Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử

Cập nhật, 06:16, Thứ Hai, 28/11/2022 (GMT+7)

 

Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng.
Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng.

Trước việc gia tăng sử dụng thuốc lá thế hệ mới trong giới trẻ kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc, Bộ Y tế đề xuất cấm loại thuốc lá này.

Ẩn họa khó lường từ thuốc lá điện tử

Tại hội thảo thông tin về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, ngày 23/11, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam khá nhiều, mỗi năm người Việt chi 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, cho biết: “25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao”.

Theo các chuyên gia, cho phép thuốc lá mới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ. Kèm theo đó là tăng nguy cơ tổn thương phổi cấp và chấn thương do nổ pin thuốc lá điện tử; nguy cơ lạm dụng ma túy. Ngoài ra, có nhiều biến tướng trong quảng cáo khuyến mại thuốc lá mới, sử dụng hương vị để thu hút giới trẻ. Ví dụ, Hà Lan phát hiện gần 20.000 loại nhãn hiệu với các hương vị khác nhau.

ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chỉ rõ thuốc lá điện tử tạo nồng độ nicotine cao và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em, vị thành niên. Trong khi đó với con người, não tiếp tục phát triển đến 25 tuổi. Thêm vào đó, nicotine có thể đi qua nhau thai và được cung cấp trong thời kỳ mang thai dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, giảm thính lực và béo phì. “Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng. Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác”- BS Tuấn Lâm cảnh báo.

Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới

“Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ”- bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, phát biểu.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở giới trẻ. Thế nhưng, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Bà Trần Thị Trang cho rằng, quy định cấm phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.

Hiện ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tại Australia, nicotine nằm trong danh mục “chất độc dược” và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Tuy nhiên tại nước ta, hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Bên cạnh đó, nước ta hiện chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới (trên 18.000 chất và hương liệu), chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật. Việt Nam cũng chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Với quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, vì đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam 12,39%), ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.

Bài, ảnh: MAI ANH