(VLO) Hiện nay, khi tham gia giao thông trên đường không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người chạy xe máy chở theo thú cưng (phổ biến nhất là chó, mèo) với nhiều tư thế như: đứng trên đùi người chở, đứng phía trước tay lái, thậm chí ngồi chễm chệ trên phần yên xe sau mà không có bất cứ dây chằng buộc, dây xích hay rọ mõm nào (ảnh).
![]() |
Có trường hợp, những con thú cưng có kích thước lớn khiến người cùng tham gia giao thông không khỏi lo sợ.
Sáng qua, tôi và một số người dừng chờ đèn đỏ ở một ngã tư đường bị một phen hú vía bởi con chó đứng ở xe bên cạnh. Chú chó có kích thước khá to, được chủ nhân cho đứng ở phía trước xe và cũng đang dừng chờ đèn đỏ. Khi xe dừng lại, chú chó bắt đầu gầm gừ, nhìn sang những người xung quanh và sủa.
Người chủ càng la, con chó càng sủa, có vẻ như bất tuân và muốn nhảy khỏi xe. Hoảng hồn, nhiều người bật xi nhan quẹo phải. Người chủ cũng nhấn ga, chuyển hướng xe quẹo phải để ngăn sự “trái tính, trái nết” của con chó. Chợt rùng mình: “Không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi con chó nhảy thoát khỏi xe trong khi nó cứ nhìn những người xung quanh mà gầm gừ và sủa!”.
Pháp luật không cấm hành vi chở thú cưng trên xe máy. Tuy nhiên, việc chở thú cưng phải bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định.
Thử nghĩ xem, mật độ giao thông đông đúc, tiếng ồn, tiếng còi xe, hay khi dừng đèn đỏ rất nhiều người lạ… thì ai có thể khẳng định là thú cưng không lao xuống đường? Và trong tình huống bất ngờ, kể cả người chủ và người tham gia giao thông có thể kịp thời xử lý để tránh những va chạm, tai nạn giao thông đáng tiếc hay không?
Chở thú cưng không đảm bảo điều kiện an toàn luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người chủ lẫn người cùng tham gia giao thông. Do đó, để đảm bảo an toàn, khi chở thú cưng trên xe máy phải rọ mõm, có dây cột hoặc nhốt thú cưng vào lồng, ba lô chuyên dụng,... theo quy định.
Bài, ảnh: MINH KHOA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin