Tri ân tuyến đầu chống dịch!

09:01, 19/01/2022

Nhìn lại cuộc chiến chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng (ngày 21/6/2021), cả hệ thống chính trị và nhân dân Vĩnh Long đoàn kết, đồng lòng phòng chống dịch bệnh với tinh thần "sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết"; thực hiện tốt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, giảm tác hại của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh trân trọng, ghi nhận sự đóng góp của lực lượng y tế cơ sở trong phòng chống dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh trân trọng, ghi nhận sự đóng góp của lực lượng y tế cơ sở trong phòng chống dịch COVID-19.

Nhìn lại cuộc chiến chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng (ngày 21/6/2021), cả hệ thống chính trị và nhân dân Vĩnh Long đoàn kết, đồng lòng phòng chống dịch bệnh với tinh thần “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”; thực hiện tốt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, giảm tác hại của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, lực lượng tuyến đầu đã tiên phong và có những đóng góp tích cực, quan trọng.

Những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch

Xông pha vào các điểm nóng của dịch bệnh, đối mặt với căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” vẫn lao vào “cuộc chiến” với sứ mệnh cao cả là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trên chiến tuyến chống dịch đầy khốc liệt, không phân biệt điều trị F0 hay truy vết, cách ly F1, đảm nhiệm việc lấy mẫu test nhanh, tiêm vắc xin, xét nghiệm, mỗi sự cống hiến ấy đều gánh trên vai sứ mệnh cao cả, đẩy lùi dịch bệnh.

Chính “blouse trắng” tuyến đầu là người đem lại niềm tin, sự an tâm cho bệnh nhân rằng mình có thể vượt qua, có thể tìm được cuộc sống, có thể chiến thắng COVID-19. Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao, cường độ và áp lực rất lớn, những hy sinh mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết. Dù bao khó khăn, gian khổ phải tạm gác nỗi niềm riêng, nhiều người có con nhỏ, có ba mẹ sức khỏe yếu nhưng vẫn tình nguyện lên đường theo mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc, sẵn sàng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, vì sức khỏe nhân dân.

Tất cả hướng đến một điều duy nhất là mong muốn được nhìn thấy tất cả bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, trở về sum họp với gia đình. Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc (Trung tâm Hồi sức COVID-19) chia sẻ: “Có những bệnh nhân rất nguy kịch, anh em bảo với nhau khó mà qua khỏi. Song, các y bác sĩ xuyên ngày đêm tận sức cứu chữa đồng thời trấn an tâm lý, động viên kịp thời, đặc biệt, còn có sự nỗ lực của chính người bệnh. Và rất may, họ đã hồi sinh. Mỗi lần đi qua buồng bệnh, những bệnh nhân hồi phục, chỉ cần họ mấp máy môi, ngồi dậy được là hy vọng. Rồi bệnh nhân nói chuyện được, ăn hết cháo, cười, là y bác sĩ rất hạnh phúc”.

Từ đầu tháng 12/2021, Vĩnh Long bắt đầu thực hiện việc điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà... các cơ sở y tế và bệnh viện dã chiến được giảm tải sau nhiều tháng ròng rã... thì trách nhiệm và áp lực lại trở nên quá lớn đối với đội ngũ nhân viên y tế cơ sở vốn đã rất mỏng. Toàn tỉnh có hơn 100 tổ y tế lưu động đảm trách chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, thực hiện công tác theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, và kịp thời xử lý trường hợp diễn tiến nặng để chuyển lên tuyến trên điều trị.

Các tổ COVID-19 cộng đồng là lực lượng dân quân, dân phòng, các tình nguyện viên có người tuổi rất cao và nhiều bạn còn rất trẻ... luôn ngày đêm bám sát địa bàn, theo dõi, hướng dẫn, và hỗ trợ người mắc COVID chăm sóc, điều trị tại nhà. Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Vi Bằng Vũ- Trưởng Trạm Y tế xã Phú Quới (Long Hồ), cho biết: “Nhân lực thì ít, địa bàn rộng bởi vậy các anh em nỗ lực hết mình, tâm huyết, yêu nghề để cố cố gắng làm sao điều trị F0 hết bệnh. Anh em làm hết việc chứ không có kể hết thời gian”.

“Chia lửa” với lực lượng y tế, quân đội, công an cùng góp thành 3 trụ cột chính làm lá chắn phòng chống đại dịch. Công an tỉnh Vĩnh Long điều động hơn 1.600 cán bộ, chiến sĩ tham gia đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch tại bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, chốt kiểm dịch… Với quyết tâm “giữ vững bên trong- bảo vệ vững chắc lan tỏa bên ngoài”, Đại tá Trần Quốc Phục- Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia chống dịch. Mỗi đơn vị, tổ chức trong công an là pháo đài vững chắc chống dịch”.

Tinh thần chống dịch ngày càng ngấm vào cộng đồng

Bất kể ngày hay đêm, lực lượng quân sự không ngại khó khăn, gian khổ, luôn ở vị trí xung kích đi đầu, trực tiếp tham gia hỗ trợ người dân trong các khu cách ly tập trung, các điểm kiểm soát, khu phong tỏa.

Theo Đại tá Trần Hoàng Quân (Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, năm 2021 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều hơn 16.000 lượt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chốt kiểm soát dịch, tổ truy vết, xét nghiệm, điều trị F0.

Vận chuyển hơn 800 tấn hàng hỗ trợ các khu cách ly, phong tỏa trong và ngoài tỉnh. Vận động ủng hộ 10 tấn gạo, hơn 120.000 chiếc khẩu trang, 2.500 túi thuốc điều trị F0 và các trang, thiết bị, vật tư y tế.

Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.
Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

Nhiều cán bộ cơ sở, tình nguyện viên mặc dù đời sống gia đình còn khó khăn nhưng vẫn đăng ký tham gia vào lực lượng tuyến đầu... Sự đóng góp tích cực của các lực lượng đã cổ vũ phong trào chung tay phòng chống dịch trong nhân dân, tinh thần chống dịch ngày càng ngấm vào cộng đồng, đến với từng người dân, từng xóm ấp.

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh, trân trọng ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các lực lượng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đội ngũ y bác sĩ ngày đêm chiến đấu để giữ lấy sự sống cho bệnh nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long lưu ý, dự báo dịch COVID-19 sẽ còn phức tạp hơn với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Do đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt lực lượng tuyến đầu, y tế cơ sở cần nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc tốt sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Các cấp ủy, chính quyền khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp và các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê để giám sát các trường hợp có nguy cơ, phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, không để lây lan ra cộng đồng. Các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đề cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế tập trung đông người nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh