Hỗ trợ học nghề giúp nâng cao trình độ cho người lao động; đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm; tăng tính thông tin dự báo nhu cầu thị trường lao động... là những điểm góp phần ổn định thị trường lao động - việc làm hướng tới.
Một lượng không nhỏ các bạn có nhu cầu với thị trường lao động nước ngoài, nhất là Nhật Bản. |
(VLO) Hỗ trợ học nghề giúp nâng cao trình độ cho người lao động; đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm; tăng tính thông tin dự báo nhu cầu thị trường lao động... là những điểm góp phần ổn định thị trường lao động - việc làm hướng tới.
Quý III/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận hồ sơ của 2.670 lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (giảm 29% so với quý II).
Có 315 người lao động có quyết định hỗ trợ học nghề trong tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mới đây, trung tâm phối hợp Công ty TNHH Quốc Thảo tổ chức phỏng vấn sơ tuyển lao động từ 6 ứng viên tham gia.
Đó là các kênh để người lao động hiểu đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ khi thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời được tư vấn chính sách lao động việc làm, học nghề, tích cực tìm kiếm việc làm và được hỗ trợ để mạnh dạn quay lại thị trường lao động.
Trước đó, bạn Hoàng Duy (24 tuổi, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) cùng em trai mình lên Đồng Nai làm việc. Duy là lao động “cũ” tại một công ty gia công ổn định nên “kéo” theo em trai mình, khi đã xin được việc, lên cùng làm để cùng nhau tích lũy cho bản thân.
Đầu tháng 9/2022, bạn Phát Đạt (18 tuổi, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ) vừa tốt nghiệp ra trường với nghề điện lạnh tại Trường CĐ Nghề Vĩnh Long. Đạt kể trong quá trình học nghề, bạn đã tập sự và có thu nhập từ cơ sở kinh doanh của người thân.
“Dự ngày hội việc làm tổ chức tại trường, em tranh thủ tìm hiểu cơ hội để có thể đăng ký tham gia “xuất khẩu lao động” (đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng - PV)” - thanh niên vừa có tấm bằng nghề nghiệp chia sẻ.
Hôm 11/10, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco) chi nhánh tại Vĩnh Long thông tin: 6 lao động nam “đơn hàng” ép dập kim loại và 9 lao động nữ “đơn hàng” giặt ủi công nghiệp vừa xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc.
Đây sẽ là bước khởi đầu công việc ở môi trường mới nhằm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, thu nhập khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sau quá trình đó, lao động về nước có thể khởi nghiệp, tiếp tục lựa chọn được công việc ổn định ở địa phương. Thông qua đơn vị này, thời gian qua nhiều lao động, sinh viên trong tỉnh đã được tuyển dụng, đào tạo, đưa đi “xuất khẩu lao động”.
Báo cáo về lao động, việc làm của trung tâm dự báo các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh và phát triển, có nhu cầu tuyển dụng lao động để giải quyết việc làm cho số lao động thất nghiệp.
Dự báo quý IV/2022, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng, khoảng 3.000 lao động (lao động phổ thông: 2.200 người; lao động có chuyên môn: 800 người).
Trong cùng thời gian, dự báo nguồn cung lao động có khoảng 2.500 người đến từ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và được tư vấn giới thiệu việc làm, lực lượng lao động tự do, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề, ĐH, CĐ.
Những tháng cuối năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục phối hợp các địa phương, các trường CĐ, ĐH, công ty, doanh nghiệp tổ chức hội chợ việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động, nhất là hỗ trợ người lao động thất nghiệp mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp để tham gia vào thị trường lao động.
Tăng cường dự báo thông tin thị trường lao động, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng cung cấp đa dạng thông tin về vị trí việc làm đến người lao động.
Thống kê có thời điểm người lao động thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ) chiếm tỷ lệ cao (85%) trong tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này có thể thấy, nhóm lao động không có chuyên môn sẽ dẫn đến tính bền vững của việc làm không cao so với các nhóm lao động khác có trình độ chuyên môn, tay nghề.
Vì vậy, cần có các biện pháp đủ mạnh như hỗ trợ học nghề giúp nâng cao trình độ cho người lao động; đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm; tăng tính thông tin dự báo nhu cầu thị trường lao động.
Bên cạnh đó, người lao động cần chủ động học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề để đáp ứng được những đổi mới về công nghệ và phương thức sản xuất, góp phần ổn định việc làm.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin