Đa số học viên khi hoàn thành thời gian cai nghiện không được đưa đón, giúp đỡ khi hòa nhập cộng đồng dễ dẫn đến tái nghiện. Trăn trở trước thực tế đó, ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành "Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long".
(VLO) Đa số học viên khi hoàn thành thời gian cai nghiện không được đưa đón, giúp đỡ khi hòa nhập cộng đồng dễ dẫn đến tái nghiện. Trăn trở trước thực tế đó, ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành “Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.
Quy chế quy định cụ thể trách nhiệm từng cấp, từng ngành, địa phương trong công tác cai nghiện và sau đó, như một “chuỗi liên kết” lâu dài từ khi học viên vào cơ sở đến khi tái hòa nhập cộng đồng.
Cơ sở Cai nghiện ma túy phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai mô hình điểm tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng, cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về phòng chống ma túy, HIV/AIDS, phòng ngừa nghiện và tái nghiện. |
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học viên
Giữa tháng 11/2021, Cơ sở Cai nghiện ma túy phối hợp công an và UBND xã Long Phú (Tam Bình), Thanh Đức (Long Hồ), phường Tân Hội (TP Vĩnh Long) đưa 3 học viên đã chấp hành xong quyết định cai nghiện về địa phương hòa nhập cộng đồng.
Tại địa phương, UBND cấp xã sẽ phân công cán bộ phụ trách phối hợp với các ngành, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ học viên và thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện “Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”, được UBND tỉnh ban hành và có hiệu lực từ tháng 3/2021.
Trước đó, trong thời gian cai nghiện, cơ sở đã trang bị cho học viên nền tảng tay nghề vững chắc với các lớp nghề được mở thường xuyên, dựa trên năng lực và nhu cầu xã hội.
Theo ông Trần Ngọc Chi, điều trị nghiện kết hợp lao động trị liệu là một trong những giải pháp hữu hiệu, hướng học viên tập trung vào những điều tươi sáng, có ích và quên đi những suy nghĩ tiêu cực.
Học viên hoàn thành cai nghiện được Cơ sở Cai nghiện ma túy đưa về và bàn giao chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện theo quy chế. |
“Em có nhu cầu học nghề hàn và rất vui khi được tham gia tại cơ sở”- T.V.T.A. (xã Bình Phước- Mang Thít) nói khi được hỏi về việc lao động trị liệu qua các lớp nghề. A. kể đã từng làm quen với công việc này nhưng chưa rành lắm, nay vào cơ sở biết có mở lớp nên xin tham gia. Sau mấy tháng, A. nói “cơ bản rành nghề”, thu nhập 60.000 đồng/ngày và được hưởng phân nửa.
Giữa tháng 6/2021, lớp đan gia công khung ghế được Cơ sở Cai nghiện ma túy phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương tại Ấp 8 (Mỹ Lộc, Tam Bình).
Tùy theo đơn hàng mà cơ sở sẽ nhận và giao cho chị em gia công. Công đoạn đầu cần máy móc thì do học viên ở cơ sở cai nghiện đảm đương, tiếp đến đưa xuống cho chị em ở địa phương gia công tiếp rồi thu về cơ sở hoàn thành công đoạn cuối để giao cho công ty sản phẩm hoàn chỉnh.
Ông Võ Văn Chiến- Trưởng Phòng Quản lý học viên thuộc Cơ sở Cai nghiện ma túy- cho biết, ngoài việc tạo được việc làm, thu nhập cho chị em hội viên phụ nữ, hoạt động hướng đến mục tiêu lớn hơn là gắn với công tác hỗ trợ việc làm cho người nghiện sau khi được quản lý, điều trị cai nghiện hiệu quả và tái hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Trần Ngọc Chi, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện và gia đình họ là giải pháp bền vững phòng chống tái nghiện và giảm áp lực cho các cơ sở cai tập trung. Mô hình hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn gắn công tác quản lý sau cai nghiện là ý tưởng hay, thực tế của Phòng Quản lý học viên nhằm đạt được mục tiêu nói trên.
“Chuỗi liên kết” trong công tác cai nghiện
Các lớp đào tạo nghề hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn gắn công tác quản lý sau cai nghiện. |
Theo ông Trần Ngọc Chi, những năm gần đây công tác quản lý người sau cai nghiện ma túy nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ người tái nghiện ma túy vẫn còn cao.
Trong khi đó, trách nhiệm của các ngành, các cấp chưa rõ ràng nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện thay đổi hành vi, nhân cách, tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Hệ lụy do người nghiện ma túy gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình và xã hội, dẫn đến giảm sút niềm tin của nhân dân vào công tác phòng chống, cai nghiện ma túy.
Do vậy, “Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” được ban hành và áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; giảm tình trạng tái nghiện và tệ nạn ma túy, giữ gìn an ninh trật tự.
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp, trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã trong thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy nơi cư trú. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác quản lý sau cai nghiện, tác hại và phòng chống tệ nạn ma túy trong nhóm đối tượng quản lý và người dân.
Lao động kết hợp trị liệu tại Cơ sở Cai nghiện ma túy. |
Các hoạt động công tác quản lý sau cai được triển khai, tổ chức thực hiện theo quy định để người sau cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú được tiếp cận với các hoạt động quản lý sau cai nghiện ma túy nơi cư trú phù hợp, sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng theo hướng bền vững.
Song song đó, các tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tham gia giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy được học nghề, vay vốn, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- đánh giá: Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy nơi cư trú đã làm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp về công tác sau cai nghiện ma túy.
Đặc biệt là giúp người nghiện ma túy có niềm tin, ý chí tự lực vươn lên xóa bỏ mặc cảm để làm lại cuộc đời. Sắp tới, Sở sẽ tăng cường công tác phối hợp với chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quản lý sau cai nghiện.
Đồng thời, chủ trì chỉ đạo trong hệ thống ngành và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các hỗ trợ, giúp đỡ về dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội theo quy định đối với người sau cai nghiện ma túy và gia đình của họ.
* Đến nay, Cơ sở Cai nghiện ma túy đã liên kết đào tạo 5 lớp nghề: hàn, sửa xe gắn máy, chăn nuôi, hớt tóc và điêu khắc gỗ. Tổ chức hội thi tay nghề giúp học viên nâng cao kỹ năng, hoàn thành tốt việc lao động kết hợp trị liệu và có thể tìm được việc làm với thu nhập ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng. Hỗ trợ Hội phụ nữ các xã Lục Sĩ, Tích Thiện (Trà Ôn) và Ngãi Tứ, Mỹ Lộc, Long Phú (Tam Bình) thành lập 5 tổ đan ghế bằng dây nhựa, với hơn 300 lao động nông thôn tham gia tạo việc làm tại chỗ gắn với mô hình phòng chống ma túy và quản lý sau cai. Phối hợp tổ chức “Ngày hội việc làm”, qua đó đã giới thiệu 6 học viên đăng ký tham gia lao động có thời hạn tại Nhật Bản và giúp 19 học viên tìm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. * Từ tháng 5/2021 đến nay, cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức đưa 52 học viên về nơi cư trú và bàn giao cho các tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã quản lý, hỗ trợ. |
Bài, ảnh: THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin