Đồng hành cùng con

12:09, 23/09/2022

Việc nuôi dưỡng, giáo dục một đứa trẻ bình thường đã khó, với trẻ chậm nói, chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ... thì càng hao mòn tâm tư, công sức, tiền bạc của gia đình hơn. Trên hết là hiểu đúng, chấp nhận khuyết tật của con để đồng hành cùng con trong suốt quá trình cố gắng hòa nhập cộng đồng.

Đồng hành cùng con có vấn đề đặc biệt là cả một quá trình đầy tình thương và cố gắng không ngừng.
Đồng hành cùng con có vấn đề đặc biệt là cả một quá trình đầy tình thương và cố gắng không ngừng.

(VLO) Việc nuôi dưỡng, giáo dục một đứa trẻ bình thường đã khó, với trẻ chậm nói, chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ... thì càng hao mòn tâm tư, công sức, tiền bạc của gia đình hơn. Trên hết là hiểu đúng, chấp nhận khuyết tật của con để đồng hành cùng con trong suốt quá trình cố gắng hòa nhập cộng đồng.

Cô Yến Phi- giáo viên một trường mầm non ở huyện cho biết: “Năm học này, lớp tôi có hai bé lăng xăng, ít tập trung. Vì thế, tôi đã tự nhủ sẽ sâu sát, quan tâm, trao đổi thêm với phụ huynh để có hướng giảng dạy phù hợp”.

Theo cô giáo, nếu cha mẹ chấp nhận con mình có vấn đề đặc biệt thì khi trò chuyện, phụ huynh sẽ thấu hiểu, phối hợp. Còn không, họ sẽ bênh vực, nuông chiều con cái. Nếu thế, trẻ tiến bộ rất chậm.

Hoạt động lại sau dịch COVID-19, đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận, can thiệp phục hồi chức năng cho gần 40 trẻ với nhiều dạng khuyết tật: rối loạn phổ tự kỷ; chậm nói; chậm phát triển trí tuệ; down; lăng xăng, tăng động, giảm chú ý; trẻ khó khăn trong học tập, vận động...

Số lượng trẻ cũng như nhu cầu phụ huynh muốn gia tăng buổi học cho con em mình đang dần tăng. Mỗi phụ huynh khi đưa con đến học đều có một hoàn cảnh rất riêng.

Giáo viên chuyên biệt ngoài kỹ năng nghề còn phải là chỗ dựa tinh thần, tư vấn, tham vấn cho phụ huynh, giúp họ định hướng đúng đắn trong nuôi dạy trẻ.

Chú Huỳnh Năm (TP Vĩnh Long) là ông ngoại của bé Như Ý (3 tuổi), hàng ngày không quản nắng mưa, đưa cháu đến học tại trung tâm.

Chú hồ hởi khoe cùng các cô: “Giờ Như Ý biết nghe lời, tự dẹp dép lên kệ, biết dạ thưa. Về nhà cũng chịu nói nhiều. Cũng nhờ các cô dạy dỗ, cháu mới ngoan hơn”.

Trước đó các cô giáo ở trung tâm cho biết, thời gian đầu tiếp nhận, Như Ý chưa có ngôn ngữ, lại không tập trung, chỉ thích chơi một mình, quăng ném đồ chơi khắp nơi. Nhất là hành vi chống đối, khóc la ăn vạ, cào cấu cô, xô bàn ghế...

Chị Như Thảo, mẹ của bé Như Ý kể, khi được đưa vào trung tâm, nghe các cô giải thích do gia đình nuông chiều bé quá mức nên hành vi ăn vạ của bé leo thang.

Cần phải dần rèn bé vào nề nếp, dạy bé biết cách tự phục vụ bản thân những việc vừa sức, quan tâm, trò chuyện cùng con nhiều hơn. Nhờ thế, nay bé đã biết kiềm chế cảm xúc, có ý thức và vốn từ ngày càng tăng.

Với chị Hồng Xuân (huyện Mang Thít), mẹ bé Tấn Phú thì trong hoàn cảnh với đứa con 4 tuổi “ở nhà rất bướng, lầm lì, không nói chuyện với ai, trái ý là la hét”.

Chị kể “cho đến khi vào học tại trung tâm, được các cô rèn luyện, uốn nắn từ từ, nay bé đã bớt quậy phá, còn nói được tên một số con vật, tôi nghe mà mừng lắm”.

Nhiều trường hợp trẻ vào học ở trung tâm tương tự như thế. Phụ huynh vì bận việc, không có nhiều thời gian ở bên con nên nảy sinh tâm lý bù đắp, đáp ứng đòi hỏi thái quá của con. Dần dà, con trở nên thụ động, hoặc ngang bướng, ích kỷ, thậm chí tự hủy hoại thân thể...

Cô Trần Thị Nhung- giáo viên Trung tâm Công tác xã hội chia sẻ: “Nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy con có những dấu hiệu bất ổn, không theo kịp mốc phát triển như trẻ bình thường, đã đưa con đi khám ở bệnh viện uy tín.

Dù có kết luận của bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh đưa trẻ đến lớp test để nhập học vẫn còn giấu giếm, cho rằng con chỉ chậm nói đơn thuần.

Trong khi chỉ qua quan sát có thể thấy trẻ có nhiều vấn đề đặc biệt như nhại lời, ít giao tiếp mắt, lăng xăng, tăng động. Khi đó, các cô giáo bằng nghiệp vụ của mình thuyết phục, đồng cảm cùng phụ huynh và đưa phương án giáo dục trẻ tốt nhất”.

Theo các cô giáo dạy trẻ diện này, trên hết cha mẹ phải luôn quan tâm, sớm nhận biết những bất thường của con để có hướng can thiệp kịp thời. Ngoài nhà trường thì gia đình là yếu tố cực kỳ quan trọng để đồng hành, dạy dỗ con phát triển với sự chấp nhận, lòng yêu thương.

Bài, ảnh: THÁI LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh