"Đò đưa" chở nặng ân tình!

05:11, 21/11/2023

Những ngày qua, không khí ngày Nhà giáo Việt Nam rộn ràng, từ những ngôi trường lớn nhỏ; từ thành thị, thôn quê đến những trang mạng xã hội tràn ngập cảm xúc, sắc màu. Hòa chung niềm hân hoan đó, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của quý thầy cô giáo về niềm vui, trăn trở, tâm huyết và mong muốn trong sự nghiệp trồng người.
 

 

20/11 là dịp học sinh bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô.
20/11 là dịp học sinh bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô.
Những ngày qua, không khí ngày Nhà giáo Việt Nam rộn ràng, từ những ngôi trường lớn nhỏ; từ thành thị, thôn quê đến những trang mạng xã hội tràn ngập cảm xúc, sắc màu. Hòa chung niềm hân hoan đó, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của quý thầy cô giáo về niềm vui, trăn trở, tâm huyết và mong muốn trong sự nghiệp trồng người.
 
Niềm vui
 
Mỗi trường học trong tỉnh tùy vào điều kiện tổ chức chương trình, hoạt động ngày Nhà giáo Việt Nam khác nhau, trên tinh thần chung là ấm áp, nhẹ nhàng nhưng không vì vậy mà kém phần trang trọng.
 
Trong niềm hân hoan ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trường Tiểu học Lộc Hòa A (Long Hồ) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, từ năm 2011-2021”. Đó là kết quả phấn đấu nỗ lực không ngừng, 10 năm học liên tiếp, Trường Tiểu học Lộc Hòa A luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
 
Hiện nay, Trường Tiểu học Lộc Hòa A đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đang chuẩn bị kiểm tra tái công nhận chuẩn. Cô Nguyễn Thị Ngọc Nương- Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ:
 
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững và phát huy thành tích đạt được; mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học, sáng tạo, hỗ trợ đồng nghiệp cùng đổi mới chương trình dạy học mới. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường ứng dụng công nghệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
 
Trong khi đó, các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh gửi đến thầy cô lời chúc mừng qua chương trình văn nghệ trong buổi họp mặt, mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ. Bên cạnh chương trình văn nghệ chung, tập thể lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã cùng nhau làm hoa giấy tặng cho các thầy cô.
 
Những bông hoa chưa đều tay, chưa đẹp như ý nhưng chứa đựng sự chân thành. Em Thạch Nguyễn Phương Hà Giao- học sinh lớp 12A, khoe: “Tụi em làm hoa giấy, rồi hùn đặt 1 bánh kem để chiều 20/11 có tiết sinh hoạt chủ nhiệm cả lớp chung vui với cô”.
 
Với Giao, thầy cô ở trường này như những người cha, người mẹ thứ hai đã gắn bó, sẻ chia và chăm sóc Giao và các bạn gần 3 năm nay.
 
“Dù ngày hay đêm, chúng em bệnh, thầy cô thay cha mẹ chăm sóc thuốc thang, chở đi khám bệnh; chúng em không hiểu bài thì được thầy cô giảng dạy thêm; chúng em ăn không ngon, ăn ít hay nét mặt u buồn liền được thầy cô hỏi han, tâm sự, chia sẻ. Được học trong ngôi trường này, được thầy cô dạy bảo là những kỷ niệm sâu sắc cả cuộc đời chúng em không bao giờ quên được”- Giao trải lòng.
 
Em Nguyễn Huy Hoàng- học sinh Trường THPT Bình Minh (TX Bình Minh), chia sẻ: “Thầy cô luôn là những người đáng kính nhất đối với chúng em. Đôi khi chúng em chưa ngoan, thậm chí không chịu nghe lời, nhưng thầy cô luôn quan tâm chúng em.
 
Nhân dịp 20/11, em xin gửi những lời chúc chân thành đến quý thầy cô đã từng giảng dạy em và những thầy cô trong trường thật nhiều niềm vui và luôn hạnh phúc”.
 
Mỗi học sinh cũng có cách riêng thể hiện lòng biết ơn đến thầy cô. Học sinh tiểu học dậy sớm, nhịn tiền quà vặt để kịp chọn những bông hồng tươi nhất tặng thầy cô; học sinh lớn hơn thì tự tổ chức những buổi họp mặt ấm áp, chân tình.
 
