Xu hướng quan hệ tình dục (QHTD) sớm đang ngày càng rõ rệt nhưng tuổi kết hôn lại ngày càng muộn hơn. Vậy làm thế nào để giáo dục và định hướng cho trẻ vị thành niên?
Cần hạn chế tình trạng nạo phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. |
(VLO) Xu hướng quan hệ tình dục (QHTD) sớm đang ngày càng rõ rệt nhưng tuổi kết hôn lại ngày càng muộn hơn. Vậy làm thế nào để giáo dục và định hướng cho trẻ vị thành niên?
Hệ lụy khi QHTD sớm
Hiện giới trẻ đang ngày càng có suy nghĩ, quan niệm cởi mở hơn trong tình yêu và tình dục. Nhiều người trẻ cho rằng tình yêu luôn đi liền với tình dục, sẵn sàng trao thân và chấp nhận “giải quyết” khi để lại “hậu quả” ngoài ý muốn.
TS.bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long nhận định, sinh lý phát triển sớm, thiếu kiến thức về giáo dục giới tính, xã hội thoáng hơn trong các quan niệm về tình dục, các phương tiện mạng xã hội phát triển... đã tạo điều kiện cho trẻ QHTD sớm.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Đoàn Nhật Trung- Phó Khoa Khám bệnh Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long, có phụ huynh liên hệ nhờ tư vấn về trường hợp bé trai có hành vi thủ dâm sau khi bị ba mẹ ngăn cản yêu đương ở tuổi học đường.
Theo bác sĩ Nhật Trung, tỷ lệ trẻ QHTD sớm gia tăng là vấn đề khá đáng ngại. Đây là một trong 6 hành vi sức khỏe nguy cơ ở trẻ vị thành niên như hút thuốc lá, uống bia rượu, sử dụng chất kích thích, lười tập thể dục, thói quen ăn uống không cẩn thận...
Số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy: trung bình, mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu từ 15- 19 tuổi.
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ phá thai hơn 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80% trường hợp kể trên; 20- 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60- 70% là sinh viên, học sinh.
Tình trạng nêu trên đặt ra sự cấp bách về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của thanh niên về sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, nạo phá thai.
Cần có kế hoạch hành động cụ thể để thay đổi quan niệm, nhận thức với sự chung tay của các ban, ngành, tổ chức và toàn cộng đồng.
QHTD không phải là xấu, nhưng lứa tuổi vị thành niên, tuổi mới lớn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe tình dục thì “chuyện ấy” sẽ mang đến hậu quả khôn lường.
Vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản khuyến cáo tốt nhất là không nên QHTD trước tuổi 20 đối với nam và trước 18 tuổi đối với nữ.
Ở tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển toàn diện, chưa có sự ổn định về mặt thể chất, tâm lý cũng như sự trang bị kiến thức cần thiết về giới tính. Việc QHTD sớm sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng không tốt về sau đối với cả nam và nữ.
Đối với nữ, cơ quan sinh dục tuổi dậy thì chưa hoàn thiện. Quan hệ sớm và thiếu kiến thức dẫn đến việc bị tổn thương vùng âm đạo, sau đó rất dễ viêm nhiễm vùng kín (âm đạo, âm hộ). Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nghiêm trọng về sau.
Bên cạnh đó, khi quan hệ không an toàn, việc mang thai ngoài ý muốn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, dẫn tới nhiều hệ lụy khác như viêm nhiễm, xuất huyết, thủng tử cung, dễ sẩy thai quen dạ sau này hoặc nguy cơ vô sinh khi trưởng thành tăng cao.
Trường hợp mang thai khi còn quá nhỏ sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm sinh lý và tương lai sau này của các bé gái. Các bạn gái sẽ luôn lo lắng, căng thẳng, dẫn đến khủng khoảng tinh thần… Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập, thái độ với bạn bè, người thân trong gia đình.
Đối với nam, việc QHTD sớm hoặc thủ dâm thường xuyên là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Nam giới sẽ dễ bị mắc các hội chứng như xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, sang chấn bộ phận sinh dục,...
Ngoài ra, việc QHTD không lành mạnh còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV/AIDS,… Hoạt động tình dục sớm có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi khi còn quá trẻ.
Trang bị kỹ năng sống cho trẻ
“Hiện nay, độ tuổi dậy thì ở bé gái trung bình vào 10- 11 tuổi, có em có thể dậy thì sớm hơn. Bước vào tuổi dậy thì, những thay đổi tâm sinh lý, có thể các em bắt đầu có QHTD. Độ tuổi QHTD ở trẻ vị thành niên phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục gia đình, cộng đồng, truyền thông”- bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng nhận định.
Việc giáo dục trẻ vị thành niên bây giờ phải nói thẳng, nói thật. Thầy cô bây giờ cũng có dạy, nhưng vẫn còn nói xa vời, thành ra trẻ biết có tinh trùng, có trứng nhưng chưa biết làm sao để không có thai. Do đó mình cần phải dạy, phải gần gũi như “làm bạn” để con có thể tin tưởng, giãi bày tâm sự cùng người lớn.
Từ kinh nghiệm điều trị của mình, bác sĩ sản khoa Hồ Thị Thu Hằng khuyến cáo: “Để trẻ tránh những nguy cơ đối với các bệnh tình dục, vấn đề giáo dục giới tính, trang bị kiến thức về tình dục cho thanh, thiếu niên cần được nhà trường, các bậc phụ huynh quan tâm và chia sẻ với trẻ.
Phụ huynh cần quan tâm và dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm... Từ đó, tránh tình trạng các em thiếu hiểu biết, có tâm lý tò mò, thử QHTD không an toàn”.
“Đặc biệt với các trẻ em gái, cần trang bị cho trẻ kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với mình. Đặc biệt không để các em tự ý phá thai ở những cơ sở y tế không an toàn”- bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin