(VLO) Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Long xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Người lao động ở nông thôn cần được trang bị tay nghề, chuyển giao kỹ thuật để sản xuất đạt hiệu quả. |
Ngày 11/9, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân tổ chức khai giảng 3 lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, gồm: “Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản (ốc bươu đen) tại xã Mỹ Thuận (28 học viên), “Kỹ thuật trồng cây ăn quả” tại xã Tân An Thạnh (23 học viên) và lớp “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít” tại xã Thành Trung (28 học viên).
Theo ông Võ Văn Tánh- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân, thông qua lớp đào tạo ngắn hạn này, các LĐ nông thôn có thể tự chăm sóc và hướng dẫn những người xung quanh cách thức chăm sóc ao nuôi và cây trồng để góp phần cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Đại diện UBND các xã có người LĐ nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề cho rằng, với việc mở các lớp nghề đã góp phần định hướng nghề nghiệp cho người LĐ. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trên địa bàn huyện.
Trước đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long khai giảng 2 lớp đào tạo nghề vận hành xe nâng hàng khóa 9, 10 năm 2024 cho 36 học viên thuộc đối tượng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg.
Và đây là 10 khóa đào tạo nghề này mở tại trung tâm từ đầu năm đến nay. Khóa học nhằm tạo điều kiện cho các học viên sau khi hoàn thành có khả năng tìm việc làm, áp dụng kỹ thuật vào các công việc cụ thể của nghề vận hành xe nâng hàng trong công ty, doanh nghiệp phục vụ sản xuất.
Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 9/2015.
Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện nay nhu cầu LĐ có tay nghề vận hành xe nâng hàng cho công ty, doanh nghiệp ngày càng tăng.
Trung tâm tăng cường tuyển sinh, đào tạo ngành nghề này nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng LĐ cũng như mong muốn tìm kiếm việc làm của người LĐ.
Theo Sở Lao động-TB-XH tỉnh Vĩnh Long, 10 tháng qua, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 31.867 người, đạt 89,76% kế hoạch năm nay.
Trong các trình độ đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên chiếm đa số với 28.717 người (bao gồm đã mở 248 lớp đào tạo nghề cho người LĐ theo chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng cho 5.121 học viên, đạt 102,42% kế hoạch).
Các kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp những năm qua đến nay đã góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 71,52%, tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 25,11%.
Anh Nguyễn Toàn (ngụ huyện Tam Bình) trước đây có dự một phiên việc làm. Có nhu cầu học nghề, anh đã được tư vấn tận tình về khóa học nghề cùng các cơ hội việc làm.
“Tôi đã đăng ký học nghề sửa chữa máy may công nghiệp, vì thấy đây là một nghề phù hợp. Tôi mong khi hoàn thành khóa học sẽ tìm việc làm, có thu nhập ổn định”- anh Toàn chia sẻ.
Cùng với tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong đó có đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đạt nhiều hiệu quả, trong các mặt đạt được, việc đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm đã góp phần tăng cường sự gắn kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp, sinh viên và người LĐ trên địa bàn.
Các đơn vị chức năng đã phối hợp tổ chức thành công các hoạt động: hội thảo phát triển thị trường LĐ và kết nối cung- cầu LĐ khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ, ký kết hợp tác trong lĩnh vực LĐ việc làm và giáo dục nghề nghiệp năm 2024, hội nghị kết nối nhân lực giữa tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Niigata nước Nhật Bản góp phần kết nối cung- cầu LĐ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin