Với vai trò là cầu nối yêu thương, những năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh luôn nỗ lực để công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân được tốt hơn. Những mảnh đời yếu thế được chở che, từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống, vươn lên từ nghịch cảnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt trao bằng khen của UBND tỉnh cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ, nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu. |
Với vai trò là cầu nối yêu thương, những năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh luôn nỗ lực để công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân được tốt hơn. Những mảnh đời yếu thế được chở che, từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống, vươn lên từ nghịch cảnh.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
Theo bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, trong giai đoạn 5 năm (2017- 2021), hội tích cực vận động, đồng thời triển khai tổ chức thực hiện nhiều chương trình trợ giúp thực hiện 3 nhiệm vụ là: góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng; trợ giúp phương tiện sinh hoạt, học tập, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần và trợ giúp chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho những hoàn cảnh khó khăn. Hội 3 cấp đã vận động tổng giá trị phúc lợi xã hội tương đương 369,1 tỷ đồng, đã trợ giúp 2,7 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi…
Hội đã giới thiệu học nghề và đào tạo nghề cho 1.058 trường hợp, giới thiệu việc làm cho 1.849 trường hợp, trợ giúp vốn sinh kế cho 3.267 trường hợp để chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ, bán vé số... tạo điều kiện tăng thu nhập để ổn định cuộc sống và gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.
Năm 2020- 2021 càng trở nên đáng nhớ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều tấm lòng nhân ái chung tay đùm bọc, sẻ chia cùng những người yếu thế để vượt qua khó khăn, hội 3 cấp trợ giúp người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, thiên tai với giá trị 11,1 tỷ đồng.
Với vai trò là người vận động nguồn lực, Thượng tọa Thích Lệ Lạc, Đại đức Thích Giác Hạnh, bà Quách Thanh Vân, bà Nguyễn Ngọc Điểu, gia đình ông bà Lê Văn Chính- Ngô Thu Thủy… luôn trăn trở để kịp thời trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm, không ngại nắng mưa, chẳng sợ đường xa, bà Quách Thanh Vân (Phường 4, TP Vĩnh Long) vận động gần 18,2 tỷ đồng, luôn tìm hiểu và nắm được nguyện vọng của người nghèo để trợ giúp một cách thiết thực nhất.
“Ngoài sự nhiệt tình phải có tâm trong sáng, tận tụy với công việc còn phải luôn tìm tòi, sáng tạo cái mới để tìm ra nhiều mô hình giúp cho người nghèo theo hướng phát triển bền vững. Phải làm thế nào để kịp thời trợ giúp người khó khăn đặc biệt, để nỗi đau không còn là nỗi đau riêng của gia đình và bản thân người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam mà là nỗi đau chung của toàn xã hội, để có sự cảm thông chia sẻ của cộng đồng”- bà Quách Thanh Vân chia sẻ.
Đồng hành để vươn lên
Cha bị bệnh mất khi em vừa lên lớp 1, gia đình em Nguyễn Phan Thiên Lý (xã Long Phú- Tam Bình) gặp nhiều khó khăn khi mẹ em phải một mình gồng gánh làm thuê để nuôi 2 con ăn học. Đến năm 2019, mẹ Thiên Lý mắc bệnh hiểm nghèo, ngoài giờ học, Lý cùng chị gái đi giúp việc nhà để có tiền lo thuốc men cho mẹ. Đầu năm 2021, mẹ ra đi mãi mãi để lại khoảng trống không gì bù đắp được với chị em Lý.
“Mồ côi cha lẫn mẹ, em quá hụt hẫng, cứ nghĩ rằng không thể nào vượt qua được nhưng vì lời dặn dò của mẹ, được sự giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội; các ban ngành đoàn thể hỗ trợ xe đạp, học bổng, tập vở, tiền, gạo ăn và nhiều nhu yếu phẩm khác hàng tháng… Bản thân em luôn cố gắng là học sinh giỏi của Trường THCS- THPT Long Phú. Vì em nhận thấy chỉ có con đường học vấn mới giúp em sau này có được một công việc ổn định, là người có ích cho xã hội”- Thiên Lý bộc bạch.
Anh Võ Văn Thắng (ấp Phú An, xã Phú Đức- Long Hồ) có cha tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nên anh bị di chứng liệt 2 chân từ nhỏ.
Được gia đình động viên, anh cố gắng vượt qua tự ti, mặc cảm, kiên trì học tập hoàn thành chương trình lớp 12, sau đó được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Phú Đức động viên gia đình và hỗ trợ chi phí theo học sửa chữa điện tử, hoàn thành khóa học và được hỗ trợ 4 triệu đồng làm vốn. Anh Thắng chia sẻ: “Mọi người đều thương chàng trai tật nguyền, giờ tôi có đủ tiền hàng tháng để trang trải trong cuộc sống, giúp đỡ một phần nhỏ cho cha, mẹ”.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh luôn nỗ lực chăm lo, sẻ chia cùng người yếu thế. |
Trong hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt hy vọng rằng bên cạnh việc phát huy thành tựu cá nhân đã đạt được, tiếp tục nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, những tấm gương sẽ là nguồn động lực tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền giúp nhân rộng sự lạc quan, tinh thần vươn lên cho những hoàn cảnh tương tự.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể thực hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Cần mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giúp đối tượng vươn lên, khẳng định giá trị của bản thân, đặc biệt là trong hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm phù hợp, tạo thêm nhiều sân chơi.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp xã hội nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm quan tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đùm bọc, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin