"Không có điện nên chồng tôi đi bẻ củi về nấu cơm, hứng nước mưa chảy để tắm. Khắp người dị ứng và ngứa ngáy nhưng được cái không khí trong lành và không bị nhiễm Covid-19", bà Thu kể.
"Không có điện nên chồng tôi đi bẻ củi về nấu cơm, hứng nước mưa chảy để tắm. Khắp người dị ứng và ngứa ngáy nhưng được cái không khí trong lành và không bị nhiễm Covid-19", bà Thu kể.
Hai vợ chồng bà Thu sống ở gầm cầu hơn 4 tháng để trốn dịch Covid-19. |
Hơn 4 tháng dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng bà Phạm Thị Thu (52 tuổi, ngụ TPHCM) sống tạm bợ tại gầm cầu Kênh 1 (TP Thủ Đức). Con đường dẫn xuống nơi vợ chồng bà Thu sống tạm um tùm cỏ dại, khi đi lại cũng phải nhẹ nhàng vì nếu lỡ đụng trúng cây ven đường thì cả đàn ong bay ra "cắn sưng mặt".
Lối đi xuống gầm cầu um tùm cỏ dại, nếu không cẩn thận ông sẽ bị chích sưng mặt. |
"Hết ong rồi tới muỗi chích riết vợ chồng tôi cũng quen rồi", ông Vũ Văn Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng, chồng bà Thu) vừa dẫn đường vừa nói.
Khoảng 5 phút đi bộ, ông Hùng giới thiệu "ngôi nhà" là bãi đất mềm dưới gầm cầu được trải vài miếng bạt cũ. Xung quanh, nhiều vũng nước đọng, cây cỏ mọc um tùm và đầy muỗi, chuột, ong.
Chỗ ngủ của hai vợ chồng nghèo chỉ là tấm bạt cũ và vài chiếc gối rách. |
Bà Thu cho biết, vì không có tiền thuê trọ nên trước dịch vợ chồng ông bà ở nhờ nhà trọ của con trai. Khi giãn cách, hai người nương nhờ dưới gầm cầu Kênh 1. Chưa bao giờ bà Thu nghĩ cuộc đời phải sống trong hoàn cảnh như vậy ròng rã gần 4 tháng trời.
Bếp củi được ông Hùng dùng nấu ăn trong hơn 4 tháng qua. |
"Không có điện nên chồng tôi đi bẻ củi về nấu cơm, không có nước nên lấy nước mưa chảy từ ống cống dưới gầm cầu để tắm. Dị ứng, ngứa ngáy, kém vệ sinh nhưng được cái không khí trong lành và may mắn không bị nhiễm Covid-19", bà Thu kể.
Do khu vực gầm cầu ẩm thấp, nhiều vũng nước đọng nên có rất nhiều muỗi, chuột. |
Chừng đó thời gian, vợ chồng bà sống nhờ vào ít gạo từ chính quyền địa phương và một "cô đi xe hơi" tốt bụng nào đó gửi tặng. Dù chỉ ăn cơm với muối, nước tương và rau muống dại mọc ven cầu sống qua ngày, vợ chồng bà cũng thấy ấm lòng.
Gọi là vợ chồng trong đời sống thực tế, còn về pháp lý, 2 người chưa từng đăng ký kết hôn. Khoảng 8 năm trước, ông bà đi làm thuê gặp nhau rồi "về ở với nhau chứ có cưới hỏi gì đâu". Do cả 2 đều có hoàn cảnh khó khăn nên nương tựa nhau sống qua ngày bằng nghề bán nước ngọt, cà phê ở ven đường. Dù nghèo khó nhưng vợ chồng ông bà vẫn luôn lạc quan và rất hiếm khi xảy ra xô xát.
Theo bà Thu, sống dưới gầm cầu dù không đảm bảo vệ sinh nhưng thông thoáng và may mắn không bị Covid-19. |
"Con gái đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, con trai đã 30 tuổi nhưng làm lao động tự do nên bữa đói bữa no, mướn nhà trọ hết 1,8 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Tiền nhà cũng chiếm hết cả tháng lương của nó. Nó khổ lắm, tôi làm mẹ thì nhờ vả sao cho đặng", bà Thu tâm sự về lý do dọn ra gầm cầu ở.
Mỗi ngày, bà Thu bán nước ven đường để mưu sinh. |
Từ khi thành phố nới lỏng giãn cách, vợ chồng bà Thu đã quay trở lại với công việc bán nước. Mỗi ngày, bà Thu đẩy xe ra bán từ 8h sáng đến khi trời tối mịt. Từ ngày được "lên bờ" buôn bán lại, bà Thu mừng lắm nhưng cũng chạnh lòng vì hàng nước lâm cảnh ế ẩm.
Tuy vậy, thu nhập giảm đến 70% khiến cuộc sống của bà tiếp tục khó khăn. |
"Xe qua lại nhiều nhưng hiếm ai ghé lại. Lúc trước ngày bán được 200.000-300.000 đồng, nay giảm xuống chưa tới 100.000 đồng, trừ tiền vốn ra thì không đủ ăn. Ăn uống sáng giờ tiết kiệm lắm cũng hết 30.000 đồng rồi", người phụ nữ 52 tuổi rầu rĩ.
Cả một ngày mưu sinh, bà Thu chỉ kiếm được chưa tới 30.000 đồng. |
Thấy mẹ quá cực khổ, con trai bà Thu đã khuyên bà tối về phòng trọ của mình nghỉ ngơi. Dù vậy, bà Thu cho biết ở chung với con có nhiều bất tiện và không muốn làm gánh nặng cho con. Bà cầu mong công việc buôn bán thuận lợi để có tiền mướn nhà trọ ở riêng.
Bà Thu mong sớm có tiền để thuê một căn phòng trọ ở cho thoải mái, không làm phiền đến các con. |
Đã 30 tuổi, anh Nguyễn Văn Tý, con bà Thu vẫn chưa dám cưới vợ. Phần vì không có tiền bạc, phần vì anh muốn lo cho mẹ. "Nó cưới vợ chẳng lẽ tôi lấy mấy lốc nước ngọt làm quà?", bà Thu nghẹn ngào.
Theo Phương Nhi (Báo Dân Trí)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin