Giúp người bệnh tiểu đường đón Tết vui khỏe

06:01, 17/01/2024

Những ngày vui Xuân đón Tết là dịp để sum họp, gặp gỡ người thân, bạn bè. Để có được những ngày Tết yên vui, những người bệnh tiểu đường cần giữ sức khỏe cho bản thân bằng cách ăn uống khoa học, để tránh lượng đường trong máu tăng cao.

 

 

Nếu ăn uống thiếu kiểm soát, nhất là vào dịp Tết thì đường huyết bệnh nhân dễ bị tăng cao.
Nếu ăn uống thiếu kiểm soát, nhất là vào dịp Tết thì đường huyết bệnh nhân dễ bị tăng cao.

Những ngày vui Xuân đón Tết là dịp để sum họp, gặp gỡ người thân, bạn bè. Để có được những ngày Tết yên vui, những người bệnh tiểu đường cần giữ sức khỏe cho bản thân bằng cách ăn uống khoa học, để tránh lượng đường trong máu tăng cao.

Theo các bác sĩ BVĐK tỉnh Vĩnh Long, Tết đến với nhiều loại thức ăn, nước uống chứa nhiều đường, chất béo; giờ giấc dùng bữa xáo trộn khiến người mắc bệnh tiểu đường dễ tăng chỉ số đường huyết.

Hơn ai hết, nhóm bệnh nhân (BN) này cần kiểm soát chế độ ăn nghiêm ngặt trong năm mới để không làm bệnh trầm trọng hơn, hạn chế biến chứng tim mạch, thận, thần kinh...

Theo BS.CK1 Nguyễn Minh Đức- Phó Trưởng Khoa Khám bệnh BVĐK tỉnh, thực tế những năm gần đây, thường sau kỳ nghỉ Tết, khoa tiếp nhận lượng BN đông hơn hẳn so với ngày thường, đặc biệt đối với những BN mắc bệnh mãn tính như tiểu đường.

Khi được hỏi, nhiều BN cho rằng Tết là dịp sum họp nên đôi khi việc ăn uống, thói quen uống- tiêm thuốc bị đảo lộn, thời gian nghỉ kéo dài, không kịp thời đến viện để điều trị. Đáng lưu ý, những trường hợp hôn mê do đường huyết tăng cao ở BN tiểu đường bởi không kiểm soát được chế độ ăn uống.

“Do lối sống, sinh hoạt thay đổi dịp nghỉ Tết, ăn nhiều thực phẩm ngọt, chứa nhiều chất béo, tinh bột, uống nhiều rượu bia. Đáng lưu ý, nhiều người có bệnh mãn tính trở nặng do quên uống thuốc, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ tiểu đường, đột quỵ,…”- BS Minh Đức cho biết.

Làm thế nào để người bệnh tiểu đường có thể vui vẻ đón xuân mà không còn phải đau đáu nỗi lo sợ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam ghi nhận khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường (tiểu đường), trong đó hơn 55% BN gặp biến chứng làm gia tăng chi phí điều trị. Khoảng 70% số ca tiểu đường type II có thể phòng tránh bằng cách thay đổi chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể lực.

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh, trong ngày Tết cổ truyền, tùy vào tình trạng bệnh, người bệnh vẫn có thể thưởng thức những món ngon của ngày Tết.

Tuy nhiên giờ giấc sinh hoạt ngày Tết có nhiều thay đổi so với thường ngày, do đó người bệnh tiểu đường nên cố gắng đảm bảo ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa để hạn chế hạ đường huyết.

Kiểm soát chế độ ăn là một phần rất quan trọng trong việc điều trị bệnh tiểu đường, vì bệnh tiểu đường chỉ có cách kiểm soát duy nhất là chế độ ăn kết hợp với các thuốc hạ đường huyết để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Một điều quan trọng là cần ăn đúng giờ và đủ số bữa mỗi ngày để việc uống thuốc hạ đường huyết hoặc tiêm insulin được duy trì. Một số lưu ý quan trọng người bệnh tiểu đường cần biết.

Đó là hạn chế các loại bánh, mứt, kẹo, đồ uống có gas, trái cây, bánh tét,… chứa nhiều đường và hấp thu nhanh vào máu khiến đường trong máu tăng nhanh sau ăn. Nên hạn chế rượu vì rượu có thể thúc đẩy hạ đường huyết trên BN đang điều trị với thuốc hạ đường huyết.

Thực phẩm giàu năng lượng, chất đạm, chất béo dễ khiến người bệnh rơi vào tình trạng mất kiểm soát mỡ máu, huyết áp. Người thừa cân, béo phì cần hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, chất đạm như giò lụa, thịt kho rệu, thịt gà… Củ kiệu, dưa chua, rất nhiều đường, muối nên hạn chế, có thể ăn một chút cho có hương vị Tết.

“BN tiểu đường nên ăn uống điều độ, đúng giờ. Nếu tụ tập bạn bè ăn uống lại dễ dẫn đến việc ăn quá nhiều, uống quá chén, vì vậy, cần thông báo trước với mọi người rằng bản thân bị bệnh tiểu đường sẽ tránh bị ép ăn uống quá độ. Đồng thời cần duy trì tập thể dục để đảm bảo sức khỏe thật tốt, có được ngày xuân trọn vẹn”- BS Thanh Đức khuyến cáo.

Theo dõi đường máu thường xuyên hơn

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức, người bệnh tiểu đường có nguy cơ tăng đường máu trong những ngày Tết nhiều hơn. Việc theo dõi đường máu sẽ giúp các người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn và liều thuốc phù hợp. Vì vậy, có thể điều chỉnh liều insulin theo hướng dẫn của bác sĩ nếu đường huyết quá cao hoặc quá thấp. Đồng thời trong trường hợp có những bất thường về đường huyết như hạ đường huyết thường xuyên hay đường huyết quá cao hoặc có những triệu chứng bất thường như mệt mỏi, khát nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng; BN cần báo cho bác sĩ hoặc đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh