Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, hiện nay liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL từng bước đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa và mang đến nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp ĐBSCL phục hồi du lịch mạnh mẽ.
Liên kết vùng giúp các địa phương quảng bá sản phẩm mới trong nước và quốc tế. |
Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, hiện nay liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL từng bước đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa và mang đến nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp ĐBSCL phục hồi du lịch mạnh mẽ.
ĐBSCL đón hơn 44 triệu lượt du khách
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ năm 2019, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL được triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch, lượng khách cũng như doanh thu sụt giảm, tăng trưởng của ngành du lịch giảm sâu, tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành phố.
Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, năm 2022, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch, thu hút khoảng 500 lượt doanh nghiệp du lịch- lữ hành tham gia kết nối.
Từ đó, ngành du lịch vùng khởi sắc trở lại. Năm 2022, tổng lượng khách đến ĐBSCL đạt trên 44 triệu lượt, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách lưu trú đạt gần 12 triệu lượt, tăng 138,9%.
Doanh thu du lịch vùng ĐBSCL ước đạt 33.977 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần. Du lịch góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hàng chục ngàn người dân ĐBSCL; thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, những kết quả đạt được trong phát triển du lịch thời gian qua cho thấy toàn ngành du lịch ĐBSCL đã nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch các địa phương, cũng như chú trọng liên kết, hợp tác du lịch “trong trạng thái bình thường mới” với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, phải kể đến chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Ông Trương Đức Hùng - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chia sẻ, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp các tỉnh, thành ĐBSCL và công bố 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm, gồm: tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa”, tuyến “Non nước hữu tình” và tuyến “Sắc màu vùng biên”.
Từ 3 trục tuyến trên, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã xây dựng hơn 70 chương trình du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong năm 2022, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TP Hồ Chí Minh đã đưa hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch về ĐBSCL.
Riêng Saigontourist Group đã tổ chức khảo sát 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay... Qua đó chào bán 3 sản phẩm liên tuyến với các tên gọi phù hợp với bản sắc của mỗi sản phẩm và đặc trưng của khu vực sông Mekong.
“Saigontourist Group đã phối hợp hỗ trợ hàng chục hội nghị, sự kiện, tổ chức đào tạo hàng trăm học viên, khai thác hàng chục sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng bá tiếp thị trong nước và quốc tế cho các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như khai thác phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách đến ĐBSCL” - ông Trương Đức Hùng cho biết.
Nét đặc sắc riêng tạo sức hút cho từng vùng
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng sản phẩm, chương trình kích cầu du lịch của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chưa mới và hấp dẫn. Khi ngồi lại với nhau thì thấy rằng các địa phương không nên có sự cạnh tranh giữa những sản phẩm na ná, giống nhau. Địa phương nào có đặc sản nổi bật nhất thì cùng nhau chăm chút cho địa phương đó”.
Trước thực tế trên, bà Phan Thị Thắng cho rằng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác, tăng cường xây dựng sản phẩm liên tuyến mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn. Ví dụ như chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ rất nổi tiếng, trong khi nhiều địa phương khác cũng có sông nước, như vậy có nhất thiết tỉnh nào cũng có chợ nổi hay không.
Trong những sản phẩm du lịch đồng dạng cũng cần phân ra cho những lứa tuổi. Chẳng hạn như đi qua khu cù lao, giới trẻ cần sự khám phá thì đưa đến tỉnh nào và những khu vực nghỉ dưỡng cho người già có những chương trình nhẹ nhàng, thể dục, tận hưởng không khí, thì tỉnh nào nên phát huy lợi thế. Sau đó tổng hợp những nội dung đó lại để liên kết nhằm cạnh tranh với các điểm ở các nước Đông Nam Á .
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel thì cho rằng hạ tầng giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch: “Cần nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông các tuyến đường cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL và khẩn trương xây dựng cầu Đại Ngãi kết nối Trà Vinh - Sóc Trăng để khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh đó là mạnh dạn đưa thí điểm dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để du khách có thể tiêu tiền”.
Ông Nguyễn Minh Mẫn- Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist thì cho rằng mỗi địa phương có nét đặc trưng về ẩm thực, văn hóa, lối sống, do đó hạn chế tối đa việc sao chép mô hình, đặc biệt là mô hình tát ao bắt cá.
Mô hình này vô tình đã gợi cho du khách cách nhìn về văn hóa Tây Nam Bộ na ná nhau. Do vậy, từ những điều giống nhau, du khách sẽ chọn vùng nào dễ đi nhất, thiệt thòi cho những địa phương còn lại.
Ông Nguyễn Minh Mẫn còn nhấn mạnh phải chú trọng giá trị của hạt gạo: “Hầu hết bữa ăn của du khách có chất lượng gạo khác nhau, có du khách nói là cơm chưa ngon. Vùng Tây Nam Bộ nổi tiếng về lúa gạo thì định hướng đề cao giá trị hạt gạo địa phương, nâng cao chất lượng gạo trong từng bữa ăn của du khách.
Ví dụ ST25 là sản phẩm gạo chất lượng, nhiều người yêu thích, dẻo ngon; hay gạo nàng thơm chợ đào Long An còn gọi là gạo tiến vua… Mỗi hạt gạo du khách thưởng thức phải có câu chuyện, mang tính kết nối thì sẽ đặc biệt hấp dẫn du khách”.
Từng địa phương cần tạo sản phẩm du lịch đặc trưng riêng để hút khách. |
Trong định hướng phát triển, năm 2023, bà Phan Thị Thắng cho biết TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch với các nội dung định kỳ, trọng tâm; tổ chức đánh giá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch trong các chương trình du lịch kết nối.
Các địa phương sẽ xây dựng những tiêu chuẩn, sản phẩm đặc trưng của cả vùng ĐBSCL, từ đó từng tỉnh sẽ chăm chút vào. Đồng thời thay đổi cách quản lý, đón khách, đặc biệt cần sự thổi hồn vào câu chuyện từng sản phẩm.
“Ở mỗi địa danh cần có một câu chuyện. Tại đây có du lịch thông minh thì khi du khách tự đi chỉ cần tra trên điện thoại là ra ngay, không cần hướng dẫn viên. Có sự chung tay của các tỉnh, thành thì tôi nghĩ sản phẩm du lịch của ĐBSCL sẽ tốt hơn” - bà Phan Thị Thắng khẳng định.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin