Trong công tác quản lý, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội và hoạt động hướng về đối tượng yếu thế trong cộng đồng, có thể thấy nghề công tác xã hội (CTXH) và người làm nghề CTXH đã không quản ngại khó khăn vất vả tô tròn chữ "tâm" của mình, cho nghề.
Học sinh hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng được trao học bổng tại dịp kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 năm nay. |
(VLO) Trong công tác quản lý, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội và hoạt động hướng về đối tượng yếu thế trong cộng đồng, có thể thấy nghề công tác xã hội (CTXH) và người làm nghề CTXH đã không quản ngại khó khăn vất vả tô tròn chữ “tâm” của mình, cho nghề. Ở đó luôn có sự gắn kết chặt chẽ, đồng cảm, sẻ chia từ các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm.
Người bệnh Nguyễn Văn Sơn với sản phẩm đan móc của mình, bên biểu tượng khuôn mặt cười in kèm, có ghi: “Hãy cười nhiều hơn. Cười bất cứ khi nào thấy thích, thấy vui, bất cứ khi nào có thể”.
Tương tự, với người bệnh Nguyễn Thị Duyên: “Liều thuốc tốt nhất bạn cần là nụ cười”. Còn với người bệnh Thạch Thị Thôi, cũng trên sản phẩm đan móc ấy, không ghi lời giới thiệu mà chỉ “thả nụ cười tim”...
Các người bệnh này đang được quản lý, chăm sóc ở Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần (cơ sở 3) thuộc Trung tâm CTXH tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động-TB-XH).
Sản phẩm họ được hướng dẫn và tự tay làm thuần thục nhiều năm qua, đã được đem trưng bày nhân dịp kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam 25/3 vừa qua.
Tiếp nhận lời nhắn gửi này, hầu hết cán bộ, nhân viên làm CTXH thấy vui và được tiếp thêm nguồn động lực.
Bởi, tinh thần lạc quan từ các bệnh nhân này đã thể hiện trên sản phẩm làm ra đầy ý nghĩa đó. Đó cũng là kết quả của quá trình tận tâm, hết lòng của đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện công tác quản lý, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội trong những năm qua.
Trung tâm CTXH tỉnh hiện đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 270 đối tượng ở 4 cơ sở, gồm các đối tượng bảo trợ xã hội và triển khai loại hình dịch vụ cho một số đối tượng theo nhu cầu.
Theo bà Trương Thị Ngọc Yến- Phó Giám đốc Trung tâm CTXH, đầu năm đến nay trung tâm đón tiếp 354 lượt đoàn, cá nhân đến thăm, tặng quà các đối tượng với tổng giá trị hơn 1,7 tỷ đồng.
Đồng thời, trung tâm kết nối vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ nguồn lực trợ giúp người yếu thế ở cộng đồng hơn 137 triệu đồng.
Một sản phẩm của đối tượng bảo trợ xã hội (người bệnh tâm thần tại Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần) động viên những người làm nghề công tác xã hội. |
Tại dịp họp mặt kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam năm 2023, Trung tâm CTXH cho biết, Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long đã đồng cảm và chia sẻ phần nào sự tận tâm của cán bộ, nhân viên, người lao động cho công việc ý nghĩa tại trung tâm.
Theo Trung tâm CTXH, công ty sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt 500.000 đồng/tháng/nhân viên (từ tháng 3-12/2023) cho 75 nhân viên trung tâm, nhằm động viên, khích lệ tinh thần. Đối với an sinh xã hội, công ty vẫn tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cho đối tượng tại trung tâm.
Theo ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh, trong nhiều năm qua, định kỳ hàng tháng, công ty đã hỗ trợ tặng các nhu yếu phẩm để trung tâm có thêm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; trao tặng quà dịp lễ, Tết cho các cụ và các cháu tại trung tâm... Giá trị hỗ trợ cho các hoạt động này trên 200 triệu đồng/năm.
“Sự chung tay hỗ trợ về mặt tinh thần cùng những đóng góp về vật chất này là nguồn động viên to lớn để những người làm CTXH làm tròn chữ “tâm” với nghề, giúp các đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, ông Võ Văn Tấn Hùng nói và cho rằng trên tinh thần đó: Một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt đối với người làm CTXH là thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Đồng thời kết nối, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ những người đang được nuôi dưỡng tại trung tâm và cộng đồng.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin