Các nghề: vận hành xe nâng hàng, may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may công nghiệp, cơ khí hàn, lái xe, đan đát... được các đơn vị chức năng tổ chức đào tạo cho người lao động nông thôn, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động cộng đồng.
Học viên học nghề cơ khí hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. |
(VLO) Các nghề: vận hành xe nâng hàng, may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may công nghiệp, cơ khí hàn, lái xe, đan đát... được các đơn vị chức năng tổ chức đào tạo cho người lao động nông thôn, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động cộng đồng.
Ngày 4/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (Sở Lao động-TB-XH) khai giảng khóa đào tạo nghề vận hành xe nâng hàng gồm 3 lớp với 54 học viên (18 học viên/lớp) là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động trong cộng đồng.
Khóa học tổ chức theo đề án hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Khóa học trong 2,5 tháng, học viên được trang bị kiến thức kỹ thuật vận hành xe nâng hàng, cấu tạo và bảo dưỡng xe nâng hàng, ký hiệu hàng hóa, an toàn lao động...
Kết thúc khóa học, học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ nghề, tạo điều kiện cho học viên tìm kiếm được việc làm đúng chuyên môn tay nghề đã học và có thu nhập ổn định.
Nguyễn Thành Vinh (21 tuổi, ngụ huyện Mang Thít) cho biết bản thân thích học nghề vận hành xe nâng hàng nhưng chưa có điều kiện để tham gia. Qua Facebook của trung tâm, Vinh biết có lớp nghề dành cho lao động nông thôn miễn phí này nên đăng ký học ngay.
“Em tin sau khóa học sẽ có cơ hội tốt tìm được việc làm”. Cao Văn Hiền (29 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hôm giữa tháng 3, anh Hiền dự một phiên giao dịch việc làm và sau khi được tư vấn đã tham gia học nghề. “Tôi chọn học nghề lái xe hạng B2, làm cơ sở để tìm kiếm công việc sắp tới”, anh Hiền nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, đơn vị thường xuyên mở các lớp nghề như đã nêu cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động trong cộng đồng.
Công tác này không chỉ đáp ứng nhu cầu học nghề, tìm việc của người lao động, mà còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương nguồn lao động có trình độ tay nghề.
Tới đây, trung tâm tiếp tục tuyển sinh đào tạo các nghề: cơ khí hàn, cắt gọt kim loại, may công nghiệp, sửa chữa máy may công nghiệp, vận hành xe nâng hàng... cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo.
Mục tiêu nhằm đào tạo người lao động có tay nghề và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo và thích ứng với môi trường làm việc, có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Theo Sở Lao động-TB-XH, quý I, toàn tỉnh đã tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 4.244 người; trong đó trình độ trung cấp 148 người, sơ cấp 182 người, đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên 3.914 người (gồm tổ chức 26 lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho 625 học viên là lao động nông thôn).
Công tác này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 60,58%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 20,62%.
Trong quý đầu năm, ngành chức năng cho biết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực tuyên truyền, vận động, khảo sát nhu cầu, tổ chức mở lớp đào tạo nghề cho người lao động.
Đồng thời, toàn tỉnh tạo thêm việc làm mới cho 5.033 lao động, trong đó đưa 363 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra, ngành chức năng sẽ tăng cường truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gắn với giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; trong đó tập trung vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Minh Thái
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin