Trường hợp hiếm có này là của hai chị em Phan Thị Hồng Châu và Phan Thị Ngọc Tươi cùng trưởng thành từ ngành công an của quê hương Đồng Khởi Bến Tre.
Hai chị em Minh Hiền và Ngọc Tươi. Ảnh: Internet |
Trường hợp hiếm có này là của hai chị em Phan Thị Hồng Châu và Phan Thị Ngọc Tươi cùng trưởng thành từ ngành công an của quê hương Đồng Khởi Bến Tre.
Cô chị Phan Thị Hồng Châu lớn hơn em 2 tuổi, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) lúc vừa tròn 20 tuổi, là gương mặt tiêu biểu của thanh niên Việt Nam sang Cộng hòa Dân chủ Đức tố cáo tội ác của quân xâm lược Mỹ. Cô em Phan Thị Ngọc Tươi là tấm gương học tập và tinh thần đấu tranh bất khuất ngay tại quê nhà, được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 17/4/2010.
Là con của một gia đình “Cộng sản nòi”, nên tuổi thơ của hai chị em sớm vất vả. Mới học đến lớp ba, Hồng Châu và Ngọc Tươi phải nghỉ học ở nhà ai mướn gì làm nấy. Sau đó, Hồng Châu lên thị xã Bến Tre giúp việc nhà cho một gia đình sĩ quan quân đội Sài Gòn. Do chịu thương chịu khó, cô sớm lấy được sự tin cậy của chủ nhà. Qua sự dẫn dắt của mẹ, Hồng Châu móc nối được với tổ chức cách mạng là Đội trinh sát vũ trang và tạo được vỏ bọc vững chắc trong lòng địch với cái tên Nguyễn Thị Minh Hiền. Còn Ngọc Tươi cũng được tổ chức sắp xếp một công việc là giữ em trong một gia đình giàu có gần chỗ ở của Hồng Châu. Không có được sự nhẫn nhịn như cô chị, nên chỉ một thời gian sau Ngọc Tươi bỏ về quê xin trực tiếp tham gia chiến đấu ở Đội trinh sát vũ trang. Sau năm 1969, cô được điều về đơn vị mới được tách ra từ đơn vị củ có mật danh là T30, nhiệm vụ của đơn vị là độc lập tác chiến trong lòng địch, cả Hồng Châu và Ngọc Tươi đến thời điểm đó đều trực thuộc biên chế của đơn vị này.
Minh Hiền (Hồng Châu), nhờ có vỏ bọc vững chắc, cô luồn sâu trong lòng địch không những cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho tổ chức, mà còn trở thành nổi ám ảnh của kẻ thù với những trận đánh táo bạo vào những nơi mà địch cho là an toàn nhất như: Trung tâm chiêu hồi, Hội trường công chức… Năm 1971, cô được gọi về Trung ương Cục miền Nam với bảng báo cáo thành tích: 17 trận đánh thắng lợi, diệt 174 tên địch và rất nhiều lần được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1972, Minh Hiền được bố trí ra miền Bắc học tập. Năm 1973, cô vinh dự là một trong những thanh niên tiêu biểu, đại diện cho cả nước sang Cộng hòa Dân chủ Đức tố cáo tội ác của giặc Mỹ. Minh Hiền cũng là một trong những gương mặt gây được sự chú ý của giới báo chí nước ngoài trong chuyến đi. Cô được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND khi vừa tròn 20 tuổi.
Riêng Ngọc Tươi, sau các thử thách với công tác liên lạc, cô được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ điều nghiên và tham gia trực tiếp các trận đánh ngay trong sào huyệt của địch. Chỉ trong vòng 4 năm chiến đấu, Ngọc Tươi đã tham gia 10 trận đánh, diệt 97 tên địch, làm bị thương 11 tên, hầu hết là những đối tượng có nhiều nợ máu với nhân dân. Cô cũng được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1972, Ngọc Tươi được chọn ra miền Bắc chuẩn bị cho việc nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. Thế nhưng tại thời điểm đó, đơn vị đang triển khai một kế hoạch lớn đánh vào Trung tâm thẩm vấn của địch, Ngọc Tươi xin hoãn chuyến đi, ở lại sát cánh cùng đồng đội tiêu diệt kẻ thù. Trong trận này cô bị địch bắt khi làm mục tiêu thu hút sự chú ý của địch để đồng đội rút lui an toàn. Trong tù trước mọi nhục hình, Ngọc Tươi luôn kiên cường giữ vững khí tiết, là tấm gương về tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.
Đất nước thống nhất, Minh Hiền tiếp tục hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa, tham gia tích cực trong các phong trào Đoàn, Hội và là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau giải phóng. Năm 1991, chị trở về TP Hồ Chí Minh giữ cương vị Phó trưởng Công an Quận 5 cho đến ngày nghỉ hưu. Còn Ngọc Tươi sau thời gian phải chữa trị các di chứng do các đòn tra tấn dã man của địch trong thời gian bị chúng cầm tù, chị trở về công tác tại Bến Tre rồi chuyển về TP Hồ Chí Minh sinh sống. Ngày 17/4/2010, chị vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
HỒNG VÂN-st
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin