Phỏng vấn

Tăng cường công tác truyền thông để thực hiện các mục tiêu dân số

Cập nhật, 08:54, Thứ Hai, 28/11/2022 (GMT+7)

Vĩnh Long là một trong những tỉnh, thành có tỷ suất sinh bình quân thấp, chưa đảm bảo mức sinh thay thế. Vì vậy, tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số (DS) và tiến tới đạt mức sinh thay thế. Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh về vấn đề trên.

Thưa bà, xin bà cho biết, trong năm 2022 Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng nào trong việc nâng cao chất lượng DS, tiến đến mục tiêu đạt mức sinh thay thế?

Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng DS nhằm từng bước tiến dần đến mức sinh thay thế vào năm 2030, theo Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Long. Chi cục DS - KHHGĐ tiếp tục chú trọng duy trì, triển khai hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng DS, như: Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng đến tận tay khách hàng.

Bên cạnh đó, chi cục đổi mới các nội dung hoạt động của mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, đa dạng hóa các hoạt động, lồng ghép với chương trình giáo dục để thu hút thêm lứa tuổi vị thanh niên, thanh niên và nam nữ chuẩn bị kết hôn tại cộng đồng; đẩy mạnh giáo dục giới tính ở các trường phổ thông. Ngoài ra, phối hợp với Trường Chính trị Phạm Hùng đưa giáo dục giới tính vào hệ thống giảng dạy nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Song song đó, duy trì thường xuyên công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền vận động người dân trực tiếp tại cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên DS - KHHGĐ. Kết quả: Toàn tỉnh có khoảng 11.000 trẻ được sinh ra, tỷ số giới tính khi sinh đạt 106,4 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt trên 100%.

Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động duy trì và nâng cao chất lượng DS, tiến đến mức sinh thay thế bằng các giải pháp nào, thưa bà?

Chúng tôi xác định truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao chất lượng DS. Do đó, công tác này được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng và từng cặp vợ chồng. Các hoạt động truyền thông đã góp phần làm cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể ủng hộ mạnh mẽ chính sách pháp luật về DS và phát triển.

Từ đó, có sự quan tâm đầu tư nguồn lực, chỉ đạo, ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện và giải quyết khó khăn, vướng mắc của công tác DS các cấp trong quá trình thực hiện. Sự hỗ trợ, phối kết hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh và sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ những người làm công tác DS, đặc biệt là cộng tác viên DS - KHHGĐ.

Như vậy để nâng cao chất lượng DS và khuyến khích mỗi gia đình có đủ hai con, Chi cục DS - KHHGĐ sẽ tập trung thực hiện như thế nào, thưa bà?

Để nâng cao chất lượng DS và khuyến khích mỗi gia đình có đủ hai con, cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như tham mưu hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để hoàn thành các mục tiêu.

Trước tiên, truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc huy động sự tham gia và cam kết với công tác DS thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề DS trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự ủng hộ tích cực của mọi người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng; nam, nữ thanh niên chưa kết hôn; cặp vợ chồng chưa sinh đủ hai con.

Thứ ba, truyền thông nâng cao nhận thức, thái độ, kỹ năng thực hành của vị thành niên, thanh niên về sức khỏe sinh sản KHHGĐ.

Thứ tư, truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội về nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi.

Thứ năm, truyền thông nâng cao nhận thức hiểu biết, kỹ năng thực hành của mọi người dân về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh.

Thứ sáu, tiếp tục tham mưu hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Xin cảm ơn bà!

CAO HUYỀN

(Thực hiện)