Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Vĩnh Long, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà vào cuộc với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Đặc biệt, gần 1.500 chị em phụ nữ thuộc các ngành công an, quân sự và y tế đã nén lại tình cảm riêng, tạm xa gia đình vì sự bình yên của cộng đồng. Họ chính là những đóa hoa tươi thắm, dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.
TS. Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ niềm vui với các công nhân KCN Hòa Phú được tiêm vắc xin phòng COVID-19. |
(VLO) Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Vĩnh Long, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đặc biệt, gần 1.500 chị em phụ nữ thuộc các ngành công an, quân sự và y tế đã nén lại tình cảm riêng, tạm xa gia đình vì sự bình yên của cộng đồng. Họ chính là những đóa hoa tươi thắm, dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Kỳ 1: Nữ “blouse trắng” thầm lặng
Là lực lượng trực tiếp điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, cùng với đội ngũ y tế, những y bác sĩ nữ trong bộ áo blouse trắng lặng thầm góp công sức vào thắng lợi bước đầu.
Lặng thầm tỏa hương thơm
Trong thời điểm số ca nhiễm tăng nhanh, cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Vĩnh Long trở nên căng thẳng, những cơ sở y tế chuyên biệt nhanh chóng được thiết lập, để điều trị bệnh nhân (BN) thể nặng.
Tỉnh huy động hơn 400 nhân viên y tế- từ các phòng, khoa của Bệnh viện (BV) tỉnh đến các trung tâm y tế tuyến huyện và các cơ sở y tế tư nhân.
Nhiều nữ bác sĩ, điều dưỡng bám trụ hàng tháng liền. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 bùng phát với số ca mắc COVID-19 tăng cao, khiến số lượng bác sĩ, điều dưỡng được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước. Lực lượng y bác sĩ phải nỗ lực từng ngày để giành lại sự sống cho BN.
Ý thức được mức độ nghiêm trọng của đợt dịch này, sự khó khăn khi đa số BN có bệnh lý nền, họ luân phiên chia ca trực 24/24 theo dõi sát để hỗ trợ BN.
Vừa kết hôn được 3 ngày, bác sĩ trẻ Trần Điều Ngọc Hân đã khăn gói vào BV để thay ca cho đồng nghiệp. Hay bác sĩ Trần Thảo Nguyên đã tạm gác lại việc học chuyên khoa 1, tình nguyện lên tuyến đầu cùng đồng nghiệp.
Bác sĩ chuyên khoa 2- Huỳnh Thị Mỹ Tiên (Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính- chỉ đạo tuyến và điều dưỡng BV Phổi Vĩnh Long) tâm sự: “Chúng tôi hiểu và động viên nhau rằng vì dịch bệnh, vì sức khỏe của cộng đồng, vì nhiều BN COVID-19 đang cần sự giúp đỡ nên chúng ta phải cố gắng hơn.
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn rình rập, trách nhiệm nhân viên y tế là điều trị BN khỏe được xuất viện, còn chúng ta thì an toàn.
Những khi nhiều BN nặng, chúng tôi cần lắm những sự quan tâm và động viên khi hàng ngày phải chứng kiến ánh mắt cầu cứu, hoặc khi phải thực hiện công việc mà không ai muốn làm… khi BN qua đời”.
Khi đợt dịch COVID-19 bùng phát, các y bác sĩ BV tỉnh đã đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông” cho 11 trường hợp sản phụ nhiễm SARS-CoV-2. Những cuộc mổ bắt con luôn tiềm ẩn tai biến sản khoa, nhất là trường hợp sản phụ có tiền sử vết mổ cũ, dọa sinh non, nguy cơ tiền sản giật.
Với sản phụ mắc COVID-19, các bác sĩ càng căng thẳng hơn. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Hằng (Khoa Sản) có biệt danh “bác sĩ COVID” bởi chị đã trực tiếp mổ và đỡ đẻ cho 7 sản phụ mắc COVID-19. “Người phụ nữ nào trong thai kỳ đều có những ngày khó thở, đối với sản phụ F0 càng khó hơn.
Ra khỏi phòng mổ đặc biệt, cả ê kíp phẫu thuật cởi mấy lớp đồ bảo hộ, thì quần áo bên trong cũng ướt sũng. Song, ai nấy đều lâng lâng hạnh phúc khi đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, người mẹ cũng kịp tỉnh lại để đón nhìn con”- bác sĩ Hằng vui vẻ nói.
Nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ
Các “bóng hồng” Trung tâm Hồi sức tích cực Vĩnh Long mừng vui khi bệnh nhân COVID-19 được về nhà. |
Điều dưỡng Trần Thị Thu Hằng (BV Sản- Nhi Trung ương) cùng hơn 20 đồng nghiệp tham gia hỗ trợ chống dịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Vĩnh Long. Mỗi ca trực kéo dài suốt 8 giờ, đối mặt với nhiều trường hợp là BN thể nặng.
Đội ngũ y bác sĩ luôn căng mình để giành giật sự sống cho từng BN, nhưng điều dưỡng Hằng chia sẻ giản dị “tôi chỉ góp chút sức nhỏ bé thôi mà”.
Cùng với việc thu dung điều trị, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm là một trong những công việc quan trọng, nhằm phát hiện sớm và chính xác, có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Những chị em tham gia lực lượng này bất kể ngày đêm, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
“Dù đã thuần thục các quy trình xét nghiệm, song, trước những mẫu chứa mầm bệnh thì nguy cơ nhiễm bệnh là khá lớn, bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn”- y sĩ Đào Thị Bảy (Trạm Y tế xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) tâm sự.
Làm công tác truy vết dịch tễ chính là “người gác cổng”, giữ vai trò cực kỳ quan trọng, chặn đứng đường lây lan của dịch bệnh.
Bác sĩ Trần Cẩm Linh- Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, chia sẻ: “Chúng tôi xác định tâm thế vào cuộc rất quyết liệt, quên hết thời gian, hành động nhanh chóng khoanh vùng các ổ dịch và các yếu tố nguy cơ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhờ sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều lực lượng chức năng, đặc biệt là công an cùng tham gia nên kết quả F1, F2 có nhanh sau khi phát hiện ca nghi bệnh”.
Là cán bộ nữ, Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng thấu hiểu những vất vả và lo toan của chị em. Ai đi đâu mà không muốn trở về nhà, về mái ấm của mình để được ôm con vào lòng. Tuy nhiên, sau những vất vả, căng thẳng, âu lo, các chị em tuyến đầu chống dịch không thể làm được điều đó.
“Phụ nữ tuyến đầu chống dịch nhiều vất vả lo toan, sau lưng là gia đình, phía trước là BN. Trên vai là cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa biết hồi kết thúc, phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe BN.
Nhiều chị em xong nhiệm vụ tự nguyện ở lại khu cách ly của BV vì sợ nếu không may mình bị nhiễm bệnh khi thực hiện nhiệm vụ, sẽ mang bệnh về cho gia đình”- bác sĩ Thu Hằng chia sẻ.
“Trong số các chị công tác nơi tuyến đầu, nhiều người đảm nhận vai trò vừa là bác sĩ vừa là nhà quản lý. Không chỉ là quân y, y tế công an, không chỉ là điều dưỡng, sinh viên, tình nguyện viên, còn có những chị em lo cho bếp ăn. Họ luôn tất tả ngược xuôi vận động kinh phí, thậm chí tự lấy tiền túi đóng góp. Mặc trời mưa gió, các chị luôn có mặt kịp giờ mang cơm canh nóng hổi cho lực lượng tuyến đầu. Tất cả các lực lượng đã có sự hy sinh cao quý, nỗ lực phi thường với lòng nhiệt tâm và chia sẻ”- bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng cho biết. |
>>>Kỳ cuối: Trân quý những tấm lòng
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin