Phát triển bền vững đô thị Việt Nam

01:11, 22/11/2023

Các đô thị (ĐT) Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch (QH), xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06).

 

Công tác nâng cấp, phát triển đô thị được các địa phương quan tâm, giúp bộ mặt các đô thị có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác nâng cấp, phát triển đô thị được các địa phương quan tâm, giúp bộ mặt các đô thị có nhiều chuyển biến tích cực.

Các đô thị (ĐT) Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch (QH), xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06).

Để nhanh chóng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06. Hiện các địa phương hoàn thành xây dựng và ban hành chương trình hành động hoặc nghị quyết hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 06.

Bên cạnh việc tổng kết những thành tựu đạt được của phát triển ĐT Việt Nam sau 35 năm đổi mới, Nghị quyết số 06 cũng nêu ra những bất cập trong phát triển ĐT như: chất lượng ĐT hóa chưa cao, phát triển ĐT theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp; kết cấu, chất lượng hạ tầng ĐT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực ĐT; khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại ĐT còn thấp và nhiều bất cập; năng lực quản lý và quản trị ĐT còn yếu, chậm được đổi mới.

Để nhanh chóng đưa Nghị quyết số 06 đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06.

Theo đó, phấn đấu tỷ lệ ĐT hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; số lượng ĐT toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 ĐT, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 ĐT.

Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm ĐT cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp ĐT tương đương mức bình quân của các ĐT thuộc nhóm 4 nước dẫn dầu ASEAN.

Tại hội thảo chuyên đề “QH ĐT hướng tới phát triển ĐT bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững ĐT Việt Nam 2023 mới đây, Vụ trưởng Vụ QH kiến trúc Trần Thu Hằng cho biết, các địa phương tích cực triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực QH ĐT hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững.

Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 ĐT, trong đó có 2 ĐT loại đặc biệt, 22 ĐT loại I, 35 ĐT loại II, 46 ĐT loại III, 94 ĐT loại IV. Tỷ lệ ĐT hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Công tác QH và quản lý thực thi QH ngày càng được nâng cao. Hệ thống ĐT ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đóng góp trên 70% GDP cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác QH cũng còn nhiều bất cập như chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển ĐT hiện nay, đặt ra yêu cầu sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực QH.

Theo ông Đỗ Hậu- Phó Chủ tịch Hội QH phát triển ĐT Việt Nam, cùng với các ĐT trên toàn thế giới, hệ thống ĐT Việt Nam đang phát triển theo xu hướng ĐT bền vững. ĐT phát triển bền vững đảm bảo và nâng cao chất lượng sống của con người về mặt kinh tế, xã hội và môi trường cho hôm nay cùng thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cụ thể tồn tại trong công tác QH như: dự báo phát triển không chính xác; dân số ĐT thường vượt xa dân số dự báo dẫn đến khó khăn chính về vấn đề nhà ở và dịch vụ xã hội. Sự mở rộng các khu vực kinh tế ĐT làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống giao thông cấp nước, cấp điện…

Sự mất cân đối của việc cung cấp hệ thống hạ tầng xã hội/cộng đồng khi phải phục vụ cho lượng dân cư tăng lên; sự mở rộng không gian quá mức của ĐT lấn chiếm vào các khu cây xanh, đất nông nghiệp ở khu vực ranh giới ĐT, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng chính quyền ĐT tăng cường quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực cho sự nghiệp phát triển ĐT, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng ĐT song song với quá trình ĐT hóa, phát huy nội lực và động lực ĐT của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế- xã hội.

Bên cạnh, cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển ĐT chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển ĐT, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển ĐT trọng điểm.

Các tổ chức, cộng đồng dân cư tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển ĐT. Bộ Xây dựng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện các chương trình hành động phát triển ĐT.

Tại Vĩnh Long, công tác phát triển ĐT đặc biệt được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo nên bộ mặt ĐT của tỉnh đã có nhiều thay đổi đáng kể, các ĐT cơ bản phát triển đúng theo định hướng của QH chung ĐT được duyệt. Công tác rà soát, điều chỉnh QH xây dựng, quản lý QH kiến trúc ĐT và công tác nâng cấp, phát triển ĐT được các địa phương quan tâm thực hiện, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển, làm cơ sở kêu gọi đầu tư, bộ mặt các ĐT có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường sống từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ ĐT hóa ở Vĩnh Long tăng dần qua từng năm. Toàn tỉnh hiện có 8 ĐT gồm: 1 ĐT loại II (TP Vĩnh Long), 1 ĐT loại III (TX Bình Minh) và 6 ĐT loại V.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh