Tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả mô hình "Cổng trường ATGT". Qua đó, nhằm giúp học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông, kéo giảm tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông (TNGT).
(VLO) Tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả mô hình “Cổng trường ATGT”. Qua đó, nhằm giúp học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông, kéo giảm tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Đội tự quản trực trước cổng trường giờ tan học. |
TNGT với học sinh khá cao
Hiện nay, tình hình TNGT diễn biến phức tạp với nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người; trong đó, đau lòng nhất là những vụ đối với học sinh.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% so toàn quốc).
Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi, làm chết 378 người, bị thương 658 người. Nguyên nhân TNGT do đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ...
Tại hội nghị về công tác đảm bảo ATGT cho học sinh vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia- Trần Lưu Quang nhấn mạnh, học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, vì vậy cần được giáo dục và bảo vệ thật tốt.
Qua đó, các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, đồng thời cần tổ chức và nhân rộng các mô hình thiết thực để tạo chuyển biến mạnh mẽ bảo đảm ATGT cho học sinh.
Theo Ủy ban ATGT, tháng 9 năm nay tiếp tục triển khai: “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”.
Theo đó, đã ban hành Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường phối hợp giữa lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về ATGT.
Cổng trường ATGT
Tại Vĩnh Long, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phối hợp với các trường đại học, phổ thông nằm trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Học sinh sang đường từng nhóm và đúng nơi quy định. |
Để thành lập mô hình này, lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức các đợt tuyên truyền giúp cho học sinh nắm được một số quy định Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đặc biệt là các kỹ năng lái xe đúng quy tắc giao thông, cách phán đoán tình huống giao thông để phòng tránh tai nạn.
Qua công tác tuyên truyền cũng nhắc nhở cha mẹ học sinh không giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện lái xe; luôn nhắc nhở con em khi tham gia giao thông đúng quy tắc, không đùa giỡn trên đường khi tham giao thông…
Tại một số trường, cũng đã thành lập Đội tự quản tham gia điều tiết giao thông khu vực cổng trường giờ cao điểm; ghi nhận những trường hợp học sinh vi phạm để báo lại cho nhà trường xử lý. Đồng thời nhắc nhở phụ huynh dừng đậu xe không lấn lòng đường và khu vực cổng trường.
Nằm trên trục có mật độ phương tiện giao thông cao, việc xây dựng “Cổng trường ATGT” tại Trường THPH Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) là rất phù hợp và tạo được sự chuyển biến nhận thức về ATGT của học sinh.
Thầy Tăng Xuân Khánh- Phó Hiệu trưởng Trường THPH Nguyễn Thông cho biết, vào những buổi sinh hoạt sáng đầu tuần hay trong thời gian giải lao, nhà trường thường phát loa tuyên truyền những nội dung ATGT.
Giờ tan học, Đội tự quản nhà trường trực tại cổng để nhắc nhở học sinh sang đường trật tự; phụ huynh đưa rước con em, dừng đỗ xe không lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông.
“Đặc biệt, để tránh giờ cao điểm trùng với giờ tan ca của người lao động, giờ tan trường, nhà trường tổ chức thay đổi giờ tan học buổi chiều sớm hơn lịch học bình thường 30 phút.”- thầy Tăng Xuân Khánh cho biết thêm.
Theo anh Nguyễn Quốc Nguyên (nhà đối diện Trường THPH Nguyễn Thông): “Năm học này, nhà trường quản lý, giáo dục học sinh ý thức tham gia giao thông có sự chuyển biến rõ nét. Các em học sinh sang đường đúng nơi quy định. Giờ tan trường cũng trật tự hơn. Có thể nói, ý thức về ATGT của các em đã cao hơn trước!”.
Cổng trường ATGT trở thành nét đẹp văn hóa mỗi người tham gia giao thông vì mình và vì cộng đồng. Qua đó, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Đồng thời, giúp sớm hình thành ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường- mô hình rất cần nhân rộng trong thời gian tới.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU