Bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ

05:11, 21/11/2023

Bắt đầu từ năm 2016, Tháng hành động Vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai từ ngày 15/11-15/12 hàng năm.

 

 

Hội thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới” truyền tải thông điệp về pháp luật bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.
Hội thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới” truyền tải thông điệp về pháp luật bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Bắt đầu từ năm 2016, Tháng hành động Vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai từ ngày 15/11-15/12 hàng năm.

Năm nay, tháng hành động có chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Tháng hành động đã góp phần mạnh mẽ trong việc thu hút sự quan tâm và tham gia của Nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BĐG.

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái

Trong cuộc sống hiện đại, xã hội có xu hướng tiến đến việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Xu thế này đã được Đảng và Nhà nước ta sớm nắm bắt và xây dựng các quy định pháp luật, cụ thể là ban hành Luật BĐG năm 2006.

Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 chiến lược quốc gia về BĐG với 2 giai đoạn: 2011-2020 và 2021-2030. Mục tiêu chính của 2 giai đoạn này bước đầu là cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Tiếp theo là thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- Nguyễn Thị Kim Anh, BĐG có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh, biến đổi khí hậu... tác động đến đời sống và phụ nữ, trẻ em gái là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và BĐG tại tỉnh Vĩnh Long luôn được quan tâm thể hiện qua việc các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình quốc gia về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ vào nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Các cấp luôn quan tâm trong việc bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, chú trọng việc phát hiện đội ngũ cán bộ nữ trẻ có năng lực. Tăng cường công tác tuyên truyền về BĐG, nâng cao nhận thức về giới góp phần xóa bỏ các định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ.

Tại huyện Long Hồ, ông Nguyễn Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, huyện đẩy mạnh công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực trong công tác an sinh xã hội, tạo cơ hội hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ.

Địa phương quan tâm xây dựng các chương trình, mô hình sinh hoạt về BĐG, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia, qua đó hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực, phụ nữ và trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới

Vừa qua, hưởng ứng Tháng hành động Vì BĐG, Hội thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về BĐG” được tổ chức. Những tiểu phẩm có nội dung gần gũi, gửi gắm thông điệp về pháp luật BĐG và phòng chống bạo lực gia đình.

Tham gia tiểu phẩm “Dù gái hay trai chỉ 2 là đủ”, anh Nguyễn Hoàng Diệu (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho biết: “Trong thời đại ngày nay, nam nữ bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực. Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Dù con là trai hay gái cũng phải yêu thương chẳng phân biệt gì cả.

Gia đình hạnh phúc khi các thành viên yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, cha mẹ không thể áp đặt mà phải là một người bạn cùng con trưởng thành”.

Chị Nguyễn Quyên Bình (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) thì cho biết, địa phương đã thành lập CLB BĐG, thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ các chị em. Tổ hòa giải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các gia đình, khi có lời to tiếng, cãi vã, địa phương đến tuyên truyền, hòa giải để các gia đình hướng đến hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, thời gian tới, Hội LHPN tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng những nội dung cụ thể, dễ tiếp nhận để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG, góp phần xóa bỏ định kiến, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Phối hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại.

Về lâu dài, có kế hoạch đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nữ, tạo cơ hội cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vươn lên. Bên cạnh đó, tìm mọi giải pháp để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Ngày nay nam và nữ có vị trí ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình.
Ngày nay nam và nữ có vị trí ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình.

Phát biểu tại buổi lễ phát động Tháng hành động Vì BĐG 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động-TB-XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông về BĐG.

Để giải quyết bất BĐG ở Việt Nam, bên cạnh luật pháp, chính sách, chương trình để bảo đảm an sinh xã hội thì công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện BĐG thực chất. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và mỗi người dân cùng cam kết, tham gia và có các hành động cụ thể thiết thực, hiệu quả đối với công tác BĐG, vì sự phát triển và phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh