![]() |
Truyền thông về phòng chống HIV/AIDS được các trạm y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức thường xuyên. |
Sau gần 35 năm ứng phó với dịch bệnh HIV, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt và được đánh giá là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu. Để tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, cùng với cả nước, Vĩnh Long đang đẩy mạnh nhiều giải pháp, đồng bộ các hoạt động phòng chống, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV.
Tất cả trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện đều được quản lý điều trị
Trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Long triển khai đẩy mạnh hoạt động truyền thông về HIV cho công nhân, học sinh trong các khu công nghiệp, trường học và thực hiện truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau như đăng tải trên phương tiện truyền thông, trang web, mạng xã hội...
Những buổi truyền thông trực tiếp xoay quanh các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống HIV những con đường lây truyền, các biện pháp dự phòng lây truyền và điều trị bệnh AIDS được ngành y tế tỉnh tổ chức thường xuyên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, tình hình lây nhiễm, phương pháp điều trị hiện nay và giảm sự phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV.
Thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS, tất cả các trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện trong tỉnh đều được ngành y tế tỉnh quản lý và điều trị bằng thuốc ARV.
Từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã xét nghiệm HIV cho gần 12.000 người, qua đó phát hiện, quản lý, điều trị được 200 trường hợp nhiễm HIV mới, nâng số bệnh nhân (BN) nhiễm HIV được phát hiện trong tỉnh lên trên 4.290 trường hợp. Trong đó, số BN còn sống, quản lý được là hơn 2.500 BN.
Các phòng khám ngoại trú cho BN HIV/AIDS được duy trì và hoạt động hiệu quả tại các cơ sở y tế trong tỉnh, đảm bảo thuốc điều trị và dự phòng cho BN. Tỷ lệ người nhiễm mắc HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95% và từ đầu năm đến nay tỉnh không có BN HIV chuyển sang giai đoạn AIDS.
Em N.H.T. (18 tuổi, huyện Vũng Liêm)- BN đang điều trị ARV tại phòng khám Ngoại trú BVĐK tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Lúc đầu khi phát hiện mình bị nhiễm HIV em rất sợ và chán nản vô cùng. Nhờ có tư vấn của bác sĩ giúp em nhanh chóng ổn định tinh thần, hiểu về bệnh mình mắc phải và biết được việc dùng thuốc ARV sẽ giúp cho em có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh… nên em đã rất chăm chỉ uống thuốc đúng cữ và tái khám đúng lịch hẹn”.
Tiến tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030
Với BN HIV/AIDS, điều trị ARV cần liên tục và suốt đời. Vì vậy, điều trị ARV thông qua quỹ BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý. BS Nguyễn Hồng Thắm- Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “BN được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị, kết hợp chăm sóc và tự chăm sóc tốt có thể có thời gian sống khỏe mạnh tương đương tuổi thọ của người không nhiễm HIV. Do có thể sống khỏe mạnh dài lâu, BN HIV vẫn có thể lao động bình thường, vẫn có khả năng đóng góp cho gia đình và xã hội. Tuân thủ tốt việc dùng thuốc ARV sẽ giúp đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện. Điều này sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục (K=K)”.
Theo đánh giá của CDC tỉnh, hình thái nhiễm HIV/AIDS; HIV mới vẫn còn tập trung ở nhóm nam nhiều hơn nữ (171 nam và 29 nữ, đa số thuộc độ tuổi từ 25-49 tuổi). Dự báo tình hình lây nhiễm HIV qua đường tình dục đồng giới (MSM) có chiều hướng tiếp tục tăng và tăng hơn nữa trong thời gian tới nếu không thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại trong nhóm người nhiễm mới này và truyền thông kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc CDC tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, mỗi tổ chức, cá nhân vẫn phải chú trọng đến việc tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông cần được tăng cường hơn, góp phần nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới. Bên cạnh đó, các trường hợp nhiễm HIV cần được điều trị ARV, tham gia các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác để từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Tích cực nâng cao ý thức phòng chống HIV/AIDS của cả cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị AIDS, Vĩnh Long đang góp phần khống chế sự lây lan và đạt mục tiêu tiến tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
• Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin