Bằng các giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, cơ quan chức năng đã kết nối nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động với nhu cầu tìm việc của người lao động. Mục tiêu đảm bảo yêu cầu cung cầu lao động- việc làm.
Người lao động phổ thông này đăng ký tìm công việc giúp việc nhà. |
(VLO) Bằng các giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, cơ quan chức năng đã kết nối nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động với nhu cầu tìm việc của người lao động. Mục tiêu đảm bảo yêu cầu cung cầu lao động- việc làm.
Lao động Văn Thanh Nhi (SN 2000, quê huyện Tam Bình) có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Cách đây hơn một tháng, Thanh Nhi đến dự phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm để tìm hiểu thông tin với “mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc” (đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng).
Theo ghi nhận, nhu cầu xuất khẩu lao động của người lao động trẻ hiện nay cao, hướng tới các thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu của tỉnh là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Ghi nhận ở một góc khác, lao động Lê Thị Kiều Trang (SN 1998) làm công nhân 3 năm thì nghỉ việc vì lý do gia đình và hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tham dự các hoạt động kết nối việc làm định kỳ, Kiều Trang muốn quay trở lại thị trường lao động sau thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, để có thu nhập ổn định
cuộc sống.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Em (SN 1969) có nhu cầu tìm việc làm. Giữa tháng 2, bà Tuyết Em lên chi nhánh Hòa Phú của Trung tâm Dịch vụ việc làm để kết nối tìm việc. “Tuổi này, tui định chắc xin đi giúp việc nhà”, bà Tuyết Em nói.
Cán bộ của trung tâm tiếp nhận các thông tin nhu cầu tìm việc này và sẽ liên hệ báo cho người lao động với khả năng tìm được việc.
Đây là một số nhu cầu người lao động địa phương tìm công việc từ lao động phổ thông tại tỉnh tới ngoài nước và đa số được trung tâm tư vấn giới thiệu, giải quyết việc làm.
Trong khi đó, cơ quan chức năng dự báo năm nay nhu cầu tuyển dụng của các công ty trong các khu công nghiệp tại tỉnh hơn 5.000 người, chủ yếu là lao động phổ thông, ngành nghề may mặc, linh kiện điện tử. Đầu việc được cho có nhiều và đây là cơ hội để những người lao động tự do, phổ thông tìm việc.
Trong 9 năm (2014-2022), tỉnh Vĩnh Long giải quyết việc làm cho gần 245.000 người lao động, năm nhiều nhất là 2022 với 28.959 người, số này tương đương các năm 2014 (28.648 người), 2015 (28.530 người).
Các năm từ 2016-2021, hàng năm tỉnh giải quyết việc làm mới cho từ hơn 23.000 tới gần 28.000 người lao động. Trong kết quả này đã gồm đưa gần 9.000 người lao động đi xuất khẩu lao động.
Theo đánh giá, công tác này đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Trên cơ sở này, ngành có chức năng xác định đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối thông tin thị trường lao động, việc làm.
Trong đó, chú trọng tổ chức phối hợp các đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng phổ biến đầy đủ các chính sách đến tất cả người dân trong độ tuổi lao động chưa có việc làm và kể cả người lao động đã có việc làm nhưng không bền vững, thu nhập không ổn định...
Mặt khác, ngành chức năng và các địa phương tập trung khai thác có hiệu quả các chính sách, đề án đã được tỉnh ban hành như: cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khai thác sử dụng lực lượng lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài trở về (tổng hợp danh sách người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dự kiến trở về nước năm 2023 là hơn 1.000 người); cho vay giải quyết việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng COVID-19.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin