Cứ 1kg rác thải nhựa là được quy đổi tặng 1kg gạo; đối với các hộ phụ trách nhặt rác trên địa bàn mỗi ấp, sẽ được tặng 10kg gạo mỗi tháng.
Ông Nguyễn Chí Tâm (phải) trao gạo hỗ trợ cho hộ dân đem rác thải nhựa đến đổi và hộ phụ trách nhặt rác. |
(VLO) Cứ 1kg rác thải nhựa là được quy đổi tặng 1kg gạo; đối với các hộ phụ trách nhặt rác trên địa bàn mỗi ấp, sẽ được tặng 10kg gạo mỗi tháng. Đó là cách làm của Hội Nông dân (ND) xã Đông Thành- TX Bình Minh, nhằm hỗ trợ bữa ăn cho các hộ khó khăn, đồng thời góp phần cùng địa phương nâng chất tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mô hình hay- thay đổi nhận thức
Là một trong những hộ dân có mặt tại UBND xã Đông Thành từ sáng sớm, bà Lê Thị Kim Em (ấp Đông Hưng 3) cho biết: “Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, khi hay tin Hội ND xã phát động trở lại chương trình “đổi rác thải nhựa lấy gạo”, tôi đã tranh thủ đến từ sớm để nhận gạo”.
Nhà cách UBND xã khoảng cây số, cứ đến ngày 15 hàng tháng, bà Kim Em đem cả bao đựng rác nhựa đến đổi gạo. Với 5kg rác nhựa đổi được 5kg gạo, “tính ra là quá lời vì 1kg nhựa bán ve chai chỉ được vài ngàn đồng trong khi 1kg gạo đã hơn 10.000đ”- bà Kim Em cười tươi.
Hiện, bà Kim Em nuôi người con trai bị bệnh tâm thần và cháu nội. Thu nhập chủ yếu nhờ vào tiền bán vé số của bà. Vậy là vừa bán vé số bà Kim Em vừa thu gom chai nhựa bị vứt bỏ trên đường. Kể từ khi phong trào được phát động đến nay, bà Kim Em đã đến đổi gạo được 4 lần.
Nhờ vậy, bà đỡ lo tiền mua gạo mà bữa ăn lại no đủ hơn. Việc làm “hai trong một” này vừa giúp gia đình bà có gạo ăn mỗi tháng, vừa chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường.
Là người phụ trách nhặt rác trên 2 tuyến đường thuộc 2 ấp Đông Hòa 1 và Đông Hòa 2, bà Nguyễn Thị Tuyết (ấp Đông Hòa 1) cho biết “được Hội ND xã hỗ trợ 20kg gạo/tháng”.
Bà Tuyết sống với vợ chồng con gái cùng hai cháu ngoại. Không có đất sản xuất, các con bà thuê đất trồng rẫy, còn bà thì “ai thuê gì làm nấy”: mần cỏ, chẻ củi, giúp việc nhà… nhờ siêng năng nên công việc có đều đều.
Song, bà không quên trong 2 ngày 13 và 14 hàng tháng đi nhặt rác bỏ vào thùng rác ở 2 ấp, rồi đến ngày 15 đi nhận gạo.
Thấy bà Tuyết nhặt rác, nhiều người cũng bắt đầu có ý thức hơn trong việc để rác đúng nơi quy định. Nhờ vậy, bà “cũng đỡ cực phần nào” và tiếp tục vừa “kiếm gạo” vừa chung tay bảo vệ cảnh quan, môi trường. Qua cách làm này, còn nâng cao ý thức, góp phần thay đổi hành vi đối với người dân.
Nâng chất tiêu chí môi trường
Mô hình “đổi rác thải nhựa lấy gạo” được Hội Nông dân xã Đông Thành tổ chức thực hiện từ đầu năm 2021. Ảnh chụp trước dịch COVID- 19 |
Đông Thành là xã nông thôn của TX Bình Minh, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Lượng rác từ sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường không nhỏ, trong đó, các loại chai nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Trước tình hình đó, Hội ND xã đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa thuốc bảo vệ thực vật”, vận động hội viên, nông dân sau khi sử dụng phân, thuốc sẽ đem đến đặt tại bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được bố trí sẵn. Số rác thải này sẽ được thu gom, xử lý đúng quy định.
Bên cạnh, hội còn phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ny lông, chai nhựa khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Đối với mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy gạo”, hội tổ chức cho các hộ bán vé số, có hoàn cảnh khó khăn đem rác thải nhựa đến đổi lấy gạo.
Ông Nguyễn Chí Tâm- Chủ tịch Hội ND xã Đông Thành cho biết: Chương trình được tổ chức thực hiện vào ngày 15 hàng tháng. Tuy nhiên, trong quý III/2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội nên mô hình tạm ngưng hoạt động.
Hiện, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, hội tiếp tục phát động trở lại mô hình này. Đến nay, đã tổ chức 4 cuộc với 450kg gạo được hội đổi cho 150kg rác thải nhựa và hỗ trợ cho các hộ gia đình phụ trách nhặt rác trên 7 đoạn đường lớn của xã. Kinh phí thực hiện từ nguồn vận động của hội và UBND xã vận động hỗ trợ.
Ông Nguyễn Chí Tâm cũng cho hay, mô hình “đổi rác thải nhựa lấy gạo” rất được sự quan tâm từ lãnh đạo Khối vận. Hội cũng phối hợp chặt chẽ với UBND xã và các chi bộ ấp để tạo thuận lợi cho mô hình hoạt động. Cùng với đó là sự ủng hộ của nhà hảo tâm và sự đồng thuận cao của người dân, tất cả góp phần không nhỏ vào hiệu quả của mô hình.
Là xã thứ hai của TX Bình Minh về đích NTM, Đông Thành tiếp tục giữ vững và nâng chất 19/19 tiêu chí NTM. Đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, xã phát động từng hộ dân vệ sinh quanh nhà ở xanh- sạch- đẹp; tổ chức trồng cây xanh ở nơi công cộng, đường nông thôn. Xây dựng phương án thu gom rác, bố trí thùng rác tại các tuyến đường lớn, đảm bảo vệ sinh, đúng quy định. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin