Chính sách tín dụng cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo sản xuất kinh doanh, tạo thêm thu nhập, góp phần thoát nghèo và giúp các hộ ổn định kinh tế gia đình.
(VLO) Chính sách tín dụng cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo sản xuất kinh doanh, tạo thêm thu nhập, góp phần thoát nghèo và giúp các hộ ổn định kinh tế gia đình.
Nguồn vốn vay tín dụng chính sách giúp anh Linh mở rộng nghề cơ khí, ổn định kinh tế gia đình. |
Anh Lê Hiếu Linh (34 tuổi, ấp Tân Hưng, xã Tân Hạnh-Long Hồ) theo học nghề cơ khí và làm nghề đến nay mười mấy năm. Trước đó nhà anh khó khăn, thiếu vốn để đầu tư mở rộng làm ăn và “mối” chưa nhiều.
Được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Long Hồ phối hợp chính quyền và hội đoàn thể cơ sở xem xét cho vay 50 triệu đồng. Anh đầu tư mấy tấm pin năng lượng mặt trời mái nhà, sắm thêm vật liệu cần thiết, rồi cùng người làm phát triển tay nghề.
“Có vốn làm ăn, tui đầu tư điện và mua sắm thêm máy móc, nhận gia công cơ khí theo yêu cầu bà con và đi công trình. Công việc và thu nhập ổn định hơn”- anh Linh kể công việc.
Cách “cơ sở” hàn sắt tại nhà anh Linh gần một cây số đường vườn, chúng tôi đi đến nhà chị Dương Thị Mộng Thúy (37 tuổi, cùng ấp).
Được hỗ trợ vay vốn tín dụng, chị Thúy duy trì việc chăn nuôi heo, buôn bán nhỏ. |
Không may chồng ra đi vì tai nạn giao thông, chị Thúy một mình gồng gánh 3 con, làm đủ các việc: nuôi heo, buôn bán nhỏ và cả chạy xe ôm đưa rước học sinh tan học.
Thông qua Tổ Tiết kiệm vay vốn từ đoàn thể phụ nữ ấp, chị Thúy được NHCSXH huyện Long Hồ xét cho vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình.
“Nhờ có đồng vốn, tui mua thêm heo nuôi tới lứa bán rồi xoay vòng lại. Bổ thêm đồ tạp hóa bán tại nhà, chạy xe ôm rước mấy cháu học sinh tan học... để có thêm thu nhập”- chị Thúy miêu tả chuyện cáng đáng gia đình mình.
Chia sẻ câu chuyện cuộc sống, chị Thúy với 3 đứa con hiển hiện nét lo toan nhưng cũng đầy sự nỗ lực cố gắng. Chị nói từ nguồn vốn vay tín dụng, chỉ mong việc chăn nuôi và buôn bán thuận lợi để kiếm đồng ra đồng vào để chăm lo cho các con.
Cô Phạm Thị Hồng Nhung-Chi ủy Chi bộ ấp và là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Tân Hưng- cho biết, ở ấp có 53/55 hộ vay vốn tín dụng còn dư nợ và hàng tháng đều thực hiện trả gốc lãi ngân hàng và gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng hạn.
Đây là những hộ gia đình cần nguồn vốn thực sự để làm ăn, qua đó họ có điều kiện để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, chăn nuôi hoặc buôn bán nhỏ để giúp ổn định kinh tế gia đình.
Theo ông Trương Thanh Hà-Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh, từ đầu năm đến nay, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 536 tỷ đồng, với khoảng 20.000 lượt hộ vay, tập trung vào các chương trình cho vay: nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm, học sinh sinh viên...
NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp tốt với các hội đoàn thể cấp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong giao dịch; thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh của địa phương, có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phù hợp cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo NHCSXH chi nhánh tỉnh, tính đến nay ngân hàng đang triển khai 16 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ hơn 2.244 tỷ đồng, với 89.395 hộ đang vay vốn. Hiện có 4 hội đoàn thể tỉnh (Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân) đang quản lý 2.290 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 2.241 tỷ đồng, chiếm 99,84% tổng dư nợ. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin