Nông dân làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách

07:11, 11/11/2022

Nông dân vay vốn tín dụng chính sách cải tạo đất, lên liếp trồng cam sành, đầu tư chuồng trại mở rộng đàn bò, nuôi gà, trồng rau diếp cá... Đó là những cách làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua đoàn thể nông dân.

 

Một hộ nông dân ở ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn đã vay vốn tín dụng chính sách để phát triển đàn bò.
Một hộ nông dân ở ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn đã vay vốn tín dụng chính sách để phát triển đàn bò.

Nông dân vay vốn tín dụng chính sách cải tạo đất, lên liếp trồng cam sành, đầu tư chuồng trại mở rộng đàn bò, nuôi gà, trồng rau diếp cá... Đó là những cách làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua đoàn thể nông dân.

Gia đình ông Thạch Quang Hưng (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) thuộc diện hộ nghèo, trước đây ông phải đi làm thuê ở các tỉnh xa nhưng đời sống quanh năm vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2020, ông được Hội Nông dân xã hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn tín dụng chính sách 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) địa phương. Nguồn này ông đầu tư cải tạo 2 công vườn tạp và chăn nuôi bò, không còn mưu sinh xa xứ.

Ông Hưng kể: “Số vốn đó tôi đầu tư trồng cam sành, còn dư một ít tôi mua thêm bò nuôi. Lúc đó, tôi chỉ mua được một con bò. Tích lũy, chăm chút, giờ đàn bò được 3 con. Tôi mừng hết sức!”. Ông nhớ đoạn mới về nhà, vườn tược hư hết, cũng từ nguồn vốn vay, tôi bắt tay cải tạo vườn, trồng cam sành... Bẵng đôi ba năm, công ăn chuyện làm mới vào guồng ổn định như bây giờ.

Với vai trò và trách nhiệm của hội đoàn thể nhận ủy thác, hội nông dân tạo điều kiện, hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng chính sách có thể thuận lợi tiếp cận vay vốn. Hơn thế, hội luôn theo dõi, nắm bắt hiệu quả sử dụng vốn của các hộ vay. Rồi định kỳ thường xuyên sẽ mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp các hội viên nông dân nâng cao năng suất, chất lượng mô hình kinh tế đang thực hiện.

Theo ông Thạch Lý, đại diện Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Ngãi Lộ A, thời gian qua hàng chục hội viên nông dân tiếp cận đồng vốn tín dụng chính sách kịp thời thông qua tổ để đầu tư sản xuất và bước đầu đạt hiệu quả về sử dụng vốn vay và điều kiện kinh tế gia đình. Ông Lý kể ông cũng vay vốn tín dụng chính sách và từ nguồn này gia đình ông đã mở rộng đàn bò nuôi và đầu tư trồng mấy công cam sành nay được hơn một năm tuổi.

Theo ông Bùi Văn Chiều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, đến nay có 778 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc hội nhận ủy thác tín dụng chính sách từ NHCSXH tỉnh. Đến cuối tháng 9/2022, dư nợ cho vay đạt 910 tỷ đồng với hơn 30.600 hộ vay còn dư nợ, chiếm 35% tổng dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể cấp tỉnh (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên).

Ông Chiều cho biết, hội tiếp tục chỉ đạo hội nông dân các cấp, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn để tiếp tục theo dõi, động viên hội viên nông dân sử dụng vốn vay tín dụng chính sách đảm bảo hiệu quả, đặc biệt là các chương trình cho vay giải quyết việc làm. Chú trọng rà soát hội viên nông dân để nắm hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo mới, từ đó phối hợp chính quyền địa phương và NHCSXH để kịp thời triển khai các chương trình cho vay mới dành cho đối tượng thụ hưởng này.

Theo ông Trần Lê Thanh Thảo - Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, công tác ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó Hội Nông dân tỉnh và các cấp luôn luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Từ đó, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, có vốn làm ăn, phát triển sinh kế, thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả...

Các kết quả đạt được đã đồng hành cùng địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM.

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh