Với ý nghĩa chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái để "không ai bị bỏ lại phía sau", mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ đoàn kết, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ nhân đạo để mỗi người dân, mỗi hoàn cảnh, mỗi vụ thiên tai, thảm họa xảy ra đều có sự có mặt sớm nhất, kịp thời nhất của những "chiến sĩ áo đỏ".
Hội Chữ thập đỏ đồng hành, sẻ chia cùng những người yếu thế. |
Với ý nghĩa chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái để “không ai bị bỏ lại phía sau”, mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ đoàn kết, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ nhân đạo để mỗi người dân, mỗi hoàn cảnh, mỗi vụ thiên tai, thảm họa xảy ra đều có sự có mặt sớm nhất, kịp thời nhất của những “chiến sĩ áo đỏ”.
Vì mọi người, ở mọi nơi
Trong 5 năm qua, các tổ chức, các cá nhân vì mục đích nhân đạo, từ thiện đã thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp người khó khăn ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những thuận lợi, tình hình thiên tai, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19… làm cho nhiều người có cuộc sống bình thường bỗng chốc trở thành người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế nên nhu cầu được cứu trợ, chăm sóc sức khỏe thường xuyên là rất lớn. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục triển khai thực hiện, bằng nhiều hình thức đã vận động 1.411 tổ chức, 2.812 lượt cá nhân trợ giúp 5.474 lượt địa chỉ nhân đạo với số tiền trên 15,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Đức - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) chia sẻ, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Hội Chữ thập đỏ xã đã vận động nhiều nguồn lực để trợ giúp cho những đối tượng khó khăn. Xã Xuân Hiệp còn 37 hộ nghèo và 53 hộ cận nghèo, trong đó, có 43 người khuyết tật và 85 người nhiễm chất độc da cam mất khả năng lao động. BCH hội kết hợp cùng chính quyền tìm hiểu nhu cầu thực tế cần trợ giúp của từng hộ và lập thành quyển “album địa chỉ nhân đạo” có hình ảnh, thông tin hoàn cảnh gia đình cụ thể để ban vận động có cơ sở trình bày với nhà hảo tâm. Trong 5 năm, xã thực hiện “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trợ giúp hơn 1,1 tỷ đồng.
Tân Lược là một xã vùng sâu của huyện Bình Tân. Khi người dân bị bệnh hoặc bị tai nạn cần cấp cứu, chuyển bệnh thì gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện. Đặc biệt, có những trường hợp cần đáp ứng nhu cầu về “thời gian vàng” trong cấp cứu thì không thực hiện được. Ngoài ra, nhiều nạn nhân, người bệnh được vận chuyển bằng xe taxi, xe ôm, xe tải… do không có xe cấp cứu kịp thời nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cấp cứu, chữa trị cho người bệnh. Ông Biện Bá Lợi - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lược cho biết: “Hội mua xe cấp cứu hoạt động chính thức từ năm 2017. Khi nào cần thì điện thoại chúng tôi sẽ hỗ trợ ngay. Việc vận chuyển người bệnh đều được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Kết quả trong 5 năm, chúng tôi đã trợ giúp cho trên 3.500 lượt người có nhu cầu với giá trị miễn phí gần 800 triệu đồng. Nhiều người được sơ cứu, có thiết bị hỗ trợ chuyên dụng và được chuyển viện kịp thời nên đã giảm nhẹ tình trạng bệnh, thương tật và bảo toàn mạng sống”.
Lòng nhân ái luôn thể hiện ở việc sẻ chia, dù là còn sự sống hay đến lúc mất đi. Nhiều người đã không ngần ngại đăng ký hiến tặng các mô hay bộ phận thân thể để ghép cho những người còn sống đang cần chữa trị bệnh. Chú Phạm Văn Sơn (Phường 1, TP Vĩnh Long) đến Hội Chữ thập đỏ để làm thủ tục đăng ký hiến xác. Chú tâm sự: “Tôi có ý nguyện và ấp ủ bấy lâu nay, khi còn sống thì làm những việc hữu ích cho xã hội, đến lúc chết đi thì hiến những bộ phận trong cơ thể tôi để cứu chữa cho người nghèo bị bệnh nan y, còn xác thì hiến cho y học để nghiên cứu”.
Phối hợp phòng chống thiên tai, thảm họa
Thời gian qua, công tác hỗ trợ phòng chống thiên tai, thảm họa được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2016 - 2021, Hội Chữ thập đỏ đã vận động 2,1 tỷ đồng, trợ giúp 952 người bị ảnh hưởng thiên tai trong tỉnh. Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tỉnh hội đã triển khai vận động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung... Kết quả đã nhận được 2,3 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hàng hóa). Giá trị công tác cứu trợ khẩn cấp đạt 4,4 tỷ đồng, so với nhiệm kỳ trước tăng 215 triệu đồng.
Theo ông Lưu Nhuận - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tình hình thiên tai trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chủ động trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của người dân, đặc biệt là sự phối hợp trong chỉ đạo điều hành giữa Ban Chỉ huy và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ huy và Hội Chữ thập đỏ tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa với một số nội dung cụ thể như: tổ chức đào tạo, tập huấn, giáo dục, phổ biến pháp luật, thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai; hướng dẫn kỹ năng nhận biết và ứng phó với các loại hình thiên tai cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; hướng dẫn các hộ gia đình hiểu và nhận thức được tác hại của thiên tai cũng như các biện pháp phòng ngừa…
Theo Hội Chữ thập đỏ phường Thành Phước (TX Bình Minh), thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, thời gian qua, mô hình cấp cứu đường thủy có 2 ca no sẵn sàng ứng cứu khi có tai nạn xảy ra trên tuyến sông Hậu giáp xã Mỹ Hòa và xã Thành Lợi. Đội cứu hộ đường thủy gồm 6 đồng chí đã cứu hộ được trên 35 trường hợp, vớt xác người trên 10 trường hợp tại xã Mỹ Hòa, cầu Cần Thơ và xã Thành Lợi. Đội Thanh niên xung kích phòng ngừa, ứng phó thảm họa đã kịp thời có mặt giúp đỡ các hộ dân khắc phục hậu quả do nhà bị sạt lở…
Công tác hỗ trợ phòng chống thiên tai, thảm họa được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. |
Trong tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt các đại biểu dự Đại hội lần thứ XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhân đạo, từ thiện là một nét đẹp, một truyền thống quý báu của dân tộc ta, được trao truyền từ đời này qua đời khác, thể hiện tình yêu thương, sự quý trọng và bảo vệ con người. Cần đánh giá cao các phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, qua đó nhân lên những tấm gương về lòng nhân ái trong mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng. Mong hội thường xuyên chăm lo để các phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có sức sống vững bền trong đời sống xã hội, trong nhân dân.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin