Thầm lặng, tận hiến cho hành trình cao cả

05:03, 25/03/2023

Nghề công tác xã hội (CTXH) nghe thật… mông lung và khá bao trùm bởi nó "dính líu" tới rất nhiều vấn đề nóng của xã hội cần phát hiện sớm, can thiệp sớm; cần hỗ trợ người dân, cộng đồng đặc biệt những đối tượng yếu thế có thể hòa nhập, tái hòa nhập với gia đình, xã hội.

Anh Lê Thanh Vũ- trong buổi tư vấn cho các học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Lê Thanh Vũ- trong buổi tư vấn cho các học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

(VLO) Nghề công tác xã hội (CTXH) nghe thật… mông lung và khá bao trùm bởi nó “dính líu” tới rất nhiều vấn đề nóng của xã hội cần phát hiện sớm, can thiệp sớm; cần hỗ trợ người dân, cộng đồng đặc biệt những đối tượng yếu thế có thể hòa nhập, tái hòa nhập với gia đình, xã hội.

Tiếp cận với nhóm công việc cụ thể, với những con người cụ thể, cũng khó lòng hiểu hết, nắm bắt hết bản chất và những khó khăn gắn với nhiều công việc thầm lặng, không tên.

Trở lại với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, lại những câu chuyện cũ nhưng một góc nhìn mới, sâu thẳm hơn vào tận những góc khuất tâm hồn, những cuộc sẻ chia đầy đặn hơn và nó… đời hơn.

“Nợ với cai nghiện ma túy, duyên với CTXH”

Anh lặp đi, lặp lại câu nói đó để mở đầu câu chuyện; ngầm hiểu như sự xác tín về “duyên nghiệp” cuộc đời mình với công việc hỗ trợ người cai nghiện, cũng bao hàm một nhân sinh quan sống hơn là nói về một nghề chỉ đơn giản “làm công ăn lương”.

Nhưng phải gặp lần thứ hai, riêng tư hơn anh mới chịu “mở miệng” để có thể… mở lòng. Qua đó, tôi hiểu rằng nghề nào cũng cao quý, cũng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, nhưng nếu không có dũng khí, đức hy sinh, lòng nhẫn nại và trái tim nhân ái, sẽ khó lòng gắn đời mình với công việc chẳng mấy “sáng sủa” này.

Tôi muốn nhắc đến anh Lê Thanh Vũ (SN 1976), người đã gắn bó với Cơ sở cai nghiện ma túy này tròm trèm 20 năm rồi.

Gốc là dân kế toán “khô khan”, ra trường xin làm đúng nghề ở kho bạc, rồi ra làm tư lăn lộn đủ việc cho các hãng nước đá tư nhân.

Khi lập gia đình, vợ cũng dân kế toán, Vũ thấy công việc mình khá bấp bênh, nên muốn đứng “một chân” vô nhà nước, vậy là gắn luôn đời mình với cơ sở cai nghiện này, anh nói vui là sắp tới mình sẽ tổ chức tiệc nho nhỏ đánh dấu 20 năm làm việc ở đây.

Nhưng nhiều năm đầu vào làm việc kiểu “sai đâu oánh đó”, nên chạy đủ việc được điều đi khắp các phòng ban, chưa thể gọi là một cái nghề thực sự.

Chỉ đến khi ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy (thời điểm chưa về đây công tác), đã gợi ý Vũ phải đi học về nghề CTXH một cách bài bản đàng hoàng, 4 năm dù rất nhọc nhằn vừa học vừa làm, nhưng đối với anh là một bước ngoặt lớn với công việc, với cả cuộc đời mình.

“Do đó, tôi luôn mang ơn anh Chi nhiều lắm!”- hơn 2 lần Vũ nhắc lại câu này.

Bởi chính từ đây, anh mới thực sự hiểu được ý nghĩa lớn lao của cái nghề mình đang gắn bó, thực sự nhận ra một triết lý cuộc sống của đời mình.

Nghề đã dạy cho anh cách sống “chậm lại, nhưng sâu hơn”, tính tình “mềm hơn” với trái tim rộng mở. Khi tiếp nhận một công việc đầy ý nghĩa nhưng không hề dễ dàng, là phụ trách “công đoạn cuối” đưa học viên trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Khi nhắc về học viên, nhắc đến những buổi ngồi đối diện với từng người, đối với Vũ nó không chỉ đơn giản là buổi làm việc, mà hành trình “bắc nhịp cầu từ trái tim đi đến trái tim”.

Làm sao cho học viên có thể chia sẻ những góc khuất sâu kín nhất, làm sao chạm đến những nỗi niềm, cả những bi kịch của cuộc đời và giúp họ “có thể bật khóc và khóc càng nhiều càng tốt”, cũng chính là khơi dậy phần “người nhất”, phần đẹp đẽ nhất để họ có đủ niềm tin, sức mạnh tinh thần mà hòa nhập một cách vững chãi với gia đình, xã hội.

Nó như một hành trình rũ bỏ một khoảng đời tăm tối nhất để hướng về những điều tốt đẹp, tươi sáng nhất với cuộc đời mới.

“Tôi nợ với cai nghiện ma túy, duyên với CTXH”, câu nói mang đầy đủ ý nghĩa của anh Vũ với công việc mình đang làm, với ý nghĩa cuộc đời mình đang sống, nó vừa hàm ơn người đã giúp anh đến với nghề một cách có học thuật, có bài bản đàng hoàng và nó cũng mang đầy niềm vui, niềm tự hào của người làm nghề CTXH. Ý nghĩa thực sự khi có thể góp phần “tái sinh những mảnh đời lạc lối”.

Đóa hoa thầm lặng và bản lĩnh

Chị Huỳnh Thị Kim Huê- đang tư vấn tâm lý phục hồi hành vi cho học viên.
Chị Huỳnh Thị Kim Huê- đang tư vấn tâm lý phục hồi hành vi cho học viên.

Cũng công việc tương tự như anh Lê Thanh Vũ, vẫn là những buổi ngồi đối diện tư vấn với từng nhóm, hoặc từng học viên một, nhưng có đặc thù khác là giai đoạn học viên vừa được điều trị cắt cơn, chưa thực sự bình thường về tâm sinh lý, được gọi tên là giai đoạn “Tư vấn tâm lý phục hồi hành vi”.

Đó là công việc của người phụ nữ xinh đẹp, mềm mại nhưng khá bản lĩnh- chị Huỳnh Thị Kim Huê, 40 tuổi nhưng chị đã gắn bó với công việc này hơn 10 năm rồi.

Chị Huê cho biết, dù đã được điều trị cắt cơn, nhưng đây là giai đoạn học viên vẫn còn trong trạng thái… lơ mơ, chưa thể nói là kiểm soát hoàn toàn hành vi, tâm lý.

Hàng ngày ngay chiếc bàn gỗ dài, công việc chủ yếu chị Huê ngồi trước học viên, có nhiều người rất… ngầu, hầm hố, xăm trổ đầy mình.

Tôi hỏi ngay “Vậy có lúc nào chị cảm thấy mình bị…át vía không?”. “Hoàn toàn không!”- chị Huê trả lời chắc nịch. Ngược lại chị cảm thấy tự tin, chị tin vào lòng chân thành, vào thiện chí muốn sẻ chia, muốn hỗ trợ sẽ thuyết phục được người đối diện.

Tuy nhiên, trước đó chị Huê phải nắm rõ lý lịch, nhân thân và phân loại học viên, có giai đoạn tiếp cận, tìm hiểu trước khi bước vào những buổi tư vấn tâm lý.

Có thuận lợi khi chị Huê tốt nghiệp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Địa Lý chuyên ngành Dân số xã hội, nhưng thời gian đầu không khỏi bỡ ngỡ trước môi trường khá đặc thù và tiếp xúc những đối tượng khá đặc biệt, thời còn rất trẻ thậm chí còn bị học viên chọc ghẹo, hù dọa.

Nhưng rồi quen dần với công việc vậy đó mà gắn bó hơn 10 năm rồi chỉ duy nhất công việc này. Tôi hỏi “Vậy chị có cảm thấy nhàm chán với công việc cứ lặp đi, lặp lại trong suốt 10 năm qua?”.

“Không, thậm chí có những cảm giác thú vị với công việc ý nghĩa này, nó góp vào hành trình cao cả “chỉnh sửa những cuộc đời đã hỏng hóc”, qua đó mình cũng khám phá những câu chuyện, những cuộc đời vô cùng phong phú”- chị Huê giải thích.

Công việc rèn luyện từ một cô gái trẻ, có vẻ ngoài mềm mại, luôn cười trở nên bản lĩnh hơn, cùng với quá trình tự học đáng nể với các bằng ĐH luật, rồi ĐH ngôn ngữ Anh, lại còn muốn học lên sau ĐH.

Có thể xem giai đoạn Tư vấn tâm lý phục hồi hành vi, là bước đệm quan trọng chuẩn bị cho học viên sau cắt cơn để bước vào giai đoạn lao động trị liệu. Khoảng thời gian không dài nhưng khá nhạy cảm, có tính chất quyết định cho sự thành công của học viên ở quá trình trị liệu dài sau đó.

Những câu chuyện với anh Vũ, chị Huê cho chúng ta cái nhìn “cận cảnh”, sâu hơn những cống hiến thầm lặng trên hành trình cao cả giúp “tái sinh” những cuộc đời đã từng rơi xuống “vực thẳm ma túy” chết người.

Nhưng để có cái nhìn bao quát hơn về cơ sở, cần có cuộc trò chuyện với một nhân vật được xem là “linh hồn của cơ sở cai nghiện ma túy”- ông Phạm Hữu Dũng- nguyên Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long. Còn nếu xem cơ sở là “ngôi nhà chung” thì mọi người gọi ông là một “quản gia”.

Về hưu hồi tháng 10/2022, nhưng ông vẫn luôn quan tâm về nơi mình đã gắn bó hơn 20 năm. Từ cái thời cơ sở còn thiếu thốn đủ thứ, từ cơ sở vật chất, đến thu nhập cán bộ, nhân viên cũng vô cùng chật vật, khó khăn.

Chồng chất những khó khăn từ hồi nơi đây còn tiếp nhận đối tượng mại dâm, có lúc lên đến gần 400 học viên, công tác quản lý quả khó trăm bề. Không có tinh thần trách nhiệm, không có tình yêu thực sự với nghề thì khó lòng… trụ được, nói chi đến gắn bó và yêu thương “mái nhà chung” này.

Nhưng theo ông Dũng, mỗi thời có cái khó riêng, ngày nay được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, quy mô, cán bộ, nhân viên được đào tạo nghề CTXH bài bản, thì xã hội phát sinh nhiều loại ma túy mới, đòi hỏi phải liên tục nghiên cứu, thay đổi về thuốc điều trị lẫn công tác tư vấn, đổi mới và phong phú hóa các hoạt động trong quá trình lao động trị liệu…

Đó là câu chuyện rất dài, cũng là những chia sẻ giúp chúng ta hiểu hơn, trân trọng hơn những con người thầm lặng, tận hiến cho hành trình cao cả, nhân văn trao về cho gia đình, xã hội những con người “lành lặn” về thể chất lẫn tâm hồn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh