi chúng tôi có dịp lên đây công tác đã được nghe các cán bộ của Huyện ủy Buôn Đôn cho biết, tương lai tuyến du lịch này sẽ gặp khó khi thủy điện Sêrêpốk 4A trữ nước mùa khô hạn.
Lần đó, chúng tôi còn được giới thiệu về nguồn hải sản phong phú ở đây, đặc biệt còn được thưởng thức cá anh vũ- một loại cá tiến vua rất quý hiếm. Giờ đây, cùng với việc nguồn nước bị ngăn dòng đã làm mất mát khá nhiều lượng cá dồi dào trên dòng sông “chảy ngược” này.
Cùng với đó, là nỗi thất vọng lớn của những du khách lần đầu đến với Buôn Đôn. Còn tại Khu du lịch Thanh Hà (buôn N’Drếch, Ea Huar, Buôn Đôn), cách Khu du lịch Buôn Đôn vài cây số, tình hình còn bi đát hơn khi điểm du lịch này nằm ngay dưới đập thủy điện Sêrêpốk 4A.
Ở đây không có tour cưỡi voi mà chỉ đưa vào sản phẩm đi thuyền trên sông, giờ thì những chiếc thuyền khác nào “những con cá mắc cạn” giữa những bãi đá, nên du khách ghé vào loanh quanh chút rồi đi. Tại bến nước Tha Luông (còn gọi bến Vua- buôn Trí A, xã Krông Na, Buôn Đôn)- nơi lượng nước dồi dào nhất trên đoạn sông này- mực nước cũng đã xuống rất thấp.
Theo anh Nguyễn Văn Sơn- người có hợp đồng voi nhà với công ty du lịch hơn 7 năm nay- thì hàng năm vào mùa này nước sông không dồi dào như mùa mưa, nhưng kiểu cạn khô đáy như mấy năm gần đây là trước giờ không có. Năm 2014, khi UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu thì thủy điện Sêrêpốk 4A mới xả nước được khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Những chiếc cầu treo cũng “kém duyên” khi dòng sông Sêrêpốk dần cạn đáy. |
Chú Lê Hoài Trung (74 tuổi) cùng với gia đình 2 người con gái từ ngoài Ninh Bình vào đây, cho rằng mình khá thất vọng khi đổ đường xa xôi, nhưng thực tế lại không giống như những gì mình được biết qua hình ảnh từ video, trên mạng... Còn riêng về ẩm thực “cơm lam, gà núi” thì cũng không đúng như lời giới thiệu của nhân viên nơi đây.
Trong cái phần “lỗi khách quan” của thủy điện, có lẽ phần “lỗi chủ quan” lớn nhất thuộc về cách quản lý và khai thác tour của đơn vị du lịch được giao trách nhiệm khai thác toàn bộ sản phẩm du lịch nơi đây.
Trước hết là việc “cắt tour”, xem như phần cưỡi voi đã bị làm một cách chiếu lệ, không còn cảnh “vượt sông” Sêrêpốk nữa, mà chỉ đi lướt qua những bãi nước cạn, đây là điều vô cùng đáng tiếc.
Cái đáng trách là kinh doanh kiểu “nhà hàng” phố thị đã làm hỏng đi vẻ đẹp hoang sơ của những tán cây si phủ bóng xuống cầu treo, khách được thưởng thức món cơm lam bên tiếng nước reo rì rầm bên dưới.
Giờ đây, khách được xếp ngồi san sát nhau bên những dãy bàn liền kề; rồi có cả phần âm nhạc “hát với nhau” thật sự đã phá hỏng cả không gian tuyệt vời của thiên nhiên, rừng núi Buôn Đôn.
Chú Lê Hoài Trung than phiền: “Trong khi mọi người đang tham gia nhảy múa cùng lễ hội cồng chiêng, thì tiếng nhạc ầm ầm rất là không hay chút nào”.
Buôn Đôn là tour du lịch thật sự hấp dẫn, là nơi mà du khách có thể đến và quay trở lại nhiều lần, cần có sự khai thác “bình tĩnh” hơn, giữ được nét đẹp nguyên sơ và cần một số quy định tránh làm “tổn hại” đến văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Một ngày “phượt” về Buôn Đôn, với nhiều nỗi buồn và rất ít niềm vui.
|
Riêng cá nhân tôi có thêm một điều đáng tiếc nữa là hình như có một huyền thoại về vua săn voi đã dần bị mờ phai. Khi mà nhiều người không còn quan tâm đến những nhà dài hay được nghe về chuyện săn voi, chuyện nuôi voi ngày xưa, ngày nay. Còn thuốc Amakông thì được bày bán tràn lan khắp nơi, du khách không biết đâu là thiệt đâu là giả. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin