Gắn với phong trào thi đua "Tuổi cao, gương sáng", hội viên người cao tuổi (NCT) trong tỉnh không chỉ gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương mà còn tích cực tham gia phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Qua đó, ngày càng có nhiều NCT tiêu biểu lao động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, là gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.
Nhiều người cao tuổi làm kinh tế giỏi, là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Khen thưởng người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi. |
(VLO) Gắn với phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”, hội viên người cao tuổi (NCT) trong tỉnh không chỉ gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương mà còn tích cực tham gia phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Qua đó, ngày càng có nhiều NCT tiêu biểu lao động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, là gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.
Thi đua làm kinh tế giỏi
Thời gian qua, phong trào NCT làm kinh tế giỏi đã phát huy được tinh thần, ý chí của NCT; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của các cụ trong việc giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng; xứng đáng là tấm gương sáng “tuổi cao chí càng cao”.
Với tâm niệm còn sức khỏe là còn lao động, sản xuất, nhiều NCT đã không ngừng nỗ lực, miệt mài lao động mang lại của cải cho gia đình và xã hội.
Dù đã ở tuổi gần 80, nhưng nhờ tính siêng năng, cần cù, ham học hỏi nên ông Bùi Văn Bưng (xã Tân Lược, huyện Bình Tân) là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Với mô hình sản xuất nông nghiệp, sản xuất bao bì, nước uống đóng chai đã giúp ông Bưng thu nhập bình quân hàng tỷ đồng/năm; đã và đang là tấm gương sáng về nỗ lực làm kinh tế để con cháu và bạn bè noi theo.
Ông Bưng cho hay: “Năm nay, tôi đã gần 80 rồi. Mà hễ còn sức khỏe thì mình vẫn lao động, sản xuất, cho con cháu nó học hỏi để nó làm theo”.
Bằng vốn tri thức và kinh nghiệm tích lũy được, các cụ đã tích cực tham gia lao động, sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Với chú Trần Duy Linh (Phường 1, TP Vĩnh Long), sau những tháng ngày làm nghề và học hỏi thêm những kinh nghiệm trong cuộc sống, cách làm hay, làm tốt,…
Cơ sở sản xuất Hải Ký đã cho ra những sản phẩm bánh trung thu và các loại bánh ngọt mẫu mã đẹp, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Nhờ đó, cơ sở sản xuất của gia đình ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong 5 năm qua với doanh thu đạt khoảng 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, “cơ sở đã giải quyết được việc làm cho 20 công nhân lao động với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng/lao động”- chú Linh chia sẻ.
San sẻ yêu thương
Không chỉ phát huy trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm để làm kinh tế giỏi và nuôi dạy con cháu thảo hiền, NCT còn tích cực tham gia tốt các hoạt động ở địa phương; góp phần phát huy vai trò “cây cao bóng cả”, lan tỏa yêu thương.
Theo Hội NCT TX Bình Minh, thị xã có hơn 6.200 NCT trực tiếp tham gia lao động sản xuất với nhiều mô hình khác nhau, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các cụ đã xây dựng nhiều mô hình vườn cây ăn trái, xen canh; chăn nuôi…
Qua đó, với trên 400 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi có thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng trở lên đã góp phần giải quyết việc làm cho 210 lao động địa phương. Còn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã thu hút trên 100 NCT tham gia.
Ông Lê Văn Tám (ấp Thuận Tiến A, xã Thuận An) cười hiền: “Tôi cũng lớn tuổi rồi nhưng tôi cũng rất cố gắng làm thêm nhiều công việc để giúp đỡ trước là cho con cháu, sau cũng góp phần cho xã hội”.
Từ lợi nhuận của cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Tám đã đóng góp an sinh xã hội địa phương trên 150 triệu đồng.
Còn theo chia sẻ của cô Đặng Thị Hồng (Phường 4, TP Vĩnh Long), bản thân là hội viên NCT, xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo đi lên nên cô rất cảm thông và góp sức giúp đỡ hộ nghèo, người tàn tật, neo đơn...
“Tuy số tiền không lớn so với hoàn cảnh khó khăn của bà con nhưng chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi cuộc sống khó khăn của bà con được vơi đi phần nào”- cô Hồng chia sẻ.
Với tấm lòng và những việc làm thiết thực, trong những năm qua, cô Hồng cùng gia đình đã đóng góp trên 500 triệu đồng thực hiện an sinh xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ- Chủ tịch Hội NCT tỉnh, cho biết: “Phong trào NCT làm kinh tế giỏi đã thu hút khá đông NCT còn điều kiện lao động sản xuất tham gia làm kinh tế. Theo đó, có nhiều cụ làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và phần lớn làm nòng cốt cho con cháu trong lao động sản xuất”.
Qua phong trào đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế ở địa phương; nhất là làm nòng cốt trong đóng góp xây dựng NTM và đô thị văn minh. Thời gian tới, tỉnh hội tiếp tục triển khai sâu rộng hơn nữa phong trào đến cơ sở và nhân rộng những mô hình có hiệu quả.
Theo Hội NCT tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 26.000 NCT đăng ký thi đua làm kinh tế giỏi; qua bình xét có 6.628 cụ đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi các cấp. Qua 5 năm, những mô hình làm kinh tế giỏi của NCT trong tỉnh đạt tổng doanh thu trên 11.300 tỷ đồng; tổng lợi nhuận 1.200 tỷ. Từ đó, các cụ tham gia hỗ trợ an sinh xã hội 8,5 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin