Nhiều niềm vui trong ngày Tết Chol Chnam Thmay

05:04, 16/04/2022

Khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, niềm vui ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer trở nên rộn ràng và càng trọn vẹn hơn, là những câu chuyện làm ăn vươn lên của bà con khi được sự hỗ trợ nhiều mặt về đời sống vật chất, tinh thần từ các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước.

 

Đua ghe ngo- nét đẹp văn hóa tryền thống của đồng bào dân tộc Khmer đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đua ghe ngo- nét đẹp văn hóa tryền thống của đồng bào dân tộc Khmer đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: PHƯƠNG NAM

(VLO) Khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, niềm vui ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer trở nên rộn ràng và càng trọn vẹn hơn, là những câu chuyện làm ăn vươn lên của bà con khi được sự hỗ trợ nhiều mặt về đời sống vật chất, tinh thần từ các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào Khmer

Năm 2021, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đã gây ra những khó khăn, thách thức, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế- xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Các ngày lễ, tết của đồng bào Khmer trong 2 năm qua, đã thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, nên đã hạn chế nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, tập hợp lên chùa như thường lệ. Nhưng Tết Chol Chnam Thmay năm nay rộn ràng hơn khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả.

Cùng với đó, là niềm vui của nhiều gia đình vươn lên từ sự nỗ lực, bên cạnh các chính sách quan tâm đặc biệt dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Năm 2021, các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh tiếp tục được thụ hưởng chính sách đặc thù theo Chương trình 135.

Các chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Từ đó, đã giúp cho 298 hộ nghèo dân tộc Khmer thoát nghèo, hiện còn 935 hộ nghèo- chiếm trên 10% và 986 hộ cận nghèo, chiếm trên 10%.

Ông Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết: “Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021- 2025 bước đầu được triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt.

Hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer được tiếp tục quan tâm đầu tư, như: hỗ trợ trùng tu, nâng cấp các chùa, xây dựng lò hỏa táng, trang bị dàn nhạc ngũ âm… các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên”.

Cùng với đó, an sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng thực hiện, theo ông Thạch Dương- Trưởng Ban Dân tộc: UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), như: thành lập BCĐ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Vĩnh Long 2021- 2030.

Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS giai đoạn II. Đề án tăng cường hợp tác quốc tế phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS đến năm 2025…

Đó là bệ đỡ vững chắc, giúp đồng bào Khmer nỗ lực vươn lên mạnh mẽ thay đổi từ trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đột phá với nhiều mô hình làm ăn mới, quy mô, hiệu quả.

Ngay trong những ngày Tết cổ truyền, cùng với không khí rộn ràng trong từng gia đình, trong từng phum sóc, là những câu chuyện tràn đầy niềm tin, hy vọng chuyện làm ăn, chuyển đổi mới, làm giàu, nghe thật ấm lòng.

Đổi mới làm giàu và giữ bản sắc văn hóa

Điểm đổi mới dễ nhận thấy, là có 100% xã và ấp có đường giao thông nông thôn đảm bảo kiên cố hóa và thuận tiện đi lại cả hai mùa mưa nắng.

Chạy dọc sông Kỳ Son xã Loan Mỹ (Tam Bình) mấy năm trước là con đường đất nhỏ xíu “nắng bụi, mưa lầy”; giờ hai bên bờ là con đường đan rộng rãi và lộ xe ô tô chạy vào đến tận xã.

Đặc biệt là những vườn cam sành đã mọc lên xanh mịt nối liền nhau bát ngát, dần chuyển đổi những ruộng lúa truyền thống.

Loại cây khó trồng đòi hỏi am hiểu tốt kỹ thuật chăm sóc, cái khó lớn nhất chính là loại cây đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn trong giai đoạn đầu xuống giống và khoảng thời gian dài mới có thu hoạch, cho lợi nhuận. Nhưng giờ đây, nhiều bà con đồng bào Khmer đã mạnh dạn lên liếp trồng cam và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ghé thăm một số bà con ở ấp Kỳ Son, bên câu chuyện rộn ràng đón Tết Chol Chnam Thmay, là những câu chuyện nuôi bò, trồng cam cùng với giữ vùng lúa truyền thống.

Chồng chị Pha Linh, ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ (Tam Bình) ngoài đặt dớn, làm cối gạch, còn nuôi được 3 con bò trong chuồng.
Chồng chị Pha Linh, ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ (Tam Bình) ngoài đặt dớn, làm cối gạch, còn nuôi được 3 con bò trong chuồng.

Chị Thạch Thị Pha Linh đon đả chào khách chuẩn bị trà nước và trên bàn là dĩa bánh tét nhà gói, chị khoe năm nay sẽ lên chùa dâng cơm cho sư, cùng với nhiều vật dụng dâng cúng má mình đã mất, như: quần áo, mùng mền, có cả kem, bàn chải răng…

Chị Pha Linh giải thích, người Khmer cúng ông bà quá cố bằng đồ thật, đem lên chùa nhờ các sư tụng niệm cầu siêu, nói chung là tất cả những đồ dùng thiết yếu, như nồi niêu để nấu nướng y như hồi còn sống vậy.

Bên kia sông là tiếng nhạc xập xình của một gia đình vừa ăn Tết vừa mừng xây nhà mới. Bà Kim Thị Sơn (61 tuổi) cho biết 10 giờ trưa 14/4 gia đình mới tổ chức bữa tiệc mừng năm mới, lúc đó sẽ có con gái đi làm ở công ty được nghỉ và con rể làm trong ngành công an ở Bạc Liêu mới tập hợp về đầy đủ.

Trò chuyện cùng chồng bà- ông Thạch Bươn (62 tuổi) giữa vườn cam treo đầy trái, ông hào hứng giới thiệu kế hoạch chuyển đổi cây trồng của mình đang sắp cho thành quả thu hoạch.

Vườn cam sành sắp thu hoạch của ông Thạch Bươn.
Vườn cam sành sắp thu hoạch của ông Thạch Bươn.

Với 8 công trồng lúa xưa nay, cách đây 2 năm ông Thạch Bươn cho thuê 4 công, giá 6 triệu đồng/công/năm, trong vòng 5 năm, được 96 triệu.

Còn 4 công lên liếp trồng cam sành, chi phí cũng trên trăm triệu nên phải vay thêm ngân hàng 50 triệu. Giờ vườn cam sắp thu hoạch, mà giá cam đang lên trên 17.000 đ/kg, nếu giữ giá tốt thế này coi như kế hoạch chuyển đổi cây trồng của ông Thạch Bươn và một số bà con ở ấp Kỳ Son thắng lợi.

Kế bên là 3 công cam của người em trai, còn kế tiếp cũng là những vườn cam 5 công, 12 công cũng toàn của bà con Khmer ở ấp Kỳ Son này. Những người trồng cam kỹ thuật giỏi trúng 9- 10 tấn, vườn mới như ông Thạch Bươn độ chừng 5- 6 tấn/công.

Nhiều bà con được vay cả trăm triệu đồng đầu tư trồng cam. Cầu mong cho mùa cam trĩu quả, được giá cao cho những ngày Tết Chol Chnam Thmay thêm vui, bắt đầu cho một năm mới tràn đầy niềm hy vọng đổi đời.

Rồi đây, những căn nhà tường khang trang như của ông Thạch Bươn với chi phí hơn nửa tỷ đồng, sẽ mọc nhiều thêm dọc bên dòng Kỳ Son êm ả, hiền hòa.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh