Ngày 3/12 hàng năm được Liên hiệp quốc chọn là ngày Quốc tế người khuyết tật (NKT) nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự thấu hiểu và đồng hành với NKT. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho NKT, đem lại sức mạnh và niềm tin, giúp NKT có nghị lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Bà Lê Thanh Xuân trao quà hỗ trợ các em khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. |
Ngày 3/12 hàng năm được Liên hiệp quốc chọn là ngày Quốc tế người khuyết tật (NKT) nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự thấu hiểu và đồng hành với NKT. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho NKT, đem lại sức mạnh và niềm tin, giúp NKT có nghị lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Điểm tựa cho trẻ em khuyết tật
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (TP Vĩnh Long) là “ngôi nhà chung” của nhiều trẻ em khuyết tật.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội đã có sự quan tâm, dành những tình cảm chăm sóc, hỗ trợ tận tình, chu đáo đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em kém may mắn bị khuyết tật bẩm sinh đang theo học tại trung tâm. Hàng năm số lượng trẻ học tại trung tâm tiến bộ, ra hòa nhập, đáp ứng được sự mong đợi của phụ huynh học sinh và xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho biết, tại trung tâm hiện nay có 120 trẻ khuyết tật đang theo học với nhiều dạng tật khác nhau như: rối loạn phổ tự kỷ, tăng động, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ, down,...
Tại đây, các em luôn được thầy cô giáo của trung tâm tích cực phối hợp với cha mẹ trẻ, áp dụng đa dạng các phương pháp dạy học đặc thù để giúp trẻ tiến bộ nhanh nhất. Tuy nhiên, có trẻ vẫn chưa thể hòa nhập tại các trường và chưa thể hòa nhập cộng đồng như bạn bè cùng trang lứa vì mức độ khiếm khuyết của trẻ nhiều và trẻ rất cần sự yêu thương, sẻ chia và quan tâm hỗ trợ, chăm sóc của các cấp, các ngành, xã hội.
Hiện nay, trung tâm đã không ngừng nâng cao chất lượng thông qua nhiều hoạt động như tổ chức dạy và hỗ trợ đặc thù cho trẻ, hoạt động trải nghiệm, hỗ trợ kiến thức dạy trẻ khiếm khuyết cho các bậc phụ huynh; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho học sinh có mức phát triển tốt, thúc đẩy khả năng học hòa nhập cho tất cả các trẻ.
“Chỉ cần một hành động nào đó mà giúp trẻ phát triển, dù rất nhỏ, rất khó khăn nhưng tập thể trung tâm quyết liệt làm ngay và làm bằng cả tình yêu thương, trách nhiệm, tâm huyết với nghề”- ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.
Chị Phạm Thị Thanh Hoa (Tiền Giang) đã gửi con trai 6 tuổi đến học ở trung tâm hơn 1 năm. “Thời gian đầu bé ít nói chuyện, rụt rè, không tiếp xúc với người lạ, nhưng sau thời gian theo học ở trường, bé tập nói được nhiều hơn, cởi mở hơn rất nhiều. Thấy các con tiến bộ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người làm cha mẹ”- chị Hoa bộc bạch.
Theo bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập với tâm huyết và tình yêu thương của các thầy cô, sự đồng hành của phụ huynh là điểm tựa để những em nhỏ khuyết tật vươn lên.
Các em có hoàn cảnh đặc biệt nên cần sự quan tâm, chăm sóc, đồng hành đặc biệt của thầy cô, phụ huynh. Mỗi em có thế mạnh riêng nên phải làm sao tìm được thế mạnh đó, để các em phát huy. Cần tiếp tục có sự phối hợp, thu hút sự quan tâm của tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc và thực hiện đề án trợ giúp NKT, nhằm giúp NKT nói chung và trẻ em khuyết tật vươn lên học tập tốt và hòa nhập cộng đồng.
Luôn đồng hành cùng người khuyết tật
Toàn tỉnh hiện có 26.880 NKT (trong đó có 5.685 NKT đặc biệt nặng, 14.185 NKT nặng và 7.010 NKT nhẹ).
Bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, NKT và Bảo trợ xã hội, cho biết: “Ngay từ đầu năm, hội tích cực vận động, đồng thời triển khai tổ chức thực hiện nhiều chương trình trợ giúp thực hiện 3 nhiệm vụ là: góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng; trợ giúp phương tiện sinh hoạt, học tập, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần và trợ giúp chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho những hoàn cảnh khó khăn”.
Hội tổ chức 135 buổi tuyên truyền về chính sách nạn nhân chất độc da cam, Luật NKT, chia sẻ kiến thức về Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,… có 8.771 lượt người tham dự.
Việc tạo điều kiện thích hợp để NKT tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội để họ khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng.
Sau hơn 9 năm triển khai Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho NKT”, mặc dù là một dự án nhỏ nhưng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong năm, hội giới thiệu học nghề và đào tạo nghề 138 lượt, giới thiệu việc làm 247 lượt người; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho 343 hộ, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.
Gia đình chị Trần Thị Hằng (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) rất khó khăn khi cùng lúc cả hai con mắc bệnh hiểm nghèo. Chân tay dần bị co rút ở tuổi lên năm, cả hai cháu đều phải bỏ học giữa chừng. Anh chị lúc nào cũng vất vả, ai thuê gì làm nấy để có tiền chữa bệnh cho con. Gia đình phải bán hết đất đai, tài sản để đi khắp nơi điều trị nhưng bệnh tình của hai cháu vẫn không thuyên giảm.
Chị Hằng chia sẻ: “Các con mắc bệnh, tôi còn bị tai nạn giao thông gãy xương hông vừa mới bình phục. Nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, NKT và Bảo trợ xã hội giúp đỡ xây nhà và các nhà hảo tâm hỗ trợ số vốn để nuôi con, tôi biết ơn lắm”.
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các em được phụ huynh và thầy cô đồng hành, yêu thương. |
Theo bà Lê Thanh Xuân, thời gian tới, các cấp hội đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho những NKT về phương tiện sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần như: trợ cấp thường xuyên tiền, gạo, nhu yếu phẩm giúp NKT đặc biệt nặng; hỗ trợ vốn sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xe lăn, xe lắc, nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch,… để nâng cao chất lượng cuộc sống NKT.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì chương trình tiếp sức đến trường hỗ trợ học sinh khuyết tật, mồ côi và học sinh yếu thế khác như học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập,…
Cả cộng đồng cùng chung tay lắng nghe, thấu hiểu và thể hiện trách nhiệm chăm lo cho NKT, đem lại sức mạnh và niềm tin cho những người yếu thế.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