Cựu học sinh thì gửi những tin nhắn biết ơn,... nhưng tất cả đều xuất phát từ lòng tri ân, sự trân quý của trò dành cho thầy. Từ đó, trở thành động lực để những người thầy vững bước hơn trong sự nghiệp giáo dục- đào tạo.
 
Tình yêu và trăn trở với nghề
 
Song song với những niềm vui, nhà giáo cũng còn những băn khoăn, trăn trở với nghề, với cuộc sống. Thầy cô nào cũng mong muốn mình được dạy những học trò ngoan, vì học trò ngoan giỏi thì thuận lợi hơn nhiều; do đó, khi gắn bó giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo viên cần có nhiều tâm quyết, nỗ lực hơn.
 
Cô Nguyễn Thị Thu Ngân- giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX huyện Bình Tân, có hơn 10 năm trong nghề, có nhiều trăn trở, khát vọng: “Chúng tôi luôn cố gắng khơi dậy được khát vọng sống đẹp của các bạn học sinh, tạo niềm tin cho các em tự tin với chính mình, có hành trang bước vào đời, đó là niềm vinh dự tự hào của chúng tôi”.
 
Sự nỗ lực của tập thể sư phạm đã giúp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX huyện Bình Tân dần nâng chất lượng giáo dục, thể hiện qua tỷ lệ học viên tốt nghiệp gần tiệm cận các trường THPT.
 
Dẫu vậy, cô Ngân cũng như các thầy cô ở trung tâm vẫn còn nhiều băn khoăn. Cô Ngân cho biết: “Hy vọng quý phụ huynh, xã hội hãy thấu hiểu, chia sẻ hơn với giáo viên dạy GDTX. Chúng tôi cũng là những giáo viên được đào tạo cũng từ các trường ĐH, cũng đang công tác với tâm huyết của những người yêu nghề, cống hiến niềm tin của mình cho xã hội, mong muốn góp phần giàu đẹp cho đất nước này.
 
Chúng tôi cũng mong rằng sẽ nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn bằng cơ chế chính sách riêng, để ổn định cuộc sống, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt sự nghiệp trồng người”.
Những món quà “hand made” được nhiều học sinh thực hiện tri ân thầy cô.
Những món quà “hand made” được nhiều học sinh thực hiện tri ân thầy cô.
Nghề dạy học cũng là nghề không ngừng học, mỗi cấp học có những khó khăn riêng mà chỉ những người trong nghề mới dễ dàng thấu cảm.
 
Thầy Nguyễn Văn Hòa- giáo viên Trường Tiểu học Thiện Mỹ A (Trà Ôn), gửi gắm: “Tôi muốn tất cả những đồng nghiệp cũng như chính quyền địa phương có sự quan tâm nhiều hơn đối với thế hệ trẻ, nhằm giáo dục cho các em nên người”. 37 năm gắn bó với nghề, qua rất nhiều chương trình giáo dục, bao thế hệ học trò, thầy Hòa vui, vinh dự với nghề nhưng vẫn còn trăn trở.
 
Thầy Hòa nói thêm: “Tôi xem trên tin tức báo đài, tôi rất buồn với những hành vi bạo lực học đường cũng như một số giáo viên còn bị suy thoái về đạo đức; cho nên tôi mong được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo để các em sẽ được tốt hơn. Đồng thời, nghề giáo mãi xứng đáng là nghề cao quý nhất.
 
Bản thân tôi cũng cố gắng phấn đấu làm những điều tốt, hay hơn nữa để làm gương cho các em. Với học sinh, thầy mong các em cố gắng phấn đấu nhiều hơn trong học tập, rèn luyện về đạo đức tác phong để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi”- thầy Hòa nhắn nhủ.
 
Cùng với sự tin yêu của bao thế hệ học trò, của toàn xã hội, ngày Nhà giáo Việt Nam ấm áp, chân tình sẽ là động lực, niềm tin cho những người thầy vững bước hơn với sự nghiệp “trồng người”.
 
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh